Sau khi sinh con một thời gian ngắn, Tăng Thanh Hà tiếp tục đam mê nấu ăn cho cả nhà. Chiều tối mùng 1 Tết, bà mẹ ba con đã khai bếp đầu năm với bữa cơm tân niên cho cả gia đình. Đây là một tục lệ truyền thống của người Việt trong dịp đầu năm mới, với ý nghĩa giữ ngọn lửa ấm cúng trong nhà, "bếp ấm thì nhà mới an". Khai bếp có thể đơn giản chỉ là đun ấm trà, hâm lại nồi thức ăn. Nhiều nơi, dù không nấu nướng, người dân cũng đun lửa hoặc mở bếp trong ngày mùng 1 Tết để lấy may.
Tăng Thanh Hà khá bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ và đi chúc Tết nên mâm cơm đầu năm phần lớn là các món từng xuất hiện ở tiệc tất niên trưa 29 Tết như thịt kho hột vịt, bánh tét... Một số món mới làm là nem rán (chả giò), bánh mì ăn kèm mứt hay giò gân. Bà xã Louis Nguyễn cẩn thận chuẩn bị hai loại nem, một loại gói bằng bánh đa nem bình thường (bánh tráng) và một loại gói bằng bánh tráng bò bía đậu xanh, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Bánh đa nem mềm, mỏng, khi rán chín lớp vỏ nhiều chỗ nâu vàng. Còn bánh tráng bò bía đậu xanh dày hơn, vị giòn, màu vàng ươm. Hà Tăng không quên chuẩn bị thêm nhiều loại rau sống ăn kèm như xà lách, tía tô, húng quế.
Ngày Tết, nhiều gia đình chuẩn bị cơm, xôi hoặc miến nhưng nữ diễn viên đổi món bằng bánh mì cho đỡ ngán. Cô cũng chuẩn bị hai loại: bánh mì thái lát thường và bánh mì nướng giòn. Bánh mì thường được ăn kèm với giò gân dai dai sần sật hoặc ăn cùng thịt kho đều được. Còn bánh mì nướng, người đẹp làm thêm một chén mứt đi kèm, làm món khai vị.
Mâm cơm đầu năm mới của người dân phương Nam không thể thiếu thịt kho hột vịt truyền thống. Món ăn còn có tên gọi khác là thịt kho tàu. Trước đây, các chợ dân sinh thường mở hàng khá muộn sau Tết nên nhà nào cũng làm một nồi thịt to để ăn dần. Nồi thịt gồm những miếng thịt ba chỉ thái to, trứng vịt to, vị béo bùi, nước xốt sền sệt, vị ngọt mặn, chan với cơm nóng, ăn cùng xôi hay chấm bánh mì đều ngon.
Nếu như người miền Bắc ăn bánh chưng ngày Tết thì người miền Nam quen thuộc với bánh tét, nguyên liệu và thành phần tương tự, chỉ khác hình dáng. Để đỡ ngấy, mỗi bữa, Hà Tăng chỉ chiên vài khoanh bánh nhỏ xinh, ăn kèm dưa món cho đỡ ngấy.
Một món ăn khác cũng làm nên sắc Tết ẩm thực phương Nam là trứng bắc thảo, ăn với tôm khô và củ kiệu. Trứng bắc thảo ủ trong nhiều ngày, mùi hơi hăng, vị gắt, beo béo nhưng hơi khó ăn với những ai chưa quen. Tuy nhiên, gia đình Hà Tăng lại "ghiền" món này. "Cô Trúc" từng nhiều lần chuẩn bị trứng bắc thảo, củ kiệu ăn với cháo trắng kiểu người Hoa. Ngoài ra, để chống ngấy cho mâm cơm đầy ắp chất đạm, cô làm thêm một đĩa dưa cải muối chua và xào nhanh một đĩa giá xào lá hẹ thanh mát.