Ngôi mộ cổ đang được khai quật dở dang nằm trên lề đường trước nhà số 535 Nguyễn Tri Phương. Đơn vị thi công là Công ty Dịch vụ giao thông đô thị Tân Bình.
Theo bà Diệu Anh, trưởng Phòng VHTT quận 10, việc khai quật ngôi mộ này là để "thực hiện việc chỉnh trang và quy hoạch đô thị". Chiều 19/10, ngôi mộ từng cao 1,2m, dài 4m, rộng 3m, nay trông giống như đống gạch ngổn ngang, nham nhở. Một nhóm công nhân đang dùng máy nén khí, búa phá bêtông gỡ ra từng mảng hợp chất xây mộ có màu trắng như đá vôi và rất cứng.
Công việc khai quật đã được tạm ngưng. |
Chủ cơ sở thi công tại hiện trường cho biết sáng hôm qua, nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đã đến khu vực mộ đá và xác định rất có thể hợp chất xây mộ được làm từ thành phần là vỏ cây ô dước, vỏ sò xay nhuyễn, đường mật, vôi và cát. Đây là những loại vật liệu đã được tìm thấy ở một số ngôi mộ cổ trước đó. Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự đoán chứ chưa phải kết quả phân tích khoa học.
Chủ hộ 533 Nguyễn Tri Phương liền kề ngôi mộ cho biết chị đã ở đây hơn 30 năm và không biết ngôi mộ này xây dựng từ bao giờ, chỉ biết rằng tên gọi “mộ đá” đã có từ rất lâu. Chị nghe bố mẹ chồng (nay đã mất) kể lại rằng đây là mộ ông chứ không phải mộ bà và rất linh thiêng. Người dân những khu vực lân cận thường xuyên tới đây thắp hương cúng bái từ hàng chục năm nay.
Nhận thấy sự hoang mang trên nét mặt của những công nhân tại đây, PV Tuổi Trẻ hỏi tổ trưởng tổ thi công Vũ Huỳnh Hảo. Anh nói: “Anh em chúng tôi hôm nay chỉ dám làm việc cầm chừng vì càng đào dần tới nắp ngôi mộ, chúng tôi càng lo lắng. Nghe mấy nhà khảo cổ nói rằng những ngôi mộ cổ thường có chất ướp xác gây ngộ độc. Giả sử có chất phát tán gây ngộ độc chết người, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chúng tôi?”.
Anh là chủ cơ sở tư nhân nhận thầu từ Công ty Dịch vụ giao thông đô thị Tân Bình, thỏa thuận phá dỡ ngôi mộ đến ngang mặt đất. Kể từ hôm 15/10 đến nay, 50cm/120cm chiều cao ngôi mộ đã bị phá bỏ. Anh Hảo sẽ cho công nhân phá thêm 20cm rồi ngừng vì lý do an toàn. Anh khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ phá đến sát mặt đất nếu được trang bị phương tiện chống hơi ngạt hoặc khí độc!”.
Cho đến khi rời khỏi khu vực mộ đá, chúng tôi không thấy sự hiện diện của đại diện cơ quan làm nhiệm vụ giám sát là Ban Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh xuất hiện. Tâm trạng hoang mang vẫn đeo đuổi những công nhân. Xung quanh, người dân tụ lại xem mỗi lúc một đông.
Những ý kiến khác nhau Nhà văn Sơn Nam: Rất có thể đây là mộ của người Hoa sống ở Sài Gòn ngày xưa. Bởi xưa kia, theo tôi biết, người Việt sống tập trung vùng Gò Vấp nhiều hơn và trung tâm Sài Gòn hiện nay người Hoa sống là chính. Tôi đã từng đến xem ngôi mộ này và thấy phải giàu có mới có thể xây dựng một ngôi mộ to, chắc như vậy. Theo tôi, Nhà nước nên giữ, không nên phá bỏ ngôi mộ. Bởi những ngôi mộ như vậy ở trong lòng TP không còn mấy cái và cũng không chiếm nhiều chỗ lắm. Chúng ta còn nhiều đất để mở đường, cất nhà, chứ đâu chỉ một nhúm đất chỗ đó. Vả lại, dù không xác định được chủ nhân thật của mộ, nhưng việc để lại ngôi mộ cũng là một chứng tích cho thấy con người - có thể là người Hoa - đã sinh sống và chết tại mảnh đất này từ rất lâu. Có thể vì lý do mở đường mà phá mộ, nhưng tôi nghĩ người Pháp trước đây khi làm đường hẳn cũng nghĩ đến điều này và họ vẫn để ngôi mộ nguyên vẹn. Một nhà nghiên cứu văn hóa (đề nghị không nêu tên): "Phá cũng được!". Theo tôi, mộ cần để lại là những ngôi mộ về kiến trúc có thể học tập được, về lịch sử có tên tuổi xứng đáng. Còn lại thì nên khai quật, không cần thiết để. Bởi về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, chẳng có gì cho con cháu mai sau học hỏi cả. Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM: Lý do sở cho phép quận 10 khai quật mộ thứ nhất là ngôi mộ không xác định được chủ nhân (mộ không có bia, không xác định được niên đại), không có nguồn gốc và không có cơ sở để xác định là mộ cổ. Hai là việc khai quật để mở rộng đường Nguyễn Tri Phương là cần thiết. Vì vậy, sở đồng ý cho quận 10 khai quật dưới sự giám sát của Ban Quản lý di tích TP. Nếu trong quá trình khai quật mà phát hiện mộ cổ, chúng tôi sẽ tiến hành theo qui trình khai quật di tích. Nghĩa là phải làm đúng theo luật định về khai quật di tích. |