Vụ việc này đã gây chấn động Trung Quốc. Nhiều người băn khoăn rằng liệu giới trẻ hiện nay có phát triển bình thường? Câu trả lời là hiện nay, 1/3 SV Trung Quốc đang có các vấn đề về tâm lý.
Người ta vẫn nghĩ SV ngày nay được hưởng một cuộc sống phong phú, dễ chịu và có thể kiếm được những công việc với mức lương hậu hĩnh hơn nhiều sau khi tốt nghiệp so với cha chú của họ. Thế nhưng, các vụ tự tử, bạo lực học đường, và vụ thảm sát 4 SV ở Vân Nam hồi tháng 2 vừa qua đã khiến người ta không khỏi giật mình về vấn đề sức khoẻ tâm lý của SV.
Một SV năm thứ nhất của ĐH Vân Nam, cho biết cậu gặp rất nhiều khó khăn để thích nghi được với môi trường học tập mới. Hơn nữa, bản tính nhút nhát lại càng khiến quá trình thích nghi của cậu vất vả hơn. Cảm giác thua thiệt khiến tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi.
"Tôi không thể hành động tự nhiên trước mặt bạn bè cùng lớp, và vì thế, dần dần tôi trở nên bị cô lập. Vụ thảm sát vừa rồi khiến tôi nhận ra vấn đề của mình. Và tôi rất sợ có một ngày nào đó tôi không thể kiểm soát được hành động của mình", cậu chia sẻ.
Theo Sinh viên Việt Nam, thời gian gần đây, các vấn đề về tâm lý trở nên hết sức đáng lo ngại ở các trường ĐH. Một bản báo cáo về sức khoẻ tâm lý của SV trường ĐH Bắc Kinh năm 2001 cho thấy 16,51% SV trường này thực sự có vấn đề tâm lý, trong đó, đa số là SV nông thôn. Số liệu thu thập gần đây cho thấy tỷ lệ này còn lên tới 30%. Điều này có nghĩa là 1/3 trong tổng số 23 triệu SV ở Trung Quốc có vấn đề về tâm lý.
Theo giáo sư tâm lý Shi Gang ở trường ĐH Nông nghiệp Trung Quốc, SV ở mỗi khoá học lại có những vấn đề tâm lý khác nhau. SV năm thứ nhất gặp rắc rối trong việc thích nghi với môi trường mới và các mối quan hệ mới. SV năm thứ hai bắt đầu có những áp lực về điểm số, học bổng. SV năm thứ 3 và năm cuối lại lo lắng về việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tất nhiên là những vấn đề đó ai cũng gặp phải, nhưng nếu không được giải quyết một cách đúng đắn, chúng có thể dẫn tới nhiều bi kịch.
Những sự việc xảy ra như trên khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao giới trẻ hiện nay lại gặp nhiều rắc rối về tâm lý đến thế.
Thực ra, ở thời nào cũng có những vấn đề tương tự, nhưng trong thời đại này, sức khoẻ tâm lý không được chú ý, thay vào đó, người ta quan tâm hơn đến việc hưởng thụ. Nhịp sống chóng mặt, những áp lực về công việc khiến cho giới SV ngày nay dễ mắc phải sai lầm hơn trong quá trình tìm cách thích nghi với cuộc sống.
Tuy vậy, những thay đổi về mặt xã hội không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự gia tăng của các vấn đề về tâm lý. Theo giáo sư Shi, hệ thống giáo dục thiếu tính linh hoạt đương thời của Trung Quốc khiến SV thiếu khả năng thích nghi. Môi trường giáo dục của gia đình cũng góp phần không nhỏ trong sự phát triển tâm lý của họ.
Giáo sư Fang, trường ĐH Bắc Kinh cho rằng nhiều SV có vấn đề về tâm lý là do họ lớn lên trong một gia đình không bình thường. Vì thế, họ thiếu khả năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các mối quan hệ và không đối phó được với áp lực nảy sinh trong quá trình học tập, làm việc.
Đối với SV nông thôn, vấn đề lớn nhất là họ cảm thấy mặc cảm về gia cảnh nghèo khó của mình. Hơn nữa, sự thiếu quan tâm của các trường ĐH đối với việc tạo điều kiện cho họ hoà nhập với cuộc sống mới càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Ở Trung Quốc hiện nay các vấn đề về tâm lý không được nhiều người quan tâm. Những người có vấn đề về tâm lý thường bị coi là người điên, vì thế đa số không muốn tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài, mà tìm đến chùa chiền để lấy lại sự thư thái của tâm hồn.
Vấn đề còn ở chỗ mặc dù SV hiện nay khá thoáng trong suy nghĩ, nhưng khi có vấn đề nảy sinh, họ cũng không đi tìm các bác sĩ tâm lý. "Tôi muốn chia sẻ với bạn thân của mình hơn. Tôi tin là mình có thể tự giải quyết vấn đề của mình hơn là tìm đến một bác sĩ tâm lý." - Wang Hao, một SV của Viện công nghệ Bắc Kinh cho biết.
Tuy vậy, tình trạng ngày càng nhiều SV gặp rắc rối về tâm lý khiến các trường không thể thờ ơ mãi. Gần đây, 70% các trường ĐH và CĐ ở Bắc Kinh đã thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý giúp SV gặp gỡ với các giáo sư tâm lý, thảo luận và tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề họ gặp phải.
Biện pháp này cơ bản đã giải quyết được một phần vấn đề. Mặc dù vậy, theo một báo cáo của Trung tâm Sức khoẻ Tâm lý SV trường ĐH Bắc Kinh, một nửa trong số các trung tâm đó không có quỹ cố định và chịu sự quản lý của một phòng/ban khác trong trường. Nhiều trường thậm chí không có nổi một phòng tư vấn riêng, chứ đừng nói đến các phương tiện, thiết bị trợ giúp. Tệ hơn nữa là đa số các Trung tâm được thành lập theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và các chuyên viên tư vấn cũng không được đào tạo bài bản.