Thậm chí, vừa dừng xe, chưa kịp hỏi, chị bán hoa quả bên đường đã bảo: “Tìm nhà “thày” Tiên hả, rẽ trái, đi thẳng vào đường bêtông. Cứ cái nhà nào có đầy xe máy, ôtô thì đó là nhà thày “Tiên”. Thì ra, chị ta đã quá quen với những người hỏi đường vào nhà ông “thày” đặc biệt này.
Ngôi nhà của “thày” Tiên khá tuềnh toàng, mái ngói, tường vách đất. Ngày đầu tuần nên khách không đông lắm, chỉ chừng 20 người đứng ngồi lố nhố trong nhà. Mấy chiếc xe máy để ngoài sân, ngoài ngõ. Một vị cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ, đóng ở cách nhà “thày” Tiên 3 km bảo, trước đây ông “thày” này chỉ sờ lưng, bốc thuốc chữa bệnh vào buổi chiều, do vậy, buổi chiều những ngày cuối tuần có đến 200 - 300 người khám chữa bệnh, xe cộ rầm rập chạy qua trước mặt Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để tìm vào bản Xây Dựng. Xe máy, ôtô để kín sân, tràn ra ngõ đến cả trăm mét.
Theo “thày” thì “giời phật” bảo cứu độ chúng sinh” vào buổi chiều mới thiêng, nhưng khách đông quá, nếu chỉ làm vào buổi chiều thì không kịp nên mới đây bất kể “ý kiến giời, phật” “thày” cứ khám bệnh và bốc thuốc cả buổi sáng.
Đến nhà thấy “thày” đang mải dán mắt vào chiếc tivi màn hình phẳng để xem phim chưởng Hong Kong. “thày” nói lấy lệ: “Từ bé ta đã mê phim chưởng nhưng không được xem, giờ có điều kiện, xem cho thỏa thích”. Ngăn tủ của “thày” rặt là phim chưởng Hong Kong, chủ yếu là những phim có diễn viên Thành Long đóng. Ngoài ra cũng có đến cả trăm chiếc đĩa ca nhạc hải ngoại.
“Thày” cứ ngồi bó gối trên ghế xem phim, khách đến xì xầm, to nhỏ, ai cũng cố giữ im lặng để “thày” thưởng thức nghệ thuật. Bệnh nhân gồm đủ loại già trẻ, trai gái, béo gầy... người nào cũng xanh xao, nhợt nhạt với vẻ bệnh tật đầy người. Trông dáng vẻ mệt mỏi của họ là biết từ xa đến.
Phim chưởng kết thúc, “thày” bê ra chiếc ghế tựa kiểu cổ bằng gỗ, đĩa sứ đựng mấy lá rừng mà “thày” gọi là “lá thần” và một chai rượu mà “thày” bảo đã yểm bùa. Chiếc ghế được đặt ở ngay cửa ra vào, chỗ giáp với cửa buồng. Lần lượt từng người ngồi vào ghế, tự động vén áo lên đến ngực. Người đầu tiên “thày” gọi là một cô gái chừng 18 tuổi. “thày” Tiên đổ ít rượu vào mấy cái lá đặt trong đĩa sứ cho lá ướt, sau đó “thày” cầm lá sát vào sống lưng. “thày” lấy mấy ngón tay bóp bóp vào xương sống, rồi lần ra bụng. “thày” phán: “Yếu thận, cong vẹo cột sống, viêm tử cung, đau dạ dày, ruột thừa có vấn đề, không chữa nhanh phổi sẽ bị tràn dịch...”. Nghe “thày” phán đến mấy loại bệnh, cô gái sợ xanh mắt. Ông bố đứng cạnh trán rịn mồ hôi. “thày” trấn an: “Yên tâm đi, uống 10 thang là khỏi hết bệnh”, khiến cả hai bố con đều thở phào nhẹ nhõm. Hành động sờ nắn đoán bệnh cho mỗi người chỉ hết chừng mươi mười lăm giây. “Thày” sờ trước, nắn sau vài cái là đọc vanh vách các loại bệnh.
Người nào ít nhất cũng đến dăm bảy bệnh, còn hầu hết đều mắc trên chục loại bệnh. Vậy mà ai cũng gật gù khen “thày” phán đúng. “thày” cứ kể cả đống bệnh ra, thể nào mà chẳng trúng một hai bệnh. Có bệnh thì vái tứ phương, vậy nên ai cũng một lòng, một dạ tin “thày” và tràn trề hy vọng được “thày” chữa khỏi bệnh.
“Thày” Tiên sờ nắn, đoán bệnh chỉ một loáng đã xong cho 20 người. Sau khi được khám, người thì lo lắng vì thấy mình mắc quá nhiều bệnh, người thì mặt mũi hớn hở vì đã gặp được “ông tiên”, “ông phật” cứu rỗi sau khi đã vất vả ngược xuôi hết bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc mà không có tác dụng. Khám bệnh xong rồi, “thày” lại ngồi vắt chân lên ghế, rịt mồi thuốc lào sòng sọc. thày kể rằng, có đến cả trăm kẻ nghiện ngập uống thuốc tiên của “thày” mà cai được nghiện, lần sau nhìn thấy heroin là sợ chạy mất dép. Có mấy trường hợp bị AIDS giai đoạn cuối, đã sắp chết, được gia đình khiêng lên đây chữa trị đã sống lại, thậm chí đã sắp... khỏi bệnh.
Thày khoái chí cứ rung đùi bần bật, rồi “bắn” mồi thuốc lào nữa cho ngây ngất. Lát sau ôm ra 15 bó thuốc to đùng đựng bằng túi nylon và phát cho mỗi người một túi. “thày” dặn, đem về sắc lên uống, khi nào hết thuốc lại lên đây khám và lấy thuốc tiếp. Soi từng túi thuốc thì thấy rằng, chỉ có hai vị, một loại là cây to, được chém ra thành từng miếng và một loại là cây dây leo, thân to bằng ngón tay. Mỗi thang thuốc “thày” lấy 10.000 đồng.
Khi hỏi về “thày” Tiên, Trưởng Công an xã Yên Kiện Nguyễn Đình Thao lôi một đống hồ sơ cho xem. “thày” Tiên tên thật là Lý Văn Tiên, 35 tuổi, là người dân tộc Cao Lan. Lý Văn Tiên là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh em. Tiên lấy vợ ở bản Ngọc Quan và có hai con, một con học lớp 8, một con học lớp 3.
Để tìm hiểu xem trong túi gỗ to tướng mà “thày” Tiên bốc cho bệnh nhân là loại gỗ gì, trưởng Công an xã Nguyễn Đình Thao đã gọi đến một người mà theo anh thì rất giỏi trong việc nhận biết các loại cây rừng. Người đó là anh Sầm Sình Hồ, trưởng thôn 7, cũng là người Cao Lan. Anh Sầm Sình Hồ cầm “vị thuốc” ngó nghiêng một lát rồi đưa lên mũi ngửi. Anh khẳng định rằng, “vị thuốc” này gồm hai loại cây là đáng trắng và móc mèo. Cây đáng trắng thân nhỏ, cao, lá như lá cây đu đủ, mọc rất nhiều trong rừng.
Anh Đào Quang Hạnh, Trưởng trạm Y tế xã Yên Kiện cho biết, cây đáng trắng có nơi gọi là đáng chân chim, tên khoa học là ngũ da bì, dùng để chữa bệnh thấp khớp, nhưng tác dụng không nhiều, do vậy trong y học rất ít sử dụng làm thuốc. Cây móc mèo có dạng dây leo, thân to bằng cổ tay, cành tua tủa mọc ra ở khắp thân và to bằng ngón tay. Cây móc mèo mọc đầy trong rừng và người Cao Lan ở đây thường chặt về sắc nước uống trong mùa hè. Nước sắc từ cây móc mèo có vị chát, tác dụng mát gan, bổ thận, nhưng nếu uống nhiều thì sẽ có hại.
Tóm lại, hai loại cây này mọc rất nhiều trong rừng và đối với người Cao Lan thì từ đứa trẻ con đến ông già chỉ cần nhìn qua hoặc ngửi mùi là biết liền. Hai loại cây này không có tác dụng chữa bệnh như ông “thày” Tiên phán mà chỉ có tác dụng giải nhiệt mà thôi.
(Theo An Ninh Thế Giới)