Bộ mặt thật của thiết bị tiết kiệm điện. |
Trên chuyến xe “du lịch mua sắm” tới Tân Thanh, Lạng Sơn câu chuyện rôm rả về một số mặt hàng “nhạy cảm”, “bộ tiết kiệm điện”, một thiếu phụ ngồi ghế kế bên vui mừng vì gặp “đồng minh”, bảo: lần này đi nếu dễ mua sẽ mua hẳn vài bộ về cho cả... hàng xóm.
Nếu loại thiết bị trên là có thực thì đây không chỉ là vấn đề “chết người” đối với ngành điện mà còn là cả vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
Mặc dù sau một cái tết, nhà nhà lạm chi nhưng các chợ cửa khẩu Tân Thanh vẫn nườm nượp người mua sắm. Đang lơ ngơ ngó nghiêng giữa dòng người như nêm ở các gian hàng đồ điện của Trung tâm thương mại Việt - Trung, bỗng một thanh niên mặt đầy trứng cá kéo tay tôi lôi vào thì thào: "Ông anh tìm hàng “tiết kiệm điện” hay đĩa sex, em bán cho?
Nghe nói tìm đồ "tiết kiệm điện", gã thanh niên mắt sáng lên, lôi ra từ bao tải một cái hộp vuông nom như chiếc ổ cắm điện đa năng chi chít lỗ cắm. Anh ta giải thích: "Yên tâm lớn đi! Hàng đó trước bọn em nhập từ Hong Kong nhưng nó... “thô quá”. Bây giờ “cải tiến” như cái ổ cắm này nom “lịch sự hơn” mà giá chỉ có 70.000 đồng, giảm điện 30%".
Miệng nói, tay anh thanh niên kéo khách ngồi thụp xuống góc gian hàng, rồi lại móc ra một cái bao tải khác. Thì ra bên trong là một cái hộp, có lắp sẵn một công tơ điện và một bóng thắp sáng loại tròn. Anh bán hàng cắm bóng điện, nói: "Điện sáng, đồng hồ quay bình thường nhé. Bây giờ tôi cắm “tiết kiệm điện” vào. Nhìn đi, tiết kiệm chưa, đồng hồ chậm hẳn rồi kìa!
Nhìn vào, quả không sai, cắm thiết bị vào, công tơ điện hóa rùa thật, và rút ra, nó lại chạy nhanh. Thật đáng tin! Sau một hồi kỳ kèo, anh ta dúi “hàng” vào tay khách với cái giá 50.000 đồng và bảo giấu kỹ kẻo người ta trông thấy.
Cứ tưởng hàng độc khó mua, nhưng hỏi bất kỳ cửa hàng điện tử nào về cái gọi là “tiết kiệm điện”, những người bán hàng, đa số là người Hoa đều gật đầu “có, có”.
Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ xe khách tại Lạng Sơn đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: tất cả những “hàng độc” kiểu này bán ở Lạng Sơn đều là trò “ba que xỏ lá”. Bởi vì, không thể có những thiết bị làm đồng hồ điện quay chậm mà lại có thể rẻ đến mức 30-40.000 đồng. Thắng còn bật mí cho hay rằng: anh sang mua bán, buôn hàng ở Trung Quốc về nhiều, nhưng chính dân bên đó đâu có dùng, có bán đồ “tiết kiệm điện”. Thứ này chỉ là sản phẩm quái dị của những “kỹ sư ma” láu cá biết đánh vào tâm lý gian tham của một số ít người thích “ăn cắp điện” mà thôi.
Nửa tin nửa ngờ vì chính mắt thấy cả 3 chiếc đồng hồ điện đều quay chậm lại sau khi cắm thiết bị tiết kiệm điện, anh lái xe cho biết, đó chỉ là thiết bị chuyên để lừa của dân bán hàng bịp. Mợn chiếc tuốcnơvít của anh lái xe để “kiểm định” hai món hàng vừa mua. Hỡi ôi! Một chiếc như cái ổ cắm bên trong tháo ra toàn dây điện nối linh tinh. Chiếc còn lại, bên trong toàn... đá răm đổ nhựa đường... Hai “máy tiết kiệm điện” của chị đi cùng cũng chung số phận.
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, cái gọi là “thiết bị tiết kiệm điện” (thực ra phải gọi là “thiết bị ăn cắp điện”) mà dư luận đồn thổi chỉ là trò lừa bịp.
Ông Vi Công Tường, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Lạng Sơn, cũng thừa nhận “thiết bị tiết kiệm điện” là mặt hàng không có trong danh mục được phép nhập khẩu, thậm chí về mặt mục đích sử dụng phải coi là hàng cấm. Tuy vậy, “soi” báo cáo công tác năm 2005 của Cục Hải quan Lạng Sơn không hề thấy một dòng nói về thực trạng mặt hàng này cũng như các nỗ lực của ngành hải quan nơi đây ngăn chặn việc nhập lậu chúng
(Theo Công An Nhân Dân)