Tết đến với hàng tá công việc bận rộn nhưng với nhiều "nàng dâu cũ", cảm giác "là lạ" của năm đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng vẫn còn mới nguyên. Theo chị Vân Hương, một cán bộ ngân hàng ở Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, "năm ấy là năm đầu tiên làm dâu, bỡ ngỡ, lúng túng và tủi thân đến phát khóc nhưng rồi cũng quen". Những chia sẻ sau chị Hương có thể cũng là tâm sự chung của nhiều "nàng dâu mới" trong ngày Tết đến, xuân về.
Bỗng dưng muốn khóc
"Mình vốn là người rất cứng cỏi. Ngày đám cưới, mình cũng không khóc nhưng không hiểu sao, khi đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, vào đúng đêm giao thừa, mình bỗng khóc òa, khiến mọi người trong nhà ngơ ngác chẳng hiểu tại sao", chị Hương chia sẻ, lúc đó, nhìn thấy mọi người ở nhà chồng quây quần, sum vầy, chị cảm thấy nhớ bố mẹ mình nhiều hơn bao giờ hết. Trong đầu chỉ một ý nghĩ rằng bố mẹ mình đang phải đón một cái Tết mà không có con gái. Những lúc như vậy nếu không có chồng động viên, an ủi thì chị sẽ thấy thật khó vượt quá. Chồng chị Hương đã để cho chị "khóc thoải mái" lúc đó, không dỗ dành nhưng sau, anh mới ôm chị vào lòng an ủi: "Em sẽ quen thôi".
Ngủ qua giao thừa
Nhà chồng chị Hương có thói quen cùng nhau thức đón giao thừa, sau đó chúc mừng năm mới, uống rượu champage và xem các chương trình đón xuân trên ti vi. Nhưng ngặt một nỗi, nhà đẻ của chị Hương lại không có thói quen này nên năm đầu tiên về làm dâu, sau khi làm xong mọi việc, vì mệt quá nên chị Hương đã leo lên phòng ngủ một mạch đến sáng. Hôm sau, vừa ngủ dậy, chị đã bị mẹ chồng trách móc vì "cái tội" không đón giao thừa cùng gia đình. Theo kinh nghiệm của chị Hương, để tránh "tai nạn" như vậy, các nàng dâu cần phải làm một cuộc thăm dò khéo léo để biết được thói quen sinh hoạt Tết của nhà chồng, tránh rơi vào tình huống khó xử.
Bội chi mua sắm
Là nàng dâu mới về nhà chồng, Tết đầu tiên, chị em có thêm nhiều khoản chi hơn so với thời con gái, như tiền mua quà cáp cho nhà chồng, tiền biếu bố mẹ chồng, tiền lì xì cho các cháu... Do chưa có kinh nghiệm trong việc chi tiêu cho một gia đình lớn nên nhiều người đã "vung tay quá trán" dẫn đến bị bội chi trong khi đồ dùng, đồ ăn mua về cũng không sử dụng hết. "Kết quả là sau Tết, ngồi tính toán lại, hai vợ chồng giật mình khi thấy thâm hụt đến mười mấy triệu". Chị Hương chia sẻ kinh nghiệm của mình là trước Tết, vợ chồng cần bàn bạc và tính toán cẩn thận những khoản phải chi tiêu để tránh "vỡ trận".
Lúng túng làm cỗ
Việc tham gia làm cỗ cùng người nhà chồng cũng xảy ra những chuyện "dở khóc dở cười" cho các cô dâu mới. Như trường hợp nhà chị Hương, ngày 30 Tết, sau khi mổ phanh con gà thì chị mới biết là mẹ chồng ưa mổ moi để thắp hương. Khi đồ xôi, theo thói quen, chị đồ xôi khô nhưng nhà chồng lại quen ăn xôi hơi nát. "Loay hoay làm cỗ cả buổi, mệt phờ mà chẳng được ai động viên một tiếng", chị Hương chia sẻ. Theo chị, tốt hơn hết, các cô dâu mới nên mạnh dạn hỏi thẳng mẹ chồng để có thể biết "gu" làm cỗ và ăn uống của nhà chồng như thế nào để còn "liệu cơm gắp mắm".
Phạm vào điều kiêng kị ngày Tết
Thông thường, mỗi gia đình đều có những kiêng kị khác nhau trong ngày Tết. Sáng mồng 1 thức dậy, chị Hương nhanh nhẹn ra lấy chổi quét nhà thì lập tức bị bố chồng can ngay: "Quét như thế là quét hết lộc đi mất, con ạ". Việc xông đất cũng được nhà chồng "nghiên cứu" để chọn người hợp tuổi một cách kỹ lưỡng. Do vậy, các nàng dâu chớ dại mà xông đất nếu không được "phân công". Chị Hương cho biết, vào đúng sáng mồng 1 Tết, chị còn lỡ tay làm vỡ một cái cốc làm cho mẹ chồng không hài lòng bởi vì theo bà "mồng 1 kiêng đổ vỡ". Theo kinh nghiệm của chị Hương, nếu ngại hỏi "các cụ", ngay từ đầu, các nàng dâu nên hỏi chồng của mình về những kiêng kị trong nhà chồng để nhập gia tùy tục.
Lệ Thúy