Các nhà làm phim Hàn Quốc rất quan tâm đến chuyện phim ảnh phải phản ánh được văn hóa ăn mặc qua bức tranh thời trang đa dạng, nhiều màu sắc. Và các diễn viên nổi tiếng có phong cách ăn mặc, trang điểm hợp thời luôn được khán giả bắt chước theo. Đó là những nguyên nhân quan trọng khiến các nhãn hiệu thời trang và các nhà tạo mốt ở Hàn Quốc rất ưu tiên tài trợ trang phục cho phim. Trước khi quay một bộ phim nào đó vài tháng, người phụ trách thiết kế trang phục sẽ gửi đề cương kịch bản và danh sách diễn viên đến chào mời các nhãn hiệu thời trang hay các nhà thiết kế danh tiếng.
![]() |
Yoon Eun Hye với thời trang trong "Được làm hoàng hậu" đã trở thành cơn sốt của giới trẻ. |
Nếu bộ phim có ngôi sao tên tuổi từng làm người mẫu cho nhãn hiệu thời trang nào đó, thì đại diện của họ sẽ tự tìm đến xin được tài trợ. Hoặc khi có một ngôi sao đang "hot" thì chẳng cần phải mời chào cũng sẽ có nhiều nhà tài trợ xin được tặng trang phục đủ dùng cho suốt bộ phim. Diễn viên có thể ghé đến các cửa hàng của nhãn hiệu thời trang tài trợ thoải mái lựa chọn hay yêu cầu thiết kế trang phục cho phù hợp với tính cách nhân vật của mình.
Hồi đóng phim "Giày thủy tinh" (năm 2002), nữ diễn viên "vô danh" Kim Hyun Joo chỉ có 2 bộ đồ diện suốt nhưng đến khi đóng bộ phim "Cô Kim muốn làm triệu phú" (năm 2004), số lượng trang phục của Kim Hyun Joo lên tới 100 bộ do các hãng thời trang gửi đến. Khi nhờ Kim Hyun Joo, Choi Ji Woo...lăng xê mẫu thời trang mới, các nhà tài trợ tin tưởng sản phẩm của họ sẽ bán chạy trong nước và hy vọng bán được ở nước ngoài.
Xem truyền hình Hàn Quốc, bạn dễ dàng nhận ra các nhân vật trên phim ăn mặc đẹp như biểu diễn thời trang và rất ít khi "đụng hàng" giữa phim này với phim kia. Bởi những mẫu trang phục này thường được các nhà tạo mẫu thiết kế riêng cho phim, với mong muốn các diễn viên sẽ là người mẫu quảng cáo đầu tiên cho sản phẩm. Ngoài kiểu dáng thì màu sắc của trang phục cũng góp phần thể hiện tính cách nhân vật trong phim truyền hình Hàn Quốc.
Chẳng hạn như trong "Hương vị tình yêu": Màu trắng chỉ sự hoạt bát và trong sáng của nhân vật; màu hồng và màu cam thể hiện nét trẻ trung; nhân vật năng động, nhiều sáng kiến thì trang phục thiên về màu nóng là cam hoặc xanh hy vọng; màu xanh và đen toát lên tính cách lịch lãm, điềm đạm của nam nhân vật chính. Bên cạnh đó, các kiểu trang phục thể hiện đặc trưng nghề nghiệp, thành phần xã hội nhưng không quá cách biệt theo kiểu thiên đường - địa ngục mà đảm bảo đều đẹp và phù hợp.
Khi nhận kịch bản, cùng với việc nghiên cứu tâm lý nhân vật, các diễn viên Hàn Quốc rất quan tâm đến việc tạo hình bằng phong cách thời trang thông qua quần áo, đầu tóc, cách trang điểm...Trang phục là yếu tố cơ bản có tác dụng làm mới lạ hình ảnh của diễn viên trong mắt khán giả.
Ngoài đời, Song Hye Kyo giản dị như một nhân viên văn phòng với những bộ cánh không sanh trọng. Nhưng khi nhận vai nhà văn trong phim "Ngôi nhà hạnh phúc", việc đầu tiên mà Song Hye Kyo quan tâm là đề nghị bộ phận phục trang chọn những bộ đầm gợi cảm tạo bất ngờ cho khán giả. Hình ảnh tươi trẻ, đáng yêu và mới mẻ đó chính là lợi thế đầu tiên giúp Song Hye Kyo gây chú ý trong bộ phim này.
Nữ diễn viên Kim Jung Eun ngoài đời mặc những chiếc đầm kiểu dáng sang trọng hoặc đồ jean nhưng trong "Chuyện tình Paris", cô được trẻ hóa hình ảnh bằng những trang phục sặc sỡ: Tông hồng, vàng, đỏ, xanh lá cây, trang phục bụi. Ji Jin Hee là người ăn mặc đẹp, có phong cách sang trọng và lịch sự nhưng khi đóng "Cô Kim muốn làm triệu phú", anh phải mặc những bộ đồ sặc sỡ, hoa hòe hoa sói, tóc bù xù tổ chim.
Tuy được thiết kế riêng cho phim nhưng khi phát sóng, thời trang trong nhiều bộ phim đã trở thành những trào lưu mới được khán giả ưa chuộng. Hãng Chanel tài trợ trang phục cho Kim Hee Sun trong phim "Cô nàng đỏng đảnh" đã thành công mỹ mãn vào mùa Thu 2003 với mốt vest lửng.
Trong phim "Một cho tất cả", Song Hye Kyo mặc đến 4 chiếc áo len mỏng màu hồng phấn, cổ tim, khoác ngoài áo thun trắng do hãng thời trang Clirde tài trợ. Kết quả là doanh số của hãng tăng 20%, màu được ưa chuộng nhất là màu hồng phấn bởi có đến 70% khách hàng mua "áo và váy Song Hye Kyo" đều muốn có bằng được chiếc áo màu hồng như Song Hye Kyo mặc trên phim. Với bộ phim "Chuyện tình Paris", nhân vật Han Ki Joo của Park Shin Yang đã giúp công ty Floria tiêu thụ một lượng cravat và áo vest đáng kể.
Phim "Được làm hoàng hậu" tạo nên cơn sốt mới trong thị hiếu giới trẻ khi nhiều tháng nay, ở các khu mua sắm ở Seoul, người ta bắt gặp các anh chàng cao ráo mặc bộ vest đen kẻ sọc đứng như thái tử Lee Shin. Còn các bộ cánh hiện đại mà Yoon Eun Hye diện trong phim này được nhiều thiếu nữ ưa chuộng vì dễ mặc, trẻ trung và dễ kết hợp với các phụ trang đi kèm.
(Theo Thời Trang Trẻ)