Bên dưới sàn bếp ăn, nhiều loại rau củ bị nước từ các cống rãnh không thoát được tràn vào nổi lềnh bềnh.
Đó là cảnh tượng khi PV đột nhập vào bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Phú Quý, chuyên gia công thú nhồi bông đóng ở đường số 2, khu phố 9, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, nơi có hơn 200 công nhân làm việc và ăn uống tại chỗ.
Nước cống rãnh thối tràn lên cả bếp ăn. |
Chị H. nhận mình là chủ bếp của công ty cho biết, công nhân vừa dùng bữa trưa xong nên chưa kịp dọn dẹp để chuẩn bị cho bữa tối. Chị này nấu ăn cho công nhân công ty này từ 2 năm nay, có 5 người phụ giúp.
“Tôi làm việc cho ông chủ, mỗi suất ăn một công nhân phải trả 6.000 đồng và mỗi tháng trừ vào tiền lương. Tuy nhiên, do giá cả thực phẩm leo thang, 6.000 đồng một suất ăn là quá bèo nên phải mua thực phẩm ở chợ chiều với giá rẻ và không rõ nguồn gốc”, đầu bếp trưởng ở đây không giấu diếm. Mất vệ sinh là thế nhưng người nấu ăn cho Phú Quý khẳng định “bao năm nay không công nhân nào bị ngộ độc thực phẩm”.
Công nhân Đặng Thị Diệp cho hay, nhiều bữa chị không thể nuốt nổi vì thức ăn đã có mùi ôi thiu. Anh Hồng Minh, công nhân của Phú Quý bức xúc: “Tôi đã phát chán với những món ăn có khi hâm đi xáo lại từ buổi này sang buổi khác”.
Theo phản ánh của rất nhiều công nhân tại đây, do công nhân đông, người nấu ăn ít, sáng sớm đầu bếp đã phải nấu để đến trưa mới ăn nên thức ăn ôi thiu, nhiều lúc ruồi nhặng bám đầy.
Vào bếp ăn của cơ sở Thiên Tân ở địa chỉ 238/23, khu phố 2, phường Bình Hưng Tây, quận 12, nơi từng xảy ra vụ ngộ độc tập thể của gần 100 công nhân của công ty TNHH Phan Bảo Lương (quốc lộ 1A, phường Hưng Hòa B, quận Bình Tân) vào cuối tháng 10, PV cũng chứng kiến cảnh tượng nhếch nhác, sập sệ, mất vệ sinh không kém.
Công nhân chế biến không mang găng tay, không khám sức khỏe và nguyên liệu không nguồn gốc. Đại diện của cơ sở này cho biết: “Tùy theo yêu cầu của đối tác mà suất ăn có giá khác nhau. Có công ty đặt suất ăn chỉ 4.000-5.000 đồng một người thì phải mua thực phẩm dở thôi, lấy gì mà chất lượng”.
Tại bếp nấu ăn, các loại rau quả đã úa vàng để ngay cạnh nhà vệ sinh, rãnh thoát nước. Chúng tôi còn chứng kiến cảnh một nhân viên dùng chiếc xẻng vừa lấy lên từ chậu nước bẩn, duỗi thẳng vào nồi cơm to tướng một cách thản nhiên.
Chiều 21/11, khi đoàn thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra công ty cung cấp suất ăn Người Sài Gòn (ở 94 Nguyễn Thanh Tuyền, quận Tân Bình) gây ngộ độc tập thể khiến 300 công nhân cấp cứu, đơn vị này đã không trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP của nhân viên; hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu...
Tại đây, nhiều loại rau quả héo úa vẫn chưa chế biến nằm trong khu vực ẩm thấp… Vậy nhưng, cơ sở này lại được xem là “trùm” cung cấp suất ăn cho công nhân, với trên 3.000 suất ăn một ngày.
Sau liên tục các vụ ngộ độc tập thể xảy ra, chưa bao giờ công nhân sợ bếp ăn tập thể như lúc này. Chị Hoàng Thị Hương, 28 tuổi, công nhân công ty may Bình Tân, ở Khu công nghiệp Bình Tân cho biết, mỗi lần vào bếp ăn là cả vài trăm đến hàng nghìn công nhân ngồi chen chúc nhau. Mỗi suất ăn chỉ 5.000 đồng vừa không đủ dinh dưỡng vừa ngay ngáy lo ngộ độc do thực phẩm.
Hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu tại Bệnh viện 175 vào chiều 20/11. |
Anh Trần Đình Long, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 cho hay, công ty nơi anh làm việc trên 2.000 công nhân nên đến khi ăn chia ra 2 lần mới đủ chỗ. Mỗi suất ăn chỉ 6.000 đồng nhưng trừ chi phí, có lẽ phần cơm chỉ còn 4.000 đồng. “Công nhân chúng tôi chẳng biết cơ sở cung cấp suất ăn, nấu thức ăn từ khi nào. Vì vậy mỗi lần ăn, chúng tôi chỉ biết lạy trời đừng ngộ độc!", anh Long chua chát.
Kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý VSATTP Sở Y tế TP HCM, cho biết, chưa có cơ quan nào quy định mức giá suất ăn bao nhiêu nên… mạnh ai nấy bán. Có nhiều công ty khi kiểm tra chỉ đặt suất ăn cho công nhân 3.000 - 4.000 đồng.
Ông Hòa khẳng định, hầu hết các bếp ăn tập thể, nơi cung cấp suất ăn cho công nhân đều mua hàng trôi nổi, kém chất lượng và vệ sinh, trừ số ít công ty lớn mới mua ở siêu thị.
Trong một lần làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM vào cuối tháng 9, ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, địa bàn có hơn 200.000 công nhân làm việc, cho biết: Hơn 70% công nhân ở đây đến từ các địa phương trong cả nước, làm việc trong điều kiện nặng nhọc.
Hầu hết, công nhân đều ăn cơm tập thể tại công ty vào bữa trưa và lúc tăng ca. Vì vậy, sau giờ tan ca, công nhân ghé mua những thực phẩm rẻ, ô nhiễm, kém chất lượng… được bày bán ở lòng lề đường, chợ quán tạm bợ kém vệ sinh để chế biến nên gần 40% công nhân bị suy kiệt sức khỏe.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, thành phố có hơn 31.000 bếp ăn tập thể, nhưng có trên 50% bếp ăn chưa đạt vệ sinh. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã xảy ra hơn 13 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, làm hơn 2.000 người ngộ độc.
(Theo Tiền Phong)