Khách mua túi lớn, túi bé hàng Trung Quốc. |
8h sáng 31/12/2005, Trung tâm Thương mại Việt - Trung (chợ Tân Thanh, Lạng Sơn) đã chật ních người. Xe ôtô nối đuôi nhau xếp thành hàng dài đứng chờ khách vào chợ. Dịp cuối năm là thời điểm "nóng" của chợ Tân Thanh khi mỗi ngày có đến hàng chục nghìn khách từ khắp nơi đến đây mua sắm. Một số hộ kinh doanh cho biết năm nay nhu cầu mua hàng "Made in China" rất cao, sức mua của người dân tăng hơn so với năm ngoái.
Nếu như trước đây, giá một chiếc đầu đĩa DVD từ 1 đến 1,2 triệu đồng thì nay chỉ còn 400 nghìn đồng. Nhiều người tuy đã có rồi nhưng "tiếc rẻ" và cố mua thêm chiếc nữa. Chính vì thế, họ đã "dở khóc dở mếu" khi mua phải "đầu đĩa rởm", về dùng được năm bữa nửa tháng là hỏng. Do quá tải về lượng khách nên những cuộc mua bán cũng trở nên gấp gáp, chủ hàng không kịp trở tay.
Phải rất khó khăn mới "chen" lên được tầng 2 của chợ. Hầu hết các chủ kinh doanh ở đây đều "phát" giá... "trên trời". Chiếc áo giả da của nữ kiểu đơn giản, nhưng chủ hàng "hét" giá 800 nghìn đồng. Sau vài câu nài nỉ, chủ hàng bán cho người khách chiếc áo với giá 300 nghìn đồng. Nhưng thật bất ngờ, khi trả chiếc áo đó 180 nghìn, chủ hàng này gật đầu luôn.
Hầu như tất cả mặt hàng may mặc, giày dép đều "nói thách" đến chóng mặt. Một đôi giày da của nam phát giá 1,2 triệu đồng, nhưng khách mặc cả 250 nghìn đồng cũng bán. Với kiểu nói thách quá cao như thế, chẳng khác nào chủ hàng cố tình "bịp" giá người tiêu dùng. Người nào không "am hiểu" giá cả thị trường chắc chắn sẽ bị mua "hớ" bạc triệu. Mặt hàng chăn bông, đồ điện tử, điện gia dụng vẫn được bán chạy nhất.
Anh Phạm Thái Dương (ở Hà Nội) kể, năm nào cơ quan anh cũng tổ chức đi Lạng Sơn 2 lần. Lần nào đi cũng "khuân" nhiều đồ Trung Quốc, nhưng có mặt hàng chẳng dùng đến lần nào, như chiếc máy hút bụi anh mua đã 3 năm nay mà chưa một lần dùng thử. Phải chăng người tiêu dùng "chuộng" hàng Trung Quốc bởi mẫu mã đẹp, phong phú và giá hợp với túi tiền?
Một chiếc máy ép hoa quả có hình dáng rất "bắt mắt", ghi nhãn hiệu là Philips, nhìn kỹ thì chiếc máy này không có tem nhãn, nhái lại của hãng Philips nhưng là đồ gia công. Những chiếc bàn là Philips, nồi hầm, nồi áp suất mới nhìn thì "hào nhoáng", nhưng kiểm tra kỹ thì chất lượng quá... tồi. Thế mà nó vẫn được tiêu thụ một cách chóng mặt.
Khách hàng nào cũng túi lớn, túi bé khuân đồ lên ôtô. Một anh bạn đi cùng đoàn hỉ hả: "Vừa mua được chiếc áo da xịn cho bố vợ, giá 1,1 triệu đấy". Khi anh này giở ra cho cả đoàn xem thì ai cũng kêu: giả da. Anh hấp tấp mang vào đổi nhưng không được chấp nhận. Suốt chặng đường về, anh cứ ngồi thần mặt tiếc số tiền bạc triệu mà ngỡ như mình vừa bị "móc túi".
Điều đặc biệt là năm nay ở chợ Tân Thanh đã xuất hiện "hàng đại hạ giá, hàng giảm giá...". Những mặt hàng này đều là hàng tồn của nhiều năm, mẫu mã cũ, chất lượng kém và khách hàng không "mặn mà" lắm với loại hàng này. Khoảng 15h trở đi, nhiều mặt hàng ở chợ Tân Thanh đã giảm giá đột ngột do khách lúc này đã vãn. Thế mới biết, người kinh doanh đã dựa vào lượng khách và sức mua để áp giá.
Cảm giác đầu tiên khi bước vào chợ Tân Thanh là khó thở bởi chỉ thấy người là người, người nọ va vào người kia, chen nhau mới đi được. Cả một góc chợ đang ầm ầm tiếng mặc cả mua bán bỗng im phăng phắc khi thấy tiếng khóc của ai đó cất lên. Cô gái chỉ ngoài 20 tuổi đang khóc vì vừa bị "đạo chích" cuỗm chiếc ví trong đó có hơn 1 triệu đồng mà cô chưa kịp mua gì. Cô cứ chạy đi chạy lại, vừa khóc vừa tìm "kẻ trộm". Mọi người khuyên cô đi báo công an, chứ kẻ trộm hẳn đã "lẩn" rất nhanh rồi, làm sao mà tìm được. Từ lúc đó, ai cũng ôm khư khư túi tiền đằng trước bởi chỉ sao nhãng vài phút là có thể bị "đạo chích" hỏi thăm ngay.
Chuyện khách bị móc túi, móc điện thoại di động xảy ra thường xuyên khi chợ Tân Thanh vào những ngày cao điểm. Các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp đã lợi dụng vào lượng khách đến chợ mỗi ngày một tăng để hoạt động. Điều đáng quan tâm hơn cả là diện tích chợ tỷ lệ nghịch so với số lượng du khách. Diện tích đi lại giữa các quầy hàng quá "khiêm tốn" khiến người mua không biết đứng đâu. Cảnh người nọ va vào người kia, chen nhau mà đi kéo dài từ sáng đến chiều làm cho nhiều người có tâm lý thấp thỏm, nếu như hỏa hoạn xảy ra thì không biết xoay xở thế nào? Đây có lẽ là điều dễ nhận thấy nhất khi đến chợ Tân Thanh và cũng là mối lo hàng đầu đối với du khách.
Chợ Tân Thanh, điểm đến của hàng vạn du khách mỗi năm, lượng hàng hoá được tiêu thụ lên đến con số khổng lồ đã đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Nhưng nhu cầu mua sắm hàng hoá do Trung Quốc sản xuất của người dân tăng, thì bên cạnh đó lại là chuyện buồn của hàng hoá sản xuất trong nước.
(Theo Công An Nhân Dân)