Ngày 3/9, thông tin chị Lê Thị Hương Mai (sinh năm 1984) trú tại phường Bến Gót (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), một y tá công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhảy cầu tự tử đã lan khắp nơi. Chị kết liễu cuộc đời mình cùng đứa con 2 tuổi và cái thai đang mang trong bụng. Khi nguyên nhân sâu sa của việc tự tử chưa được các cơ quan chức năng điều tra thì trên Facebook lan truyền bức tâm thư rất dài của em gái chị Mai. Nội dung của bức thư đã khiến cộng đồng "dậy sóng". Chỉ sau 4 ngày đăng tải, status đã nhận được gần 20.000 lượt chia sẻ.
Trong tâm thư, chị Khanh (em gái chị Mai) giải thích nguyên nhân khiến chị gái mình phải tự tử là do gặp quá nhiều áp lực, chịu đựng quá nhiều uất ức từ phía nhà chồng.
![20140908102427-b1-01-4874-1410229098.jpg](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2014/09/09/20140908102427-b1-01-4874-1410229098.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x0S4Zy1HG7QZvrS5S5FqEQ)
Chị Mai và con trai.
Tóm tắt nội dung bức tâm thư như sau:
Ngày chị Mai và chồng quyết định làm đám cưới, gia đình chồng chỉ xem tuổi con trai mà không màng đến tuổi của chị. Chị lên xe hoa năm 26 tuổi, cái tuổi kị lập gia đình của con gái. Dù gia đình không muốn nhưng thương con nên họ vẫn để chị về làm dâu nhà người.
Khi về làm dâu, chị Mai bị mẹ chồng và chị gái chồng đối xử tệ bạc. Ăn cơm, chồng chị gắp cho chị miếng thức ăn tỏ sự quan tâm thì mẹ chồng hằn học bảo chồng chị sang bên mẹ ngồi và nói luôn: "Mày không được làm thế".
Mọi tai họa bắt đầu khi chị Mai mang thai. Chị Khanh tỏ rõ thái độ bức xúc: "Tháng thứ 2 bị đau bụng, chị đi siêu âm, người ta bảo chị thai thấp, rất thấp phải ở nhà để giữ đứa trẻ, nếu đi làm thì sẽ mất đứa trẻ. Chị chọn cách giữ đứa trẻ, xin bệnh viện cho chị nghỉ không lương. Chị làm ở khoa sản chị hiểu được rằng giữ con sẽ khó khăn như thế nào. Những cơn co thắt dạ con đẩy thằng bé ra, chị một tay cầm kim tiêm tự tiêm vào người để cơn co thắt qua đi không đẩy thằng bé tội nghiệp rời xa chị. Chị ở tầng trên không đi lại được chỉ vì muốn giữ cái gọi là máu mủ nhà chồng. Chồng mang cơm lên cho vợ thì mẹ chồng chửi rủa mắng nhiếc: 'Một tay tao nuôi được hai đứa lớn như thế này thì không có lý do gì mày không giữ được đứa trẻ. Xuống nhà mà ăn cơm!”.
Nếu bà nói vậy phải chăng bà cũng muốn một mình chị gái tôi nuôi đứa trẻ mà không cần cha? Mà khổ, đâu phải lúc nào chị tôi cũng trên đó, chị vẫn giặt giũ vẫn cơm nước như bình thường chỉ khi đau quá, bị co bóp mạnh và ra máu chị mới phải nằm yên".
Đọc đến đây, nhiều người tự hỏi chồng chị Mai đâu, sao không đứng ra bênh vực vợ và khuyên giải mẹ. Dưới con mắt của chị Khanh, anh rể mình là một người "nhu nhược chỉ biết núp dưới vành váy mẹ, chỉ biết nhìn mà không biết làm trọng tài để giải quyết khúc mắc gia đình".
Cứ tưởng đứa con được sinh ra sẽ giúp hàn gắn tình cảm của những người trong gia đình nhưng sự thật lại nghiệt ngã hơn gấp vạn. Khi chị Mai sinh con, đứa trẻ không may bị dị tật thừa ngón chân. Mẹ chồng chị lại gọi cháu bé là "thằng sáu ngón", "thằng thừa". Bà đút bột cho cháu khiến miệng bé phồng rộp, vệ sinh cho cháu bằng nước nóng khiến cháu bị bỏng, dùng ngôn ngữ chợ búa tục tĩu để nói với cháu. Chị đã phải bí mật giấu camera để theo dõi và quá đau lòng khi xem lại những hành động mà bà nội đối xử với cháu của mình. Chị Mai đã hai lần phải bỏ về nhà mẹ đẻ.
Mỗi lần bỏ về nhà mẹ đẻ, chồng chị lại đến xin lỗi hứa hẹn đủ điều. Yêu chồng, chị Mai lại quay về "địa ngục" để đứa trẻ được có bố.
Mâu thuẫn đỉnh điểm xảy ra vào ngày giỗ bố chồng, chị Mai về nhà để làm lễ cúng. Do mua thiếu đồ lễ, chị bị mẹ chồng và và chị chồng vào mắng và tát. Quá uất ức, chị dọa chết. Người chồng từng nói lời yêu thương, thề thốt với chị cũng là người buông lời thách thức: "Chết được thì chết đi”.
Uất ức dồn nén lâu ngày, chị Mai đã ôm con nhảy xuống sông Lô tự tử. Khi vớt xác chị lên, hai mẹ con chị vẫn ôm chặt lấy nhau không rời.
Nhận tin chị Mai chết từ phía cơ quan công an, người chồng nhu nhược và bội bạc chẳng quan tâm mặc cho nhà vợ và hàng xóm khóc thương thảm thiết. "Công an đó, người chứng kiến đó nói chị nhảy mà hắn bảo chẳng phải. Hắn không đi tìm chị mà vẫn tới cơ quan làm việc như bình thường".
Cái chết thương tâm của chị Mai đã để lại khoảng trống lớn trong lòng những người ở lại."Gia đình có 5 ngón tay, có chị cả, chị hai, chị ba, chị tư và em - con em út ngang ngược khó bảo này. Bây giờ còn 4 ngón, ai sẽ là người bóp mụn cho em, nhổ tóc cháy, chăm sóc em khi em lấy chồng có con, ai là người giặt giũ quần áo cho thằng nhóc nhà em hả chị ơi? Ai là người hứa với em ngày cưới của em sẽ uống cho say cho xỉn để cho sướng cuộc đời? Thế này là thế nào hả chị ơi?".
![1-JPG-2978-1410229098.jpg](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2014/09/09/1-JPG-2978-1410229098.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z9YDWZwvyrzQ1XxGaVWMsQ)
Sự chia sẻ của cộng đồng mạng.
Chia sẻ của chị Khanh khiến nhiều người không kìm được nước mắt, không kìm được sự tức giận và phẫn nộ thay cho người đã khuất.
Bài học kinh nghiệm về việc chọn chồng cũng được các độc giả chia sẻ thêm: "Chị em nên tránh xa dạng đàn ông yếu hèn, chúng không bảo vệ được vợ con, không thể mang lại hạnh phúc được cho ai. Khi con em bỏ nhà chồng về nhà bố mẹ đẻ thì người nhà phải tìm hiểu vấn đề, đấu tranh rõ ràng trước khi để con gái quay về nhà người ta. Khi bạn mình trầm cảm, có nhiều tâm sự thì chúng ta quan tâm, nói chuyện nhiều hơn. Bao giờ con gái lớn, mình sẽ tuyên bố với thằng nào định làm rể: "Mày mà đánh con gái tao, tao sẽ đập chết mày". Khi nói vậy từ đầu thì thằng rể sẽ hiểu rằng đấy là một ranh giới nó không bao giờ được bước qua, và đây là ý chí của bố.
Jomuna tổng hợp