Ba năm trước, Jason Siu, một học sinh trung học đã bắt đầu kiếm tiền nhờ bán sticker giá ba USD (khoảng 73.000 đồng) trên Snapchat. Sau đó, anh muốn tiết kiệm để mua phụ tùng mới cho chiếc ôtô. Điều đó có nghĩa là anh cần bán một sản phẩm sinh lợi nhiều hơn. Trong lúc nghiên cứu mặt hàng để bán, anh tìm thấy một chiếc gương chiếu hậu có đèn LED trên Instagram. "Mình có thể bán thứ này", Jason nhớ lại suy nghĩ khi ấy.
Anh đặt mua một chiếc gương trị giá 20 USD (khoảng 485 nghìn đồng) từ một nhà máy ở Trung Quốc, mở nó ra và đặt đèn LED vào bên trong - cùng với sticker bán chạy nhất của anh với dòng chữ "lái xe an toàn". Đèn làm cho sticker có thể nhìn thấy được.
Một người bạn gợi ý anh có thể thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua TikTok. Cách làm của Jason là đăng 1-2 video mỗi ngày trong một tháng liền lên mạng xã hội này. "Bạn có tới 30-60 video mỗi tháng. Một trong số chúng chắc chắn sẽ được lan truyền rộng rãi", Jason nói về chiến thuật. Khi số lượng mua hàng bắt đầu tăng dần, Siu nghĩ: "Ồ, đây có thể là một công việc kinh doanh thực sự". Một trong những video phổ biến của anh năm 2022 về sticker phát sáng đã mang lại doanh thu 38.000 USD chỉ trong một ngày.
Khi thu được kết quả tốt, anh đăng nhiều nội dung, sản phẩm hơn, chú trọng số lượng hơn chất lượng video. Các video có độ dài từ 5 đến 8 giây, cho thấy hiệu quả trong thời gian ngắn. Anh nghĩ có thể tiếp tục nâng cao doanh số nhờ cách làm này. Tuy nhiên, có những tháng, anh chỉ thu lời được vài trăm USD.
Một khi sự chú ý của người xem cạn kiệt, lợi nhuận của Jason cũng giảm theo. Để tìm kiếm doanh số ổn định hơn, anh chuyển sang quảng cáo trên mạng xã hội, và gặp khó khăn. Jason nói: "Tôi đã lãng phí hàng nghìn USD. Tôi hầu như không hòa vốn, thậm chí thua lỗ vài tháng. Tôi cảm thấy cực kỳ thiếu động lực".
Quảng cáo trên Snapchat, YouTube và Twitter, hiện được gọi là X, dường như không giúp ích gì cho việc bán hàng của anh. Vì vậy, anh đã phân bổ lại ngân sách tiếp thị cho TikTok, Google, Facebook và Instagram.
Sau đó, anh nhận ra mình nên đầu tư làm các video dài hơn về cách sử dụng sản phẩm, hoặc mở hộp sản phẩm đó. "Tôi đã đầu tư nhiều hơn vào quảng cáo trên mạng xã hội và thuê một số êkíp giúp tôi quay nội dung", anh nói.
Jason đã bổ sung các dòng sản phẩm mới, như giá để cốc, tấm che nắng và biển số xe. Anh mua buôn, tùy chỉnh chúng và bán lại để kiếm lời. Hai sản phẩm bán chạy vẫn là sticker và gương LED nên anh đã kết hợp chúng để tạo ra sticker phát sáng, có thể tùy chỉnh và thay đổi màu sắc. Sau đó, anh tạo dựng doanh nghiệp để mua bán với tên miền invalid.jp, doanh thu 512.000 USD năm 2022 (khoảng 12,4 tỷ đồng), bỏ xa con số kiếm được thời học sinh. Siu ước tính lợi nhuận chiếm khoảng 30% doanh thu.
Cách đây vài tháng, chàng sinh viên 21 tuổi của Đại học Hawaii ở Manoa này đã thuê một nhà kho để làm trụ sở kinh doanh. Jason lên lịch cho hầu hết các lớp đại học trước buổi trưa để có thể dành nửa ngày còn lại làm việc trên Invalid.jp. Anh cho biết mẹ và bạn gái trợ giúp quản lý và đóng gói các đơn hàng.
Tờ CNBC đã hỏi Jason đâu là yếu tố giúp anh đạt được mức doanh thu đáng kể, cậu sinh viên 21 tuổi khẳng định đó là sự kiên trì. "Tôi từng làm việc cho một công ty xe hơi từ 9 giờ đến 17 giờ. Tôi nghĩ việc bắt đầu kinh doanh riêng giúp tôi làm việc ít hơn. Nhưng khi bạn làm công việc tay trái, bạn sẽ phải làm việc 24/7. Bạn sẽ làm việc nhiều hơn bao giờ hết", Jason nói.
Anh cũng gợi ý những người muốn tận dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng có thể tìm hiểu xu hướng mua hàng bằng cách lướt Amazon hoặc TikTok. "Hoặc bạn có thể quay phim, đăng video và xem liệu sản phẩm có lan truyền hay không. Nhưng bạn phải biết rằng những gì bạn mua đều có khả năng bán được. Thật rủi ro khi mua một đống hàng tồn kho trước khi biết mọi người thích sản phẩm đó", anh nói. Jason cho biết không có lối tắt nào. Việc bạn cần làm là tìm kiếm sản phẩm phù hợp, có nội dung sáng tạo để quay video.
Hằng Trần (Theo CNBC)