Nguyễn Văn Thành và Hoàng Trọng Đức đã thực hiện trót lọt 5 vụ cắt trộm cáp điện tại các trạm máy bơm nước thuộc huyện Sóc Sơn. Hành vi của hai kẻ này bị đưa ra xét xử hôm nay tại TAND thành phố Hà Nội với tội danh "Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia". Tòa đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thành 10 năm tù, Hoàng Trọng Đức 3 năm tù.
![]() |
Nguyễn Văn Thành (đứng) và Hoàng Trọng Đức sáng nay tại TAND thành phố Hà Nội. |
Nguyễn Văn Thành (23 tuổi, trú tại thôn Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) là thanh niên không nghề nghiệp. Vốn là đứa con ngoài giá thú nên Thành không được sự chăm sóc chu đáo của người bố. Học hành không đến nơi đến chốn nên anh ta đã sớm sa vào con đường phạm pháp. Trong 7 năm (từ năm 2000 đến năm 2007), Thành liên tiếp gây ra các vụ cướp tài sản, trộm cắp, phá hủy...
Năm 17 tuổi, Thành "dính" vào vụ cướp tài sản tại tỉnh Vĩnh Phúc và bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù. Ra tù không được bao lâu, Thành lại tiếp tục trộm cắp và bị TAND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc phạt một năm tù. Tưởng kẻ này "chừa" cổng trại giam, chí thú làm ăn khi có vợ và một con. Nhưng chứng nào tật ấy, Thành vẫn "ngứa nghề", muốn ăn không muốn làm và tiếp tục đi trộm cắp tài sản.
Thành "mở rộng" địa bàn ăn trộm xuống tận Hà Nội. Để vợ con ở quê, anh ta lang thang xuống Hà Thành. Tại đây, Thành gặp Hoàng Trọng Đức (19 tuổi, trú tại phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh), một thanh niên không nghề nghiệp, làm bạn đồng hành trong các phi vụ trộm cắp. Bọn chúng nhắm đến trạm bơm nước ở các xã thuộc huyện Sóc Sơn để hành động, vì cho rằng, nơi này vắng vẻ và dễ "làm ăn".
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, Thành và Đức đã thực hiện 5 vụ trộm cáp điện ở các trạm bơm Sóc Sơn. Tổng giá trị của 40m cáp là gần 6 triệu đồng. Để chuẩn bị cho những phi vụ làm ăn đêm, cả hai mang theo kìm cộng lực, cưa sắt và một số công cụ khác. Mỗi lần đến "địa bàn" thực hiện trộm cắp, bọn chúng bắt xe bus đi từ chiều ở Cầu Giấy sang Sóc Sơn rồi "mai phục" đến đêm mới ra tay. Bọn chúng phân công nhau, kẻ trong cắt trộm cáp, người ngoài đứng canh.
Việt Dũng