Trụ sở Seaprodex ở TP Hồ Chí Minh. |
Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cái tên Seaprodex luôn là niềm tự hào của ngành chế biến - xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Thế nhưng, niềm tự hào đó đang có nguy cơ trở thành "của nợ" chỉ sau khoảng 1 thập niên được nâng cấp lên thành Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vì càng kinh doanh, càng... cụt vốn!
Theo Thanh Niên, tháng 8/1995, Bộ Thủy sản có quyết định thành lập Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (gồm công ty Xuất nhập khẩu thủy sản (có 17 thành viên) và 2 đơn vị khác), với kỳ vọng Seaprodex VN sẽ đưa lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản ngày càng phát triển, tiếp nối truyền thống tự hào của ngành thời gian trước đó.
Nhưng kỳ vọng này đã không được đáp lại bởi hoạt động của Seaprodex VN sau đó liên tục đi vào ngõ cụt. Trong một văn bản gửi Bộ Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm cũng lưu ý về tình trạng Seaprodex VN không bảo toàn được vốn, để mất vốn trên 113,3 tỷ đồng.
Văn bản ghi rõ: "Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty , đến 31/12/2002 vốn nhà nước 382 tỷ đồng. Loại trừ các yếu tố vốn nhà nước tăng, giảm do nguyên nhân khách quan, vốn nhà nước tăng 108,6 tỷ đồng.
Nếu bù trừ số lỗ lũy kế: 119 tỷ đồng (chủ yếu ở một số doanh nghiệp thành viên), vốn nhà nước tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam kể từ khi giao vốn đến nay còn thiếu hụt 10,4 tỷ đồng, nếu tính cả số nợ phải thu khó đòi 96 tỷ đồng, giá trị hàng kém phẩm chất 7,8 tỷ đồng thì Tổng công ty đã mất vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng".
Thế nhưng, nhiều số liệu cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều. Vào thời điểm thành lập, Seaprodex VN được giao gần 374 tỷ đồng vốn nhà nước để sản xuất kinh doanh thì 6 năm sau, khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc đã phát hiện khả năng thâm hụt vốn lên đến trên 243,7 tỷ đồng, chiếm hơn 65% nguồn vốn nhà nước giao (chưa kể khả năng thâm hụt vốn góp liên doanh do lỗ và ngưng hoạt động).
Trong đó, có khoản kinh doanh mất vốn hơn 139,9 tỷ đồng và trên 103,9 tỷ đồng nợ khó đòi, hàng tồn kho kém phẩm chất...
Kinh doanh mà cụt dần vốn thì tất nhiên không có... lãi. Theo một cán bộ Đoàn Thanh tra đang tiến hành thanh tra Seaprodex VN, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị này rất thấp và liên tục lỗ trong 3 năm gần đây: năm 2001 lỗ trên 6 tỷ đồng, năm 2002 nâng số lỗ gấp đôi lên 12 tỷ và năm 2003 tiếp tục lỗ 9,7 tỷ đồng.
Trong số các thành viên Seaprodex VN hiện nay, chỉ có 9 đơn vị kinh doanh có lãi chút đỉnh, 3 đơn vị hoạt động nhỏ lẻ doanh thu không đáng kể, 6 đơn vị còn lại đang hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản...
Một nguồn tin khác cho biết đến cuối năm 2003, tổng các khoản nợ phải thu khó đòi có khả năng mất vốn, nợ phải trả nhưng không có khả năng thanh toán, lỗ kéo dài của Seaprodex VN đã lên đến gần 600 tỷ đồng, vượt xa tổng số vốn nhà nước giao cộng với số vốn tự bổ sung của đơn vị đang quản lý là trên 536,6 tỷ đồng...
Trong khi liên tục làm ăn thua lỗ thì Seaprodex VN lại đem những đồng vốn quý giá vung vít một cách tùy tiện, sai quy định của Nhà nước. Điển hình là nguồn vốn nhà nước thu từ cổ phần hóa (CPH).
Tính đến nay, Seaprodex VN đã CPH được 9 đơn vị thành viên, tổng số tiền thu từ bán vốn nhà nước là 47,4 tỷ đồng, trong đó Seaprodex VN đã thu hơn 43 tỷ đồng. Theo quy định, số tiền hơn 43 tỷ đã thu Seaprodex VN phải nộp về Quỹ CPH trung ương, nhưng lãnh đạo đơn vị này đã không làm thế.
Liên tục trong những năm qua, Bộ Tài chính đã có đến 6 công văn yêu cầu Seaprodex VN thực hiện trách nhiệm này, song Seaprodex VN chỉ nộp khoảng 8 tỷ đồng.
Hơn 35 tỷ đồng còn lại, Seaprodex VN tự ý đem 5,8 tỷ đồng để hạch toán tăng nguồn vốn kinh doanh của văn phòng Tổng công ty , trong khi văn phòng làm ăn chẳng mấy hiệu quả, nợ khó đòi và có nguy cơ mất trắng đến cuối năm 2003 lên đến trên 6 tỷ đồng; gần 16 tỷ đồng được chi đầu tư xây dựng trung tâm chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Sóng Thần II; hơn 13 tỷ đồng còn lại không biết đã chi vào những khoản gì...
Trong đó, chỉ riêng việc đầu tư xây dựng trung tâm chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp sóng thần II đã làm thất thoát hàng tỷ đồng. Vào năm 1998, trước thực trạng khó khăn trong sản xuất kinh doanh, HĐQT Seaprodex VN quyết định phương án xây dựng trung tâm chế biến mới có thiết bị hiện đại, nhằm tạo tiền đề để Seaprodex VN lấy lại vị thế trong chiến lược phát triển thủy sản.
Dự án sau đó được Bộ Thủy sản phê duyệt với địa điểm đầu tư tại KCN Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh), tổng mức đầu tư trên 82,3 tỷ đồng gồm vốn tín dụng ưu đãi 75 tỷ và vốn tự bổ sung 7,3 tỷ . Ngay sau khi có dự án, Seaprodex VN đã vội vã đặt cọc thuê đất tại Tân Tạo 10.000 USD, để rồi cũng chính đơn vị này đề xuất chuyển địa điểm đầu tư lên KCN Sóng Thần II (Bình Dương) khiến 10.000 USD tiền cọc bị mất trắng.
Để triển khai dự án tại Sóng Thần, Seaprodex VN thuê Công ty Tư vấn đầu tư và thiết kế Bộ Thủy sản lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ, dự toán về các hạng mục công trình... nhưng kết quả thu được là những sản phẩm kém chất lượng, không thể dùng được.
Tháng 2/2002, một hợp đồng tư vấn thiết kế mới được Seaprodex VN ký với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng C.C và tệ hơn, C.C không có sản phẩm giao cho Seaprodex VN. Dù vậy, số tiền Seaprodex VN đã chi ra cho tư vấn các loại lên đến trên 748 triệu đồng.
Chưa dừng lại, Seaprodex VN đã tự ý chi gần 700 triệu nữa để xây dựng các công trình phụ trợ như tường rào, cổng, nhà kho, nhà để xe... khi chưa có thiết kế kỹ thuật, dự toán, hợp đồng thi công.
Đến tháng 3/2003, HĐQT Seaprodex VN đã tự ý cho ngưng thực hiện dự án mà không cần ý kiến chấp thuận của Bộ Thủy sản, gây lãng phí gần 2 tỷ đồng tiền lập dự án nghiên cứu khả thi, chi phí quản lý, thuê tư vấn thiết kế... Nhưng cái mất lớn hơn, theo nhiều cán bộ tâm huyết với ngành thủy sản, việc ngưng thực hiện dự án đã phá vỡ hoàn toàn chiến lược sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy con tàu Seaprodex VN đến bên bờ vực thẳm...
Còn tiếp...