Trông giống một chàng "cò mồi" hơn, chẳng ai nghĩ Phương chính là một nhà đầu tư đang chìm mình trước tấm bảng chi chít số. "Tôi có một quán cà phê nhỏ, nhưng với tôi, chứng khoán đã trở thành máu thịt mất rồi", Phương tâm sự về thời gian hơn 4 năm miệt mài trên sàn giao dịch của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BSC).
![]() |
Một dân teen ở bàn giao dịch chứng khoán, chơi chứng khoán như cưỡi ngựa, không phải ai cũng điều khiển được nó. |
Theo Sài Gòn Tiếp thị, tại các sàn giao dịch trên đường Nguyễn Công Trứ, hàng trăm nhà đầu tư nhỏ như Phương, mỗi ngày hai phiên giao dịch, 9h-9h30 và 10h-10h30 vào các buổi sáng say mê dõi theo các tín hiệu vàng đỏ và ra những lệnh mua bán cổ phiếu hàng trăm triệu đồng.
Phương còn nhớ như in ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM ra mắt. Phần lớn những nhà đầu tư lúc đó hầu như chỉ có một ít kiến thức về chứng khoán, cộng thêm khoá học cơ bản do Uỷ ban Chứng khoán nhà nước tổ chức làm hành trang bước vào thị trường.
Lúc đó, thị trường chứng khoán mới có SAM (Công ty cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông) và REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh). Giá cổ phiếu lên vùn vụt. Người ta giành nhau mua, giá một cổ phiếu REE từ 17.000 đồng lên đến hơn hai mươi mấy ngàn trong vòng 3 tháng. Riêng Phương vẫn… bình chân như vại. "Tôi 'như vại' không phải vì không nhận ra lợi nhuận quá lớn, mà tôi muốn xem thị trường vận hành ra sao, đọc sách và học hỏi các broker để có thể diễn giải bảng số liệu, các thông số, chỉ tiêu tài chính cơ bản, sau đó mới nhập cuộc".
Ba tháng sau, Phương hoà vào dòng người mua bán chứng khoán. Lúc đó người mua đông như hội. Hơn nữa, có những nhà đầu tư đã đến từ 2 tới 3 giờ sáng để được là người đầu tiên mua cổ phần, thậm chí, người ta còn quay lại thời bao cấp, đặt viên gạch làm dấu thứ tự "chỗ này của tôi". Như thế đủ hình dung lúc mới bắt đầu, thị trường chứng khoán đã cuốn hút những nhà đầu tư nhỏ, lẻ như thế nào.
Phương đã mua vào 1.000 cổ phiếu REE với giá 24.000 đồng/cổ phiếu. Anh kể: "Lúc đó tôi ngộp thật sự vì lợi nhuận tăng vùn vụt, từ 24.000đ/cổ phiếu ban đầu tăng lên đến 95.000đ sau 8 tháng". Theo lời khuyên của các chuyên gia trong sách, người chơi chứng khoán đạt đến một mức lợi nhuận nhất định từ 5% - 12% thì nên bán đi. Phương quyết định bán tại thời điểm REE đạt 95.000đ/cổ phiếu. Từ vốn bỏ ra ban đầu 24 triệu đồng, sau 8 tháng Phương thu về 95 triệu, lời hơn 70 triệu đồng. Không ít những nhà đầu tư cũng "trúng quả" như anh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lúc dừng chân "giang hồ" như Phương. "Với những nhà đầu tư như chúng tôi thì tiền dành dụm được, tiền bố mẹ, anh chị, bà con, bạn bè… thấy làm ăn được thì cho mượn để chơi chứng khoán. Vì vậy, nếu cổ phiếu mất giá thì không trả nợ nổi, cầm cố tài sản là chuyện tất nhiên", Phương giải thích về nguồn vốn chơi chứng khoán của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ nói chung.
Minh, một người sắp đạt đến học vị tiến sĩ, đã lao vào chơi chứng khoán với vốn hiểu biết khá rộng của mình. Cổ phiếu lên giá, ít lâu sau xuống một ít, rồi lại lên giá. Những bước đi đầy "ma thuật" của những lá bài cổ phiếu không làm cho Minh và hầu hết các nhà đầu tư nao núng. Phương cho biết: "Việc cổ phiếu xuống hay lên là bình thường. Thậm chí các nhà đầu tư ngắn hạn còn mong cổ phiếu xuống để mua vào bán ra ngay khi giá lên hưởng chênh lệch cũng đủ".
Minh cũng vậy, ôm một lượng lớn cổ phiếu, khi giá cổ phiếu tụt xuống vài ngàn đồng, M. tranh thủ mua vào thêm nữa. Cho đến khi giá REE lên cao ngất, quên đề phòng nguy hiểm, rủi ro, M. vẫn cho là chưa đụng trần. Tới khi REE rớt giá "thê thảm", Minh không kịp bán ra, cay đắng ôm trong tay những cổ phiếu mất giá. Từ đó mọi người không thấy anh tới lui chợ chứng khoán nữa.
Nhằm tránh những bài học trên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã biết "buôn có bạn, bán có phường". Họ tìm và kết hợp nguồn tin từ tất cả những nơi có thể: báo chí, bảng cáo bạch của công ty niêm yết, internet, broker và bạn bè… nhà đầu tư nhỏ lẻ là những thanh niên mới ra trường với một ít vốn lận lưng, những doanh nghiệp với kinh nghiệm "tiềm tàng", một nhân viên văn phòng có óc mạo hiểm, hoặc một ông già sau khi về hưu dùng thời gian rảnh rỗi để ngẫm nghĩ phân tích dữ liệu đầu tư… thường muốn tăng vốn của mình qua những vụ mua bán cổ phiếu hưởng chênh lệch ngắn hạn. Gặp nhau trên sàn, họ thảo luận và thông báo cho nhau những thông tin thu nhặt được.
Đến các sàn giao dịch như BSC dễ dàng nhận thấy một nhóm 4-5 nhà đầu tư ngồi ngay trước 2 cái máy tính trao đổi rôm rả hàng ngày. Thường thì họ kết theo từng lĩnh vực. Tuỳ từng người chọn đầu tư công ty nào, họ thảo luận những diễn biến hàng ngày, cho nhau biết những tin tức thu nhặt được.
Chính nhờ những cuộc hội họp như thế nên có những người đã cứu "chiến hữu" những bàn thua trông thấy. Một lần, ông Chung vào tham quan một nhà máy chuyên cung cấp nguyên liệu cho một công ty bánh kẹo. Ông thấy các loại bánh công ty để đầy nhà máy. Hỏi ra mới biết công ty trên trả tiền nợ bằng bánh dịp tết Trung thu. Lập tức ông "cấp báo" cho ông bạn đang nhăm nhe mua cổ phiếu của công ty này. Ông Chung cho biết: "Những chi tiết nhỏ như thế cũng khiến chúng tôi cảnh giác. Một công ty trả nợ như thế thì tiền đâu trả cổ tức cho cổ đông?".
Trên những forum đề tài chứng khoán, nhiều "cao thủ" đã chỉ bảo cho đàn em đang bước chân vào làng chứng khoán ít nhiều kinh nghiệm quý báu. Một tiêu chí xuyên suốt trên những trang thảo luận là "tứ hải giai huynh đệ" và "người biết nhiều chỉ người biết ít" tạo nên sự tin cậy lẫn nhau cho những nhà đầu tư của làng chứng khoán nhỏ Việt Nam.
Chợ chứng khoán chứa đầy những "quả ngọt" nhưng cũng lắm rủi ro, ở đó các nhà đầu tư nhỏ đi chợ với một cái đầu căng thẳng, phân tích, thăm dò từng mặt hàng và động tĩnh của những "ông lớn" để ra quyết định đúng đắn nhất. Ở đó, tâm lý mua bán bầy đàn và xem sàn giao dịch là một… Las Vegas luôn luôn tồn tại. Nhưng những nhà đầu tư nhỏ đã biết chăm sóc để danh mục đầu tư của mình mang về lợi nhuận tốt nhất với sự hỗ trợ của bạn bè, với những kinh nghiệm tích luỹ qua "trận mạc", qua những lần "ôm" cổ phiếu nhưng không "buông" được.
Theo ông Tô Hải, phó giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn là một liều thuốc kích hoạt cần thiết với một thị trường chập chững như thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc đưa các công ty cổ phần trên địa bàn TP HCM ra niêm yết đang được UBND TP HCM chỉ đạo ráo riết sẽ cung cấp thêm hàng cho thị trường, tạo điều kiện cho sàn nhộn nhịp, và cũng cho các nhà đầu tư nhỏ, lẻ nhiều sự lựa chọn hơn.