Lan Tường
Gọi miền nhớ ùa về, gọi cả những giọt buồn rơi rớt trên phím đàn tam thập lục. Mưa mùa xuân rất lạ, lây phây, rả rích... vừa đủ đọng thành giọt nhỏ, xếp hàng trên mái rồi hùa nhau rớt xuống hiên. Tôi nhớ em, người con gái đệm đàn trong đêm hội thơ trường năm ấy, giờ này đi đâu? Em còn nhớ hay không?
Giêng hai mưa nặng hạt, ướt rượt vòm long não. Rêu mốc theo đó cũng leo lên những gốc nhãn mốc meo dưới sân trường. Bên gốc cây cơm nguội, em nghiêng chiếc ô màu đỏ nổi bật giữa đám đông chen chúc trú mưa trong giờ thực tập trắc địa. Em cũng nổi bật trong màu áo xanh, màu xanh rất lạ. Hệt như màu xanh cô-ban. Tôi thích gọi như thế để phân biệt với những màu xanh khác quanh em. Nào là xanh nõn chuối của một chiếc khăn quàng cổ, xanh ngọc của một chiếc áo khoác, xanh dương của chiếc nơ buộc tóc... anh xanh tán lá non trong vườn trường. Nhiều lắm. Chỉ có màu xanh cô-ban ấy, trong mắt tôi là đẹp nhất.
Tôi lại gần hỏi:
- Quỳnh à, tối nay mình gặp nhau ở Giảng đường T35 nhé!
- Ừ, mình sẽ đến Đông ạ!
Đêm đó, vẫn mưa, ký túc xá ồn ào những tiếng gọi. Rộn ràng cả lối đi lên giảng đường T35, nơi tổ chức Đêm hội thơ tháng Giêng của trường. MC không ai khác chính là thầy Hải Từ dạy môn Hóa đại cương - một người có nhiều tài lẻ. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước các tác phẩm cây nhà lá vườn của các thầy cô.
Một đêm thơ ngọt ngào, nhiều cảm xúc mà tôi nghĩ không phải trường nào cũng có bởi ở đây có sự hóm hỉnh, thông minh cũng như vẻ ngoài lãng tử, hào hoa của những người mà thường ngày đứng trên bục giảng toàn nói về bê tông, cốt thép. Tôi đưa mắt tìm em khắp giảng đường. Không thấy em...
Tôi đang thấp thỏm bỗng tên em vang lên khi người ta giới thiệu tiết mục văn nghệ. Em ngồi đó, duyên dáng bên cây đàn tam thập lục. Mười ngón tay dài, thanh mảnh lướt trên phím đàn. Khoảnh khắc đó, ánh mắt mình chạm nhau. Tôi biết em đã nói gì trong ánh nhìn ấy. Tôi say sưa uống từng giọt trầm bổng rớt xuống từng nhịp theo ngón tay em. Em say sưa lướt trên những sợi tơ đồng khiến tôi tự hỏi: "Ai sinh ra đàn tam thập lục/Mà có ba mươi sáu dây tơ?" (*)
Đêm đó, cả hội trường im lặng. Tiếng đàn cứ ngân nga, trong vắt, thoáng một chút buồn mong manh. Tôi biết, tâm hồn tôi đã trao cho em từ những giây phút ấy... Vậy mà, ra trường cả lớp không ai biết tin em...
Tôi đã đi qua những tháng ngày buồn. Đêm nay, tôi mong em quay trở lại, chúng mình sẽ hát cho nhau nghe như ngày xưa... Ngoài kia, mưa thấm ướt lối đi, đọng thành giọt trĩu phiến lá non, nhỏ xuống những chiếc ô của nhóm sinh viên bu quanh gốc cây cơm nguội già. Năm nào cũng vậy, giờ này, sinh viên năm thứ ba sẽ mang những chiếc máy thủy bình ra đo vẽ. Hết lớp này đến lớp khác, ai cũng từng một lần đứng dưới mưa, kẻ cầm "mia" (**), người đứng máy. Những con số được vẽ thành bản đồ. Và tác phẩm, em biết rồi đó, khi hoàn thành ai cũng ngỡ ngàng vì mình vẽ được mặt bằng, nơi mình đang đứng.
Mưa vẫn rơi, lạnh quá, tôi cho các em nghỉ giải lao. Một học trò cầm chiếc ô lại gần, nói giọng miền Trung:
- Thầy che ô kẻo ướt.
- Cảm ơn em!
-Tối nay thầy sẽ làm MC chứ?
Chưa kịp trả lời, em đã ào ra vui đùa cùng đám bạn. Tôi giật mình nhớ đến em. Mười năm đã qua kể từ đêm hội thơ tháng Giêng do thầy Hải Từ dẫn dắt... Thời gian không chờ tôi và em. Tôi nghe bạn bè nói, em sẽ trở lại, em vẫn nhớ những phím đàn tam thập lục. Còn tôi, vẫn những câu hỏi chưa có lời giải. Sao em không như bao người khác? Sao em lại chọn chiếc đàn vương ba mươi sáu sợi buồn, thương?
Sân trường, mưa giăng mắc, mỏng tang như mành tơ trời rớt xuống, đậu trên lối đi lát gạch nung màu đỏ, lâu lâu ướt đẫm làm màu gạch như tươi hơn. Mưa móc, ẩm ướt, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, tràn ngập một màu xanh non trong vườn trường. Tôi nghe mưa như những giọt cầm buồn vương trên những chùm hoa nhãn đong đưa, đong đưa. Mưa không đủ làm tôi ướt áo, nhưng con tim tôi ướt tự khi nào. Cô bạn thân vừa nhắn tin: "Tối nay, có thể Quỳnh cũng đến”".
Tôi hân hoan với ý nghĩ mình sẽ gọi tên em trìu mến, dõng dạc trước mặt mọi người, không phải thẹn thùng như trước? Lạnh thật đấy nhưng mong rằng tối nay mưa vẫn lất phất bay trên lối cũ từ ký túc xá lên giảng đường. Tôi sẽ đi trên con đường đó. Mong gặp lại em và con đường mưa năm nào...
(*): Thơ Dân Huyền
(**): Dụng cụ đo trắc địa