Mùa phim Tết Kỷ Hợi 2019 ghi dấu sự góp mặt của hai phim cổ trang là Trạng Quỳnh và 3D Cung tâm kế, cùng phim Táo Quậy có yếu tố phong kiến (do kịch bản liên quan tới truyền thuyết về gia đình Táo Quân hai ông một bà). Trước dịp này, màn ảnh Việt chỉ từng một lần ồ ạt phim cổ trang, khoảng năm 2010 - 2012, ăn theo đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nỗ lực của các nhà làm phim trong việc tái hiện lịch sử, văn hóa nước nhà là điều cần ghi nhận. Song, kỹ thuật làm phim cũng như kiến thức văn hóa ở ta còn nhiều hạn chế, gây ra không ít tình huống dở khóc dở cười khi lên phim.
Kỹ xảo thô vụng
Với yếu tố võ thuật hoặc kỳ ảo, phim cổ trang Việt Nam thường vận dụng nhiều kỹ xảo hình ảnh. Tuy nhiên, phương diện này ở nước ta còn non nớt về kinh nghiệm, dẫn đến nhiều hình ảnh kém thẩm mỹ. Từ trailer tới phim, Táo Quậy của mùa Tết năm nay gây nhức mắt với các chiêu phép thuật màu mè lòe loẹt khi các Táo Quân chiến đấu với Quỷ Lửa (Vân Trang đóng). Kỹ thuật ghép hình cũng chưa tự nhiên, gây khiên cưỡng.
Trước đây, các phim Cuộc chiến với chằn tinh, Mỹ nhân kế cũng tồn tại các lỗi tương tự.
Bối cảnh giả, hình ảnh "xuyên không", sai lịch sử
Khan hiếm phim trường phù hợp, các đoàn phim cổ trang thường phục dựng cảnh sắc phong kiến tại bối cảnh thật. Quán rượu nơi rừng thiêng nước độc của dàn nữ cướp trong Mỹ nhân kế hay phủ quan trong phim 3D Cung tâm kế đều được ghi hình tại resort sang trọng, lộ bàn tay sắp đặt, nặng tính sân khấu, gây cảm giác khiên cưỡng.
Cũng bởi lý do bối cảnh, các bộ phim đôi khi khó tránh các vật dụng hiện đại có sẵn tại bối cảnh như cột điện, chậu cây, tàu thuyền... lọt vào khung hình. Với phim Táo Quậy mới chiếu hôm 12/2, nhân vật trong phim sử dụng lọ thuốc, bình nước nhựa của thời đại ngày nay.
Phim Thái sư Trần Thủ Độ mắc lỗi lớn về lịch sử và văn hóa. Sách tre của thời nhà Trần vốn được đọc ngang, song nhân vật của Lã Thanh Huyền lại mở dọc. Tương tự, phim Mỹ nhân cho một vị quan mặc áo thêu hình... vua sư tử của phương Tây.
Đạo cụ nhựa, phục trang kém thẩm mỹ
Trong ba phim cổ trang mới trình chiếu, Trạng Quỳnh là phim duy nhất có sự đầu tư tương đối chỉn chu về phục trang, trong khi 3D Cung tâm kế và Táo Quậy đều cẩu thả về phương diện này.
Đổi lại, phim của vợ chồng Đức Thịnh - Thanh Thúy lạm dụng quá nhiều đạo cụ đồ nhựa như hoa lá, cây cỏ, gây cảm giác giả tạo khi lên hình. Lỗi này cũng từng gặp ở một số dự án lớn trước đó như phim Tây Sơn hào kiệt.
Cảnh quay võ thuật vụng về
Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ là hai phim cổ trang võ thuật nổi bật của điện ảnh Việt. Dù được đầu tư công phu, hai bộ phim đều không giấu được sự bối rối của nhà làm phim khi dàn dựng cảnh quay đánh võ. Thay vì cùng lao lên tấn công nhân vật chính, kẻ thù chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm này bị hạ gục, nhóm khác mới vào cuộc. Trên hình luôn thường trực các tốp binh lính, sát thủ bao vây xung quanh nhưng không làm gì, rất phi logic.
Phong Kiều