Khu bảo tồn thiên nhiên Konkakinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai là một trong những đỉnh của dải Ngọc Linh - mái nhà Tây Nguyên. Cả vùng rừng núi biệt lập này nổi tiếng bởi hệ sinh thái động thực vật và thảo dược quý hiếm, phong phú như: hổ, báo, gấu, gỗ trắc, huỳnh đàn, trầm hương, sa nhơn, phục linh, cỏ đá, linh chi...
Đường sá trắc trở, cả huyện Kbang chỉ thực sự giao thương với bên ngoài chục năm trở lại đây, nhất là năm 2000 đến nay khi đường nhựa vào được trung tâm huyện. Cuối năm 2004 con đường cấp phối từ trung tâm xã KonPne giáp với Konkakinh nối thông về đến huyện, một loại thảo dược được người Kinh tìm thấy dưới những bếp ám khói nhà sàn là Pơgang bơrơn (tên "cây thuốc khỏe" dịch từ tiếng Bah Nar).
Một cán bộ ở lâm trường Đăk Rong sành sỏi về cây này cho biết, cây thuốc khỏe có đến 3 loại, hình dạng và tác dụng khác nhau. Loại được xem tốt nhất, hình dáng gần giống với sâm Ngọc Linh, cũng thân mềm, củ nhiều đốt như rễ cỏ tranh hoặc củ tròn màu trắng đục, lớn nhất bằng đầu ngón tay cái.
Cây thường mọc ở sườn dốc vách đá cheo leo nên có người gọi là "sâm đá". Loại thứ 2 rễ chùm thân mộc, lá như lá cau, dân ta gọi nôm na là "sâm cau".
Cả hai loại này đều tác dụng bổ dương, "ông uống bà khen". Người Bah Nah còn có một loại "thuốc khỏe" phục vụ quý bà, củ như dong riềng, vỏ nâu ruột vàng, những tay buôn thuốc gọi bằng một cái tên xấu xí là "bum xì ke". Loại này theo như loan truyền, quý bà quý, cô uống vào bổ máu, nở nang xinh đẹp, mặt hoa da phấn, đàn ông đụng vào, dương suy là chắc!?
Công dụng thật sự của chúng chỉ là truyền khẩu, chưa có cơ sở khoa học nhưng người ta cứ kháo nhau rồi nô nức đi tìm.
Theo Tiền Phong, người già ở vùng này bảo cây thuốc này người Kinh đã dùng lâu rồi. Trước đây còn chiến tranh, bộ đội qua đây gặp lúc đói, khát hay ai ốm đau đều tìm loại rễ cây này cho họ nhai đỡ mệt, đỡ khát. Đồng bào Bah Nah không phải ai cũng biết loại cây thuốc khỏe và tìm chúng để sử dụng. Đơn giản vì họ không có thời gian, hoặc quá khỏe chẳng cần đến chúng. Nó chỉ thực sự trở thành hàng hóa vài ba tháng lại đây khi có người tìm mua, đặt hàng dân làng đi đào về bán.
Phòng Kinh tế huyện Kbang đã gửi mẫu ra Hà Nội đề nghị cơ quan thẩm quyền kiểm nghiệm và có câu trả lời chính thức về tác dụng dược lý các loại cây này. Nếu là loài sâm quý thì có biện pháp điều tra, bảo vệ, tránh sự khai thác tràn lan như vừa qua. Hoặc rễ cây có gây tổn hại sức khỏe, chính quyền cũng biết mà khuyến cáo người dân.
Bây giờ, đi đâu ở Kbang cũng nghe nói cây thuốc khỏe như 2 năm trước ở đây rộ lên khai thác nấm cổ linh chi, mỗi ngày hàng tấn nấm bán đi. Một loài gen quý của rừng Kbang đang có nguy cơ bị tận diệt.