Anh Nguyễn Văn Hiền, ngụ tại ấp Thượng 2 kể: "Là hàng xóm sát nhà nhau nên tôi biết mấy ông này nhậu dữ lắm, ngày nào cũng uống, chắc chết vì ngộ độc rượu chứ không phải trúng gió hay dịch tả gì đâu". Nhớ lại, anh Hiền vẫn còn hoảng kinh khi ngày 6/3 vừa dự đám tang anh Đinh Hoàng Hiển (24 tuổi) thì ngày 8/3 anh phải tiếp tục dự 3 đám tang nhà sát vách là ông Lê Văn Bé Tám (43 tuổi), Lê Minh Nhựt (38 tuổi) và Lê Văn Hương (49 tuổi)...
Anh Hiền kể tiếp: "Đến ngày 9/3 và 10/3, tui lại phải đưa tang 2 người khác là anh Đặng Năng Văn (55 tuổi) và Trần Quốc Việt (46 tuổi). Lúc đó, tui thấy Nguyễn Văn Trí (36 tuổi), bạn nhậu của cánh ông Lê Văn Hương vẫn ngồi uống rượu liền tù tì khiến hàng xóm xúm lại can. Lúc đó thằng Trí vẫn cười nhạo nói tại mấy ông kia yếu “đô” mới chết. Thế mà Trí cũng “đi” luôn”.
Chị Dương Thị Quỳnh Lê, vợ anh Nhựt nhớ lại, tối ngày 8/3, khoảng 2 giờ sáng anh Nhựt cứ ôm đầu kêu đau nhức rồi ói mửa liên tục. Sáng dậy, chị đưa đi bệnh viện cấp cứu thì không kịp nữa. Theo chị Lê thì anh Nhựt thường nhậu nhiều và trước ngày mất, hình như có uống rượu với bạn bè. Chị Nguyễn Thị Chuyên, vợ anh Quốc Việt kể: “Ảnh uống rượu chung với anh Năng Văn, về nhà gặp vợ còn nói chuyện tỉnh táo bình thường lắm, ai ngờ hôm sau ảnh kêu mệt, ói mửa rồi chết...”.
Theo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Ba, 63 tuổi, là nạn nhân đau khổ trong xóm này. Chưa đầy 3 ngày mà bà đã đội khăn tang 3 người con: 2 trai là anh Nhựt, anh Hùng và con rể.
Để thu lợi, người nấu rượu thường dùng một cây tăm nhang nhúng vào... chai thuốc trừ sâu và chấm vào rượu lạt, đục. Ngay lập tức rượu kết tủa thành trong vắt và nồng độ tăng vọt lên.... Còn một kiểu "làm rượu" khác rất phổ biến là người ta thường lấy đủ phần rượu gốc rồi pha vào đó 10 lít nước cộng... 1 lít cồn y tế. Hỗn hợp "rượu + nước + cồn" vẫn đảm bảo độ trong suốt, nồng độ cao. Trong các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ dại... đều có chất furfurol là một loại chất lỏng không màu; trong cồn y tế có chất methanol. Cả hai loại trên đều là độc chất. |
Ngày 14/3, ông Trần Phụng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân cho biết, khi tiếp nhận, cả 9 nạn nhân có cùng triệu chứng: bị tăng-xông cao, hoa mắt, váng đầu, hôn mê sâu... Theo ông Hiếu, các nạn nhân trên đều nghiện rượu và đều bị bệnh lý tim mạch, huyết áp. Các mẫu cá, mắm mà nạn nhân làm mồi nhậu qua kiểm tra đều bình thường, không có độc tố gây hại, nên khả năng tử vong là do rượu gây ra. Cơ quan chức năng đã kiểm tra 102 cơ sở sản xuất - bán rượu trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ, qua đó hủy 94 lít rượu, 100,2 kg men của 5 cơ sở sản xuất; thu giữ 273 lít rượu đế, rượu thuốc, rượu nếp than; nghiêm cấm các cơ sở trên không được tiếp tục sản xuất bán rượu. Riêng các mẫu men thu về được đem đi giám định.
Ông Phạm Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, trong 7 mẫu rượu được giám định có đến 6 mẫu rượu có nồng độ methanol và aldehyde vượt mức cho phép, trong đó hoạt chất methanol trong rượu các nạn nhân đã uống lên đến trên 30 mg/lít, vượt mức cho phép hơn 300 lần!
Tuy nhiên, do những người này mua rượu về uống qua nhiều trung gian nên không thể xác định đây là rượu của lò nào, cũng như chưa xác định được có phải do các quán xá mua rượu về pha trộn thêm các hóa chất độc hại để tăng nồng độ rượu hay không. An Giang sẽ tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở nấu rượu trên phạm vi toàn tỉnh.