“Nếu không bán được hai trong số năm căn hộ đã ôm, tôi chết chắc”, anh Lập, một nhà đầu tư thứ cấp, cho biết. Anh đang "ôm" 5 căn hộ cao cấp rải rác tại quận 2 và 7 (TP HCM) với tổng giá trị ngót nghét gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn gốc anh bỏ ra chỉ khoảng 4 tỷ đồng, phần còn lại đều do các ngân hàng hỗ trợ. Ngay trong tháng 3 này, số tiền anh phải nộp cho các chủ đầu tư gần 800 triệu đồng nên bây giờ như ngồi trên đống lửa. Đây cũng là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư lỡ “ôm" căn hộ lúc này.
Trong một thời gian dài, nhiều ngân hàng đã có chính sách khá ưu đãi với các khách hàng vay tiền mua căn hộ cao cấp, trung bình mức cho vay lên tới 70% giá trị của căn hộ (khách hàng chỉ cần 30% trên tổng vốn), thời gian thấp nhất là 10 năm. Thậm chí, một số ngân hàng còn tăng lên đến 90% giá trị căn hộ, thời gian vay kéo dài trên 30 năm, ân hạn 3 năm đầu chỉ trả lãi suất, không trả tiền gốc... Những ưu đãi này đã khiến khách hàng trở nên an tâm khi đầu tư vào phân khúc thị trường khá nóng bỏng là căn hộ cao cấp. Thế nhưng, hiện nay khi ngân hàng quản lý chặt khoản tín dụng, nỗi lo mất nhà hiển hiện.
Những dự án căn hộ cao cấp mọc lên ngày càng nhiều. |
Anh Nguyễn Việt, đang tá hỏa khi mới đây nhân viên tín dụng của ngân hàng anh đã vay vốn để mua căn hộ thông báo sẽ xem xét tạm dừng khoản vay tiếp theo với gần 300 triệu đồng. Theo hợp đồng giữa anh với ngân hàng trong khoảng thời gian 2 năm, anh sẽ vay thành nhiều đợt để trả tiền mua căn hộ với tổng số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ có người mua căn hộ cao cấp lao đao, ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định, cũng lo lắng về việc khách hàng sẽ “kiện” ông với các cơ quan chức năng về tội bội tín. Số là 60 khách hàng trong ngành thể thao nằm trong diện ưu tiên đã đăng ký mua căn hộ nhà cho người thu nhập thấp tại chung cư Thới An, quận 12, TP HCM. Phần lớn khách hàng đã trả 50% giá trị căn hộ, phần còn lại được các ngân hàng hứa cho vay trong 10 năm. “Nếu các ngân hàng rút lời hứa thì chúng tôi biết hỗ trợ họ ra sao, dù khoản vay của mỗi người chỉ từ 200 đến 300 triệu đồng”, ông Thiều bức xúc.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hiện có ba nhóm khách hàng liên quan đến vay ngân hàng để đầu tư vào bất động sản. Nhóm khách đầu tiên là cá nhân, tổ chức vay vốn nhằm tạo ra nguồn sản phẩm cho thị trường như căn hộ, nền đất, nhà phố... Nhóm khách hàng kế đến là những người có nhu cầu thực sự cần vay vốn mua bất động sản hoặc thế chấp để vay vốn làm ăn và nhóm cuối cùng được gọi là những nhà đầu tư mua đi bán lại những sản phẩm bất động sản mà do làm ăn lệch lạc nên người ta thường gọi là nhà đầu cơ.
Ở nhóm khách hàng thứ nhất, việc siết chặt nguồn tín dụng có thể khiến họ không thể sản xuất ra sản phẩm mới, điều này sẽ dẫn đến nguồn cung đã hiếm nay càng ít hơn và kéo giá cả lên cao. Ở nhóm khách hàng thứ hai là những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, việc không cho vay sẽ khiến họ khó có cơ hội sở hữu được bất động sản, cải thiện chất lượng sống.
Việc ngừng cho vay với nhóm đối tượng thứ ba là việc cần thiết nhất tại thời điểm này, bởi họ là những người góp phần đẩy giá đất lên cao. Mặt khác, trong số những người đó, cũng sẽ có những người đầu tư theo kiểu phong trào, “ăn theo”... nếu thị trường “lạnh” thì nguy cơ mất trắng là hiển nhiên.
Theo các chuyên gia địa ốc, hiện khó dự báo được diễn tiến thị trường, bởi ngoài quy luật cung cầu, nó còn phụ thuộc vào tâm lý của người tham gia thị trường. Tuy nhiên, nếu ngân hàng hạn chế cho vay dự án, chắc chắn nguồn cung sẽ thiếu và như vậy với những sản phẩm hiện có, việc mua bán sẽ đẩy giá đất lên thêm nữa. Nếu khó khăn hơn nữa, việc mua bán sẽ ngưng trệ, như vậy viễn cảnh thị trường suy thoái sẽ tác động không nhỏ đến đời sống xã hội.
(Theo Người Lao Động)