"Sinh thực khí - tôi thú cái món đó"
Chỉ vào tấm xi-măng lát đường có những hình xếp gần bằng sỏi cuội, Khánh cười bảo: "Đây là linga - yoni (sinh thực khí của nam nữ được biểu tượng hóa trong tôn giáo), tôi thú cái món ấy nên đi đâu cũng gắn hình nó. Còn kia (anh chỉ sang tấm bên cạnh, có một hình tròn nằm trong hình vuông, nói hơi ngậm ngùi) là biểu tượng của studio Mai Hiên - Anh Khánh, thời hai vợ chồng chúng tôi còn ở với nhau...".
Đào Anh Khánh sẽ tiếp tục trình diễn Đáo Xuân ở địa điểm mới - Lương Sơn, Hòa Bình. |
Năm 1994, Đào Anh Khánh mua 1.800 m2 đất ở xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm. Những biểu tượng âm dương, sinh thực khí nam nữ, dường như đã ám ảnh Đào Anh Khánh từ lâu. Anh gắn các biểu tượng ấy bằng sỏi lên các tấm bê-tông lát đường. Khi xây dựng nhà sàn, Studio Mai Hiên - Anh Khánh, anh dùng xi-măng trộn tơ đay rồi làm một loạt phù điêu những hình phụ nữ vặn vẹo lên tường. Chưa đã, anh còn dựng lên một số cặp tượng "cổng đàn ông" và "cổng đàn bà" (nửa dưới thân người đàn ông, đàn bà khỏa thân). Có cái cao đến 10 m. Chất liệu chính vẫn là tơ đay, xi măng, trông xù xì, xám xám...
Bây giờ mảnh đất đó đã thành phường, căn nhà anh ngày xưa nằm giữa một bãi cỏ thả bò mênh mông, thì giờ bị xiết lại bởi nhà cửa. Đường vào ngõ nhà Anh Khánh đã mọc lên vài cái nhà sàn cột bê-tông của các phú ông mới. Đất đai từ vài trăm nghì/ m2 lên tới cả chục triệu. Dân Hà Nội đua nhau nhảy sang đây mua đất để xây lầu gác hưởng gió sông Đuống.
Nếp sống dân dã nông thôn ngay cạnh Hà Nội bị biến chất, bốc hơi đi rồi. Mỗi cuộc trình diễn Đáo Xuân ồn ĩ đầu năm mới mà Anh Khánh làm liên tục mấy năm nay càng ngày càng gặp khó khăn nhiều hơn. Khói lửa và âm thanh - hai yếu tố phụ trợ không thể thiếu trong các cuộc nhảy múa của anh - thì càng ngày càng bị hạn chế, bởi "dễ cháy nhà hàng xóm như chơi".
Đào Anh Khánh chán, và anh phải "dạt" đi xa hơn nữa, về với núi rừng, về với tự nhiên hoang dã, là cái "chất" nằm trong các ý đồ trình diễn của anh.
Đáo Xuân sẽ chuyển lên Đất Mê...
Và cái "miền đất hứa" để anh di dịch ấy chẳng đâu xa, chỉ cách Hà Nội hơn 50 km là có rừng có núi ngay.
Trên đường đi Hòa Bình, tới sân golf Hàn Quốc 54 lỗ thì rẽ vào, đi tắt qua sân golf trên những con đường ngoằn nghèo, hai bên là cỏ sân golf mịn lụa xanh, xuyên qua một rừng tre trúc xanh mướt y như trong Ngọa hổ, tàng long, thì bắt đầu đến địa giới của Đất Mê - là tên mà Anh Khánh dự định đặt cho "lãnh địa" của mình...
Cái Đất Mê ấy là một khu đất rộng dựa nghiêng vào triền núi, ở giữa có một bãi phẳng vốn là... chuồng bò của một đơn vị quân đội, dân xung quanh gọi là Nhà Bò. Được cái địa thế khá đẹp, nằm ngay chân núi Con Voi (thuộc xã Lâm Sơn - Lương Sơn), dưới chân núi có một dòng suối nhỏ rất đẹp, nước đủ để chạy máy phát điện.
Nổi lên trong rừng tre trúc ấy có mấy cái cột gì trăng trắng, lại gần thì ra 3 cái cột bê-tông to bự. Hỏi chủ nhân, là cái gì, anh bảo nhìn kỹ đi đã. Mấy cái cột thật to, bằng bê-tông rỗng, cao tới 25 m, đường kính 3 m, bên ngoài phủ xơ đay trộn xi măng quét sơn trắng, trên thân có một loạt những cái hốc to, và những nếp nhăn, đường lượn.
Đáng buồn cười bởi mấy cái cột kỳ dị này nom rất giống cái "sinh thực khí" thì Anh Khánh bảo luôn: "Là cái cột sinh thực khí nam đấy. Mới đầu tôi định dựng năm cột, đặt tên là Ngũ Linh. Nhưng sau thấy 3 cái là đủ với không gian này. Còn kia - anh chỉ tay lên núi - Có một khe suối nhỏ từ trên núi chảy xuống, dài hơn 100 m. Tôi định đắp một cái sinh thực khí nữ vĩ đại, để... tôn vinh phụ nữ".
Cuộc trình diễn Đáo Xuân năm vừa rồi, Đào Anh Khánh lấy tên là Cơn Mê. Có lẽ cái tên Đất Mê lại gợi ý từ cuộc trình diễn này. Trở về trạng thái nguyên thủy, sơ sinh là những thứ mà Anh Khánh khoái. Từ đầu năm đến nay, anh hì hục mãi để dựng nên 3 cái cột này. Những lỗ trên thân cột, là lỗ "sáo trời", và cũng là lỗ để sau này anh bắc giáo, để trèo lên trình diễn. Đào Anh Khánh dự định sẽ tiếp tục các màn "đáo xuân" của mình tại đây.
Nơi đây anh sẽ tha hồ hò hét trong các cơn "mê man" chủ động mà chẳng sợ ảnh hưởng đến ai. Để chuẩn bị cho các cuộc trình diễn này, anh vừa mới thửa thêm 6.000 m đất nữa để làm chỗ cho bạn bè, khách khứa dưới Hà Nội lên để ô tô.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)