Ổi Rừng
(Truyện ngắn của tôi)
Mắt anh Quẹo hoe đỏ, miệng anh méo xệch... Chị Mận đã không còn nữa, chị bị xe đụng, chết ngay tại chỗ, đang chờ mổ khám nghiệm tử thi trên bệnh viện, chút nữa về. Chị Mận chở cô hàng xóm đi đám cưới, trên đường đi có hai thanh niên chạy xe đánh võng phía sau rồi vượt tới, xe họ quẹt vào xe chị Mận. Trong khi hai thanh niên nọ cười hô hố lao đi như điên thì chị và cô hàng xóm lăn lóc xuống đường, một chiếc xe tải lao tới, thế là chị Mận không còn trên cõi đời này nữa!
Anh Quẹo thở dài, nói một mình: "Thôi như thế cũng mừng cho chị, thoát kiếp trần ai! Chẳng biết khi nào mình mới được như thế... ". Rồi anh Quẹo khóc, lũ trẻ nép bên rào bìm bìm cũng quay đi, thút thít - thế là từ nay không còn ai kể chuyện cổ tích cho chúng nghe, không ai gọi chúng í ới vào những buổi trưa để cho hết thứ này đến thứ khác...
Đám tang chị Mận đầy nước mắt.
Thế là một người hiền, hiền nhất cái xóm này lại chết không toàn thây- theo quan niệm của những người cao tuổi thì đó là điều không tốt. Chẳng biết chiếc xe tải cán thế nào mà lồng ngực chị bị vỡ tung, tim văng cả ra ngoài lăn lông lốc trên mặt đường. Nửa phần đầu phía sau của chị bị cán nát nhưng gương mặt điềm đạm chất chứa nhiều nỗi niềm của chị vẫn nguyên vẹn, đôi mắt chị khép kín, bình thản...
Anh Quẹo lo vun vén trong ngoài cho xong cái đám tang chị Mận. Chôn cất chị Mận xong, anh về ngồi miết dưới gốc mận trước sân, kế bên hàng rào bìm bìm đang ra hoa tím biếc từ xế chiều đến tối mịt, nói mãi một câu: "Thế là hết, hết nợ hồng trần!".
Mới lọt lòng mẹ, chân của anh Quẹo đã bị dị tật, đi cà vẹo một bên nên anh có cái tên không giống ai như thế, vậy chứ anh rất hay cười và sống vui vẻ. Trong cái xóm bán thôn bán thị này ai cũng thương anh, ngay cả mấy thằng nhóc được xem là "ba trợn" nhất xóm - anh Quẹo hay bảo: "Tụi nó ba trợn ở đâu thì không biết nhưng với anh tụi nó rất ngoan, anh khuyên gì cũng nghe!". Người ta thường bảo, trong thời buổi đồng tiền chiếm vị thế độc tôn, có tiền nghĩa là con người đó có giá trị, lời nói có trọng lượng, được kẻ khác tôn trọng... thì anh Quẹo được xem là một ngoại lệ. Anh nghèo nhưng rất được mọi người thương mến và tôn trọng. Nghèo nhưng anh sống trong sạch và nghĩa tình, nhất là đối với chị em của chị Mận và lũ trẻ con trong xóm.
Nhà anh sát cạnh nhà chị Mận, hai người là bạn từ thuở mới lọt lòng mẹ, cái thuở mà con đường vào cái xóm này chẳng phải là con hẻm xi măng sạch sẽ như bây giờ mà chỉ là con đường mòn lầy lội vào mùa mưa và đầy hoa mắc cỡ... Mấy bụi mắc cỡ đầy gai vậy mà chị Mận đã ngã rật xuống đấy khi hay tin ba má và đứa em kế chị cùng tử vong vì tai nạn giao thông khi họ về quê thăm ngoại vào mùng một Tết. Năm đó, chị Mận 12 tuổi, đứa em út của chị mới biết bò. Anh Quẹo nhỏ hơn chị Mận một tuổi, thân hình còm nhom, chân bị tật vậy mà cái hôm định mệnh ấy anh đã luồn tay vào đám mắc cỡ để mang chị Mận về nhà. Từ đó, mắt chị Mận buồn như mấy chiếc lá mắc cỡ lúc rũ xuống khi có ai đó chạm vào, buồn nẫu cả ruột. Chị Mận buồn đến nỗi không thèm ngó tới thằng em mặt mày nhem nhuốc vừa bò vừa khóc dưới nền đất. Và cũng từ ngày đó, chị Mận không còn hay nói chuyện nữa, suốt ngày cứ lầm lũi làm lụng nuôi thằng em như một người câm.
Anh Quẹo ngoài lúc phụ giúp gia đình một vài công việc lặt vặt, thời gian còn lại thì ở suốt bên nhà chị Mận, phụ giúp chị đủ thứ việc, cả việc rửa đít cho thằng út. Rồi thời gian trôi qua, ba má anh Quẹo cũng lần lượt qua đời, anh chỉ còn lại một mình (vì khi sinh anh ra bị dị tật nên ba má không dám sinh con thêm nữa). Anh hay chạy qua chạy lại giữa nhà mình và nhà chị Mận, xách giùm chị mấy gàu nước từ cái giếng sâu mấy chục thước, chặt giùm chị Mận mớ củi...
Thằng Út học ngày càng cao, tiền cần ngày càng nhiều, chị Mận làm thuê không rảnh ngước mặt lên. Mỗi lần nhìn chị Mận lầm lũi như thế anh Quẹo nghe như có ai bóp nghẹt tim mình, đau không thể tả. Anh Quẹo thương quá cái ánh mắt buồn rười rượi và cái dáng người lầm lũi, cam chịu đó. Thương không thể kìm lòng. Và khi thằng Út đi thành phố học đại học thì anh Quẹo càng thương chị Mận hơn nghìn lần nữa. Anh Quẹo bắt đầu đi bán vé số, tiền kiếm được ngoài xài thật tiết kiệm cho mấy nhu cầu tất yếu thì anh dành hết cho thằng Út. Lần đầu tiên anh đưa tiền, chị Mận đã khóc và đuổi anh ra khỏi cửa, chị bảo anh đừng xem thường chị, chị có nghèo đi nữa thì cũng đi làm thuê làm mướn, phải kiếm đủ tiền để nuôi em mình ăn học. Anh Quẹo cố gắng thuyết phục chị Mận là anh có một thân một mình, tiền làm ra cũng không biết xài vào việc gì, thôi thì cho chị Mận mượn mà nuôi em ăn học... Vậy chứ chị Mận vẫn kiên quyết từ chối.
Từ hôm đó anh không đưa tiền cho chị nữa mà mỗi lần thằng Út về anh lén nhét vào túi xách của nó. Rồi thằng út cũng biết mấy nắm tiền nhăn nheo đó của anh, nó ôm anh khóc, nó bảo cái ơn của anh suốt đời nó không bao giờ quên, sau này nó sẽ phụng dưỡng anh Quẹo và chị Mận như cha mẹ của mình. Thằng Út đã cố gắng học thật giỏi, khi đang học năm thứ 2 khoa cơ khí của đại học bách khoa thì nó là một trong hai sinh viên được trường chọn cử đi du học theo diện học bổng toàn phần ở Nga. Trước khi đi, nó về nói với anh Quẹo một câu, nhờ anh chăm sóc và "trông chừng" chị Mận của nó.
Ở bên Nga, thằng út cũng xài tằn tiện dữ lắm, nó "nhín" từ tiền ăn mà đủ mua vé máy bay khứ hồi về nước thăm chị nó thì biết nó "hà tiện" đến mức nào. Nó mới về thăm chị nó tháng trước đây chứ xa xôi gì, về thăm còn mua đủ thứ lặt vặt cho chị và cả một chiếc radio nho nhỏ cho chị nghe đỡ buồn lúc nó vắng nhà. Nó còn bảo chị Mận cố gắng "chịu buồn", hai năm nữa nó về nước rồi! Bữa cơm cuối cùng khi trở lại trường, trước mặt cả chị Mận và anh Quẹo, thằng Út bảo:
- Hay là chị đi lấy chồng đi, chứ thấy chị sống thui thủi một mình thế này em không yên lòng!
Chị Mận cười buồn:
- Lớn tuổi rồi, chồng con gì nữa, với lại...
Hiểu ý chị, thằng Út cười khì khì, đánh đét vào đùi anh Quẹo:
- Hay là anh làm anh rể của em đi?
Dù khoái chí lắm với đề nghị của thằng Út nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà anh Quẹo lại bảo:
- Tôi nhỏ tuổi hơn chị Mận, sợ...
Thằng Út ngăn không cho anh Quẹo nói nữa. Chị Mận bỏ ra sau nhà. Thằng Út ra đi mà lòng buồn hết sức vì chưa xe duyên được cho chị Mận với anh Quẹo. Khi thằng Út đi rồi, mấy ngày liên tiếp, anh Quẹo sang ngồi ở góc sân nhà chị Mận chặt củi, chặt sạch thứ cây nào có thể chặt được xung quanh nhà. Mỗi nhát chặt anh nói một lời xin lỗi rõ to. Cuối cùng thì lòng thành của anh Quẹo cũng làm động lòng chị Mận. Chị nghiêm mặt, nói mỗi một câu mà anh Quẹo mừng muốn không thở được:
- Để thằng Út học xong về rồi tính!
Lúc đó mặt anh Quẹo sáng bừng lên như mớ hoa bìm bìm xanh biếc, sáng loá dưới nắng trưa trước ngõ. Ai ngờ đâu, thằng Út chưa về, chị Mận đã ra đi mãi mãi. Anh Quẹo đã đấu tranh dữ lắm mới không báo tin chị Mận mất cho thằng Út, anh nghĩ rằng nó mới vét sạch túi về thăm chị tháng trước, nay báo cho nó tiền đâu về, thêm lúc này đang học, nghỉ học người ta đuổi về nước luôn thì công mấy chục năm làm lụng của chị Mận bỏ sông bỏ biển à? Với lại anh biết, chị Mận cũng sẽ đồng ý với quyết định của anh, chị sẽ không trách móc gì anh đâu.
Trong bóng tối, anh Quẹo giật thót mình khi mập mờ thấy bóng ai như chị Mận đang đi vào nhà từ cửa chái bếp. Anh đứng bật dậy chạy về phía ấy, một đóm lửa lập loè bay vòng lên nhà trên, thoát qua cửa sổ, bay vút về phía rào bìm bìm trước ngõ...
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Tôi thích nhất là những buổi sáng sớm ngồi nhâm nhi ly cà phê đá và... chẳng nói gì cả! Trước đây hay uống cà phê không đường nhưng bây giờ thì lại thích uống cà phê thật nhiều đường vì... đời đắng quá!
Truyện ngắn đã đăng: Cục gạch, Lạy trâu.