Việt Nam hiện có nhiều trang web bán hàng trực tuyến được đông đảo người tiêu dùng ưa thích như muare..., 5giay..., quangcaoraovat..., emuasam… Trong đó muare..., trang web được mệnh danh là Ebay của Việt Nam, có số người truy cập nhiều thứ 37 trên toàn quốc, đã chứng kiến không ít vụ lừa đảo ầm ĩ trên mạng. Số tiền cho những phi vụ lừa đảo này có khi lên đến hàng chục triệu đồng.
Các mánh lừa tương đối đơn giản nhưng vẫn khiến không ít khách hàng lao đao. Gần đây, mạng muare... xuất hiện lời than phiền về hàng nhận được kém chất lượng của thành viên có tên anhthubmw, tín đồ mạng này đã trả 300.000 đồng để mua một chiếc áo từ Hàn Quốc do nick name Ankemde quảng cáo, nhận mua giùm. Thế nhưng, chiếc áo mà anhthubmw nhận được lại là một chiếc áo đường may cẩu thả, chất liệu vải rẻ tiền và chẳng hề giống gì với hình ảnh Ankemde quảng cáo.
Sau khi anhthubmw lên tiếng, cư dân mạng mới vỡ lẽ Ankemde đã lừa hàng chục khách hàng cũng bằng những món hàng khác xa quảng cáo. Tệ hơn nữa khách hàng đặt cọc có thể mất luôn tiền cọc khi người nhận cọc biến mất, ôm theo số tiền khách đặt trước. Các nick name Enrique81, loveespirit, sanhdieuonline đã “quỵt” hàng chục triệu đồng của nhiều khách hàng như dungpink, pony, hip_love_kiu, alice_89, pugcon07… Số tiền mỗi khách hàng mất tuy chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng khi hàng chục, hàng trăm khách hàng bị lừa thì vụ việc có thể bị xét về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân.
Cảnh giác với thuốc giả, mỹ phẩm giả
“Tiền mất, tật mang” là chuyện có thật, khi một số cư dân mạng còn mua phải thuốc giả, mỹ phẩm giả. Trên trang Baleric@ecross... đủ loại thuốc được rao bán, trong đó có cả thuốc giảm đau, thuốc an thần trong nhóm gây nghiện, đến thuốc cương dương cần toa bác sĩ cũng được rao bán rộng rãi. Giá nào cũng có, Viagra 40.000 - 60.000 đồng/viên, mang đủ mác Australia, Mỹ… Ham rẻ, nhiều quý ông đã phải nhập viện bởi các sản phẩm kém chất lượng này.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng đơn vị Nam khoa Bệnh viện Bình Dân, thuốc cường dương rao trên mạng hầu như là thuốc giả. Bệnh nhân dùng thuốc giả có thể bị tai biến nghiêm trọng như cương liên tục, hưng phấn quá độ khiến bệnh nhân có hành động rồ dại như nhảy lầu …
Quý bà cũng bị dính “bẫy” bởi mỹ phẩm giả được gắn mác hiệu. Phấn Mac (USA) giá 250.000 đồng/hộp được nhiều chị em mua nườm nượp bởi tưởng hàng xịn thanh lý giá rẻ như lời quảng cáo của cô bé có nick name miuxinh, hóa ra khi nhận hàng mọi người mới “bật ngửa” vì là loại phấn bán tại chợ đêm Đồng Xuân chỉ 27.000 đồng! Đây là loại phấn đã từng bị cảnh báo sử dụng gây dị ứng cho da mặt! Bị phát hiện, cô nàng năn nỉ và khẳng định mình cũng bị lừa và xin bồi thường lại phần tiền lãi khoảng 50% tiền hàng, khách hàng đành nhận lại 100.000-150.000 đồng dù số tiền mình bỏ ra đến 250.000 đồng với quan niệm có còn hơn không.
Các trường hợp bức xúc, trả sản phẩm đòi tiền khác cũng khó khăn không kém. Nick name muathuaysequen nhận được 300.000 đồng do Ankemde trả lại cho tổng sản phẩm chị đã mua là 700.000 đồng cho biết: “Không muốn làm rùm beng lên nữa, dù em ấy chỉ trả lại chưa đến 1/2 số tiền bỏ ra, nhưng chẳng thể vì mấy trăm ngàn đồng bỏ cả công việc từ Sài Gòn ra Hà Nội đòi tiền”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)