Ông Mai Văn Dâu. |
- Ông nói gì về những bút tích của mình trong hồ sơ xin quota của doanh nghiệp?
- Có thể rơi vào trường hợp thế này. Có văn bản doanh nghiệp chuyển tới văn thư, có cái gửi tới Vụ Xuất nhập khẩu, nhưng cũng có cái họ gửi thẳng cho tôi. Do vậy, tôi phải mở phong bì, rồi ký chuyển cho anh em làm. Chỉ ghi là "chuyển Vụ Xuất nhập khẩu xử lý thôi", chứ tôi không ghi luôn là cho công ty này bao nhiêu, công ty kia bao nhiêu.
- Quy trình là đơn xin cấp hạn ngạch phải gửi tới văn thư, văn thư chuyển cho Vụ Xuất nhập khẩu và thứ trưởng chỉ là người cuối cùng ký duyệt. Nay hồ sơ lại từ trên xuống, gây áp lực hoặc tạo cho cấp dưới suy nghĩ là doanh nghiệp có quan hệ riêng như thế nào?
- Ừ thì quy trình là như vậy. Nhưng có đơn vị không biết mà gửi thẳng lên trên chứ có phải do tôi làm sai đâu. Mà tôi nhận rồi thì phải ký chuyển cho Vụ Xuất nhập khẩu, còn cách nào khác? Đấy là việc bình thường trong công tác điều hành.
- Nhưng trong số những trường hợp ông ký chuyển như vậy, cơ quan điều tra đã phát hiện một số doanh nghiệp được cấp hạn ngạch vượt tiêu chuẩn?
- Nếu cứ có sai sót số liệu là trách nhiệm của lãnh đạo bộ thì chắc là chẳng ai dám làm cả. Lên đến chúng tôi thì chỉ xem lại về nguyên tắc, quy trình có đúng không thôi. Chứ còn phải soát xét đến từng số liệu một thì tôi không làm được và chắc người khác cũng vậy. Cho nên, những cái sai về số liệu cụ thể như thế phải thuộc về trách nhiệm bộ phận chức năng. Cũng có thể chỉ do anh em sơ suất nhưng cụ thể thế nào để cơ quan điều tra xác minh.
- Bộ trưởng Thương mại đã yêu cầu những người liên quan kiểm điểm. Việc ký chuyển trên, ông giải thích thế nào trong tường trình?
- Bộ trưởng chỉ thị cho cán bộ Vụ Xuất nhập khẩu, một số người ở bộ phận khác, cùng cán bộ lãnh đạo có liên quan đến công tác dệt may kiểm điểm. Tôi cũng phải kiểm điểm. Mục đích là xác định trách nhiệm của từng cá nhân để sai đến đâu, xử lý đến đó. Tôi đang xây dựng đề cương. Chắc cái gì liên quan tới quy trình cũng sẽ phải mổ xẻ hết.