10h30, quán cơm Yên Vui ở ngõ 88 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, tấp nập thực khách kéo đến, dù còn 30 phút nữa mới mở cửa. Anh Nguyễn Cao Sơn, quản lý quán cơm, liên tục cùng nhân viên đứng đón, chào hỏi mọi người. Thấy một cụ bà chống gậy đến, anh chạy lại đỡ, trong khi nhân viên khác sắp xếp chỗ ngồi cho cụ, rồi giới thiệu thực đơn hôm nay của quán cùng giá tiền phải trả.
Lấy trong túi 2.000 đồng, bà cụ cẩn thận vuốt tờ tiền phẳng phiu, trước khi cảm ơn và đưa tiền cho anh Sơn nhờ đổi phiếu cơm. Ít phút sau, một bạn trẻ mang cho bà cụ suất cơm với thịt gà, một bát canh, một phần rau xào vẫn còn nóng hổi cùng hoa quả tráng miệng.
Ngoài cửa, tiếng xe máy đỗ xịch, người vợ xuống xe còn người chồng chậm rãi di chuyển trên đôi chân bước thấp bước cao. Ông Nguyễn Ngọc Chính (63 tuổi) vừa kết thúc chuyến xe ôm cuối giờ cơm trưa liền vội vã đi đón vợ đang dọn dẹp thuê theo giờ cho một gia đình. Thấy có quán cơm ghi giá 2.000 đồng, ông cùng vợ ghé vào ăn thử, chẳng tin cơm có giá rẻ như vậy.
Thấy khách, hai bạn trẻ chạy ra đỡ ông Chính vào trong. Bước vào quán, ông được chọn món trong hai thực đơn, mặn hoặc chay. Cơm mặn giá 2.000 đồng, trong khi cơm chay chỉ 1.000 đồng. Chọn hai suất cơm mặn, ông Chính trả 4.000 đồng. Bê khay cơm về chỗ ngồi, người đàn ông làm nghề xe ôm vẫn chưa dám tin suất cơm lại chỉ có giá 2.000 đồng.
Vợ chồng ông Chính từ tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống đã 6-7 năm nay. Sau lần tai nạn giao thông, ông Chính đi lại khó khăn, không thể làm được việc nặng nên chạy xe ôm. Vợ ông nhặt ve chai, thi thoảng có người thuê dọn dẹp theo giờ. Covid-19 khiến vợ chồng ông phải tính toán chi li để lo miếng ăn mỗi ngày và cho các con ăn học ở quê.
"Tôi vui quá, thường ngày vợ chồng tôi ăn hết 50.000 đồng cơm trưa nhưng có quán cơm này, từ nay tôi có thể để ra thêm tiền gửi về cho con", ông Chính vừa ăn vừa vui vẻ nói.
Nghe ông Chính khoe, bà Thanh (làm nghề bán hàng rong) đặt khay cơm của mình ở bàn bên cạnh, góp chuyện. Bà đến đây ăn từ hôm đầu quán mới mở.
"Cơm ở đây rất ngon, 2.000 đồng thôi nhưng đầy đủ thịt, rau, mỗi ngày một món, lúc nào cũng có đồ nóng để ăn; nhân viên lại rất nhiệt tình", bà Thanh nói.
Quản lý Sơn cho biết quán cơm Yên Vui mở cửa từ hôm 14/12, bán từ 11h đến 14h các ngày thứ 2, 4, 6. Mỗi ngày, quán nấu từ 140 đến 150 suất ăn cho khách hàng. Quán do các thành viên Quỹ từ thiện Bông Sen mở, nhằm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội. Để có quán cơm này, anh Sơn cùng mọi người mất một thời gian dài tìm địa điểm, thiết kế cửa hàng, bếp nấu, tìm nguồn thực phẩm, tình nguyện viên hỗ trợ bán hàng, đón khách.
"Chi phí thuê mặt bằng khoảng 12 triệu một tháng, tất cả được lấy từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước", anh Sơn nói.
Ngoài 5 nhân viên chính của quán, hằng ngày sẽ có ba sinh viên tình nguyện đến bưng bê, đón khách, phụ giúp dọn dẹp khi quán đóng cửa. Sinh viên được trả công bằng những buổi dạy kỹ năng mềm, hoặc hỗ trợ thực phẩm, nơi nấu suất ăn cho người vô gia cư mà các bạn muốn giúp đỡ, trong khi nhân viên được nhận một mức lương thấp từ nguồn thu 2.000 đồng mỗi suất cơm.
"Nhân viên của quán làm để giúp đỡ mọi người, không quan trọng về mức thu nhập. Mọi người đều có công việc riêng, chỉ bớt chút thời gian đến quán giúp đỡ. Chẳng hạn đầu bếp của quán làm ở khách sạn 5 sao. Sau khi được chuẩn bị thực phẩm, anh ấy sẽ đến nấu rồi quay lại công việc thường ngày của mình", anh Sơn chia sẻ.
Ngoài nguồn tiền tài trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, quán còn nhận được ủng hộ từ các nhà cung cấp thực phẩm. Quản lý quán cho biết thêm Yên Vui mới đi vào hoạt động được hơn một tuần, kinh phí còn hạn chế nên chỉ mở bán ba ngày trong tuần với thực đơn gồm một mặn, một chay. Thời gian tới, Quỹ sẽ cố gắng mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7 để phục vụ nhiều người hơn. Phở được thêm vào thực đơn thay cơm vào thứ 6 để đổi khẩu vị cho thực khách và vẫn giữ ở mức giá 2.000 đồng.
"Mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng đổi thực đơn khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng cũng như tạo sự ngon miệng cho khách hàng", anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, mỗi suất cơm giá thực tế khoảng 20.000 đồng nhưng quán Yên Vui thu mức thấp nhằm giảm đi sự e ngại của mọi người khi đến quán.
"Đây chỉ là hình thức để mọi người thấy rằng họ có bỏ tiền mua cơm, không ai cho hay nợ ai điều gì. Như thế mọi người đến ăn sẽ cảm thấy thoải mái hơn", anh Sơn giải thích.
Trước quán cơm Yên Vui tại Hà Nội, Quỹ đã mở 13 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành khác ở miền Nam và miền Trung; sắp tới dự kiến mở thêm nhiều quán cơm nữa tại địa bàn khó khăn trong thành phố Hà Nội.
Nguyễn Ngoan