- Chị xây dựng tạo hình cho vai bà Xuân thế nào?
- Khi đọc kịch bản, các diễn viên sẽ phải nghiên cứu về vai diễn, tóm tắt lý lịch nhân vật xem gia cảnh, môi trường sống thế nào, học thức, các mối quan hệ ra sao... Từ đó chúng tôi sẽ có tư duy của riêng mình về trang phục của nhân vật. Giống vai Ngân trong phim Đừng bắt em phải quên trước đó, với vai bà Xuân, tôi cũng tự mình chuẩn bị phục trang. Tôi muốn thông qua việc xây dựng tạo hình nhân vật để thể hiện kỹ năng, gu thẩm mỹ của bản thân, đồng thời chọn được trang phục phù hợp với mình nhất.
Sau khi đã có hình dung về nhân vật, tôi bắt đầu dành thời gian tìm đối tác tài trợ trang phục, đa phần là các thương hiệu thiết kế thân thiết. Bên cạnh đó, tôi cũng sắm một số bộ mới và tìm lại quần áo có sẵn trong tủ đồ của mình. Toàn bộ quá trình này tôi của tôi diễn ra trong khoảng một tháng, đồng thời các diễn viên cũng phải hoàn thiện khâu trang phục một tháng trước khi phim bắt đầu bấm máy.
- Chị đầu tư số lượng trang phục thế nào cho vai diễn này?
- Tôi chia diễn biến tâm lý nhân vật của mình thành 3 phần và chọn lựa trang phục cho phù hợp với tính cách, hoàn cảnh của từng phần đó. Bà Xuân vốn là phu nhân nhà giàu nhưng có tính cách rất phù phiếm. Ở phần 1 của bộ phim, có thể thấy bà Xuân luôn diện những trang phục diêm dúa, lòe loẹt. Từ phần 2, nhân vật dần có sự thay đổi trong suy nghĩ, vì vậy quần áo cũng bớt màu mè, cầu kỳ hơn. Càng về sau, trang phục tôi chọn cho bà Xuân càng nền nã và thanh lịch, tượng trưng cho sự trưởng thành trong con người của nhân vật này. Với mỗi phần như vậy, tôi chuẩn bị ít nhất khoảng 20 bộ.
Trước khi phim bấm máy, tôi phải chuẩn bị số lượng trang phục xấp xỉ cả trăm bộ. Trong quá trình quay, nếu trang phục không phù hợp, tôi lại liên hệ với các nhãn hàng để tìm phương án thay thế, hoặc bổ sung luôn từ quần áo cá nhân. Ngoài quần áo, tôi để ra một phần cát-xê để mua phụ kiện như túi xách, giày dép cho phù hợp từng hoàn cảnh. Đây là một khoản đáng để đầu tư, vì vậy cũng tốn khoản chi phí không nhỏ.
- Khó khăn lớn nhất của chị khi chuẩn bị trang phục cho bà Xuân là gì?
- Ngoài đời thường, tôi có phong cách đơn giản, thiên về các gam màu trung tính, trong khi đó bà Xuân lại rất diêm dúa, lòe loẹt. Bình thường những trang phục như bà Xuân mặc, tôi không bao giờ sờ đến. Việc xây dựng tạo hình bà Xuân như vậy khiến tôi không sử dụng được quá nhiều váy áo có sẵn.
Tuy nhiên ngoài khó khăn, tôi cũng có không ít thuận lợi. Một số bộ cánh tôi mua từ 10 năm trước nhưng thấy già quá không mặc, giờ mặc lại thấy hợp. Khi mượn trang phục, tôi cũng lựa chọn đồ thiết kế có chất liệu tốt, kiểu dáng đẹp mắt. Nhờ vậy với từng cảnh quay, tôi giảm tối đa thời gian mix/match, chỉ cần đưa set đồ vào hoàn cảnh cho phù hợp, kết hợp thêm vài món phụ kiện là được. Tôi thấy rất hạnh phúc khi tạo hình nhận được nhiều nhận xét tích cực của khán giả.
- Chị từng gặp sự cố trang phục gì trong quá trình quay?
- Toàn bộ trang phục sau khi mượn xong, tôi sẽ giao cho tổ phục trang quản lý. Kết thúc rắc-co (raccord) nào, tôi thường trả luôn thương hiệu bộ đó để họ kịp giặt và bán hoặc trưng bày, một số bộ thích quá thì tôi sẽ mua luôn để mặc. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ như vậy. Vì nhiều lý do, một số trang phục phải 1-2 tháng sau mới trả lại được cho nhãn hàng.
Trong quá trình quay, tôi luôn chú ý để giữ gìn trang phục, dù vậy đôi lúc cũng có thể gặp sự cố. Trước mỗi cảnh quay, diễn viên đã tính toán hết để chọn trang phục sao cho phù hợp từng cảnh tránh gây nên các tình huống rách bẩn, hớ hênh... Tuy nhiên khi cảm xúc của mình ngoài tầm kiểm soát, cộng với tác động từ bạn diễn, chuyện ngoài ý muốn có thể xảy ra. Ví dụ trong cảnh bà Xuân giả vờ nhảy xuống bể bơi để tự tử ở tập 44, tôi bị một số khán giả phát hiện mặc váy rách nách. Thực ra trước khi quay, tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng rồi, nhưng trong quá trình giằng co, cộng thêm nước vào nên chiếc váy bị tụt chỉ. Đó chỉ là tai nạn, không ai muốn đưa việc hớ hênh mất thẩm mỹ lên màn ảnh cả.
- Một số khán giả chê bai trang phục của nhân vật Phương Nam. Quan điểm chị thế nào?
- Khi khán giả xem phim, tôi nghĩ việc khen chê trang phục của diễn viên là điều khó tránh. Người hâm mộ có thể vì quá yêu mến nhân vật mà muốn nhân vật được đẹp hoàn hảo, tuy nhiên cũng nên hiểu đẹp thế nào cho phù hợp. Mỗi nhân vật có hoàn cảnh, tính cách, điều kiện sống khác nhau, quần áo tất nhiên cũng phải được xây dựng đúng hướng đó. Phương Nam là một cô gái làm trong ngành xây dựng nên rất cá tính. Cộng thêm việc Phương Oanh thổi hồn vào nhân vật của mình biến Nam càng thêm độc đáo, mạnh mẽ. Một người như thế, hẳn Phương Oanh cũng phải suy nghĩ rất nhiều trong việc phục trang.
Khán giả có quyền chê của khán giả, còn diễn viên vẫn phải có chính kiến của riêng mình. Các diễn viên có trách nhiệm phải hoàn thành vai diễn theo lập trường, không phải cứ thấy khán giả chê mà lập tức thay đổi tư duy. Bản thân tôi, nếu trang phục nhân vật của mình bị chê, tôi sẽ lắng nghe ý kiến của khán giả. Nếu thấy họ nói đúng, tôi sẽ nhìn nhận lại và thay đổi dần, còn nếu cảm thấy những nhận xét đó không đúng với tâm lý của nhân vật thì tôi sẽ giữ vững lập trường. Suy cho cùng, mọi thứ thay đổi đều là để tốt lên, chứ không phải để tạo hình diễn viên bị "đẽo cày giữa đường".
- Nhiều người cho rằng nhân vật mặc xấu là do đạo diễn và tổ phục trang. Chị nói gì về điều này?
- Đạo diễn đã có quá nhiều thứ để lo, vì vậy không tham gia sâu vào khâu trang phục. Tổ phục trang cũng không có nhiệm vụ phải làm stylist cho các diễn viên. Ở phim Hương vị tình thân, tổ phục trang chỉ có 2 người. Họ có nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản số lượng trang phục quần áo khổng lồ cho ít nhất 10 nhân vật chính. Trong đó, có không ít bộ là trang phục tài trợ rất đắt tiền, một số món còn là hàng hiệu xa xỉ, đủ thấy công việc vất vả thế nào. Bên cạnh đó, tổ phục trang còn có vai trò ghi chép từng phân đoạn nhân vật sẽ mặc trang phục nào, chỉ trong một vài hoàn cảnh họ mới tham gia vào việc phối đồ để quần áo tránh bị trùng lặp. Việc diện trang phục như thế nào, vì vậy là do tư duy, gu thẩm mỹ của mỗi diễn viên.
- Chị nghĩ phục trang đóng vai trò thế nào trong một bộ phim?
- Trang phục không chỉ để khắc họa con người, tính cách nhân vật, còn chiếm khoảng 50% thành công của một bộ phim. Chắc không chỉ riêng tôi mà những khán giả xem phim nước khác như Hàn Quốc chẳng hạn, luôn rất để ý đến khâu trang phục của diễn viên. Tôi nghĩ tạo hình của nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng giúp phim được quan tâm hơn.
Tôi thấy càng ngày, trang phục trong phim Việt Nam càng được chú trọng, đương nhiên chưa thể so với nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, nhưng cũng đã tốt hơn trước và có nhiều thuận lợi cho các diễn viên. Một số vai diễn nếu bị nhận xét tiêu cực, có thể vì họ không tìm được một nguồn tài trợ trang phục phù hợp. Tất nhiên khán giả cũng cần hiểu không phải lúc nào diễn viên cũng mặc đẹp trên phim được, còn phải tùy hoàn cảnh của nhân vật nữa.