Theo bản án phúc thẩm ngày 27/7/2004 của TAND Tối cao, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có quán bán tạp hóa gần sân bóng thôn Me. Khoảng 16h ngày 15/8/2003, ông Chấn đi xe đạp chở hai thùng nhựa màu trắng (loại thùng đựng sơn) sang nhà chị Viễn cuối sân bóng xin nước.
Trên đường đi, Chấn có qua nhà chị Nguyễn Thị Hoan (39 tuổi, cách cửa hàng của Chấn khoảng 100 mét) thì thấy hai mẹ con chị đang ở trong. Thấy vậy, Chấn tiếp tục đạp xe đến nhà một người hàng xóm với chị Hoan là anh Minh thì thấy điện tắt không có ai ở nhà. Chấn đi tắt qua ruộng khoai lang để vòng về phía sau nhà chị Hoan.
Chấn lẻn vào thì thấy con chị Hoan (16 tháng tuổi) đang chơi trên giường, còn người phụ nữ đứng trước tủ quần áo. Thấy vậy, Chấn nói: “Hoan cho anh một cái” (ý nói cho giao cấu) nhưng người phụ nữ này không đồng ý và nói lại: “Anh đừng lằng nhằng, vớ vẩn”. Ngay sau đó, Chấn lao vào ôm chị Hoan từ phía sau, hai tay vòng lên ngực. Chị Hoan chống cự và cúi xuống lấy vỏ chai bia dưới nền nhà đập vào đầu Chấn thì bị giằng lấy chiếc vỏ chai bia này.

Ngày trở về của ông Chấn trong vòng tay gia đình.
Sau khi giật được vỏ chai bia, Chấn đập vào gáy người phụ nữ này nhưng do chai bia trơn đã tuột khỏi tay và rơi xuống đất vỡ. Lập tức, Chấn đè ngang người và quật chị Hoan ngã xuống đất. Tay trái của Chấn giữ tay chị Hoan, tay phải của Chấn thò vào túi quần quần soóc rút ra một con dao bấm (loại dao có bản rộng 2 cm, dài 10 cm) đâm nhiều nhát vào bụng, mặt và sườn nạn nhân.
Trong lúc bị đâm, nạn nhân có giơ tay lên đỡ khiến lưỡi dao bị gãy. Thấy mặt nạn nhân chảy quá nhiều máu, Chấn dùng chiếc gối che vào mặt, rồi tắt điện và bỏ trốn. Sau đó, Chấn đi về giếng của gia đình nhà anh Minh lấy dép và xe đạp để xuống nhà chị Viễn (hàng xóm) xin nước.
Sau khi chở nước về cho vợ bán hàng, Chấn về nhà mình (ở giữa làng) để tắm giặt, dùng xà phòng và bàn chải rửa sạch máu dính ở quần áo. Về chiếc chuôi dao, Chấn rửa sạch máu và cất vào tủ. Đến 21h cùng ngày, sau khi ăn cơm xong Chấn ra quán trông hàng cho vợ về ăn cơm.
Khoảng 22h cùng ngày, anh Nguyễn Hữu Thanh và Nguyễn Văn Mạnh (đều ở thôn Me) trên đường đi chơi về thấy cửa chính của gia đình chị Hoan hé mở, bên trong có tiếng trẻ con khóc nhưng không bật điện. Sau một hồi gọi chủ nhà không thấy ai trả lời nên Mạnh đã chạy vào nhà bà Hoàng Thị Hội (mẹ đẻ của Hoan thông báo). Nhận tin báo, bà Hội chạy đến thì phát hiện con chết dưới nền nhà với nhiều thương tích trên người.
Công an vào cuộc và Chấn thuộc diện nghi vấn bởi có những dấu hiệu bất minh trong quá trình sử dụng thời gian ngày xảy ra vụ án. Cơ quan điều tra xác định: “Bàn chân trái của Chấn tính gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường”.
Theo bản án, ngày 28/9/2003, Chấn đến cơ quan điều tra tự thú và khai nhận là người giết chết chị Hoan. Ngày 30/10/2003, cơ quan điều tra đã thực nghiệm hiện trường kết quả Chấn thực hiện thành thạo các động tác giết chị Hoan và phù hợp với lời khai, dấu vết tại hiện trường.
Với căn cứ trên, TAND Tối cao xác định "dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội do bị cáo gây ra". Tòa tuyên y án chung thân với bị cáo về tội Giết người.
Từ khi thụ án trong trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), phạm nhân Chấn có một số đơn kêu oan. Vợ ông cũng liên tục gửi đơn kêu oan cho chồng. Từ lá đơn của bà chuyển đến ngày 5/7/2013, VKSND Tối cao đã vào cuộc xác minh. Kết quả đã vận động được Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai là thủ phạm giết chị Hoan để cướp tài sản vào 10 năm trước.
Ngày 4/11, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã kháng nghị tái thẩm bản án với Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Viện cũng ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án với phạm nhân này.
Sáng 5/11, trả lời báo giới, người phát ngôn VKSND Tối cao cho hay: "Không ai muốn làm oan cho anh Chấn. Đây là sai sót về mặt khách quan". Ông này đánh giá đây là bài học xác đáng không riêng chỉ với ngành kiểm sát mà đối với tất cả các cơ quan tố tụng như kiểm sát viên, điều tra viên…
Việt Dũng