Bỗng chiếc máy lại kêu tút tút, hành khách lại nháo nhào. Nhưng bác tài vẫn tiếp tục phóng. Anh lái xe giải thích: "Khi máy tút những tiếng chậm hơn có nghĩa là đi qua bưu điện hoặc vùng có phủ sóng của quân đội. Máy bắn tốc độ của công an sẽ làm máy này kêu nhanh hơn".
![]() |
Thiết bị khá nhỏ, gọn này có thể chống lại súng bắn tốc độ của CSGT. |
Anh Long cho biết, người nhà của anh đã mua chiếc máy ở bên Mỹ với giá 200 USD và gửi về qua đường bưu điện. Nó có thể phát hiện được hoạt động của súng bắn tốc độ cách xe từ 1,2 đến 1,5 km, dư sức để tài xế đi chậm lại. Máy không có nhãn hiệu, chỉ ghi sản xuất ở Chicago. Một hành khách trên xe là Việt kiều Mỹ xác nhận điều này và cho biết hiện ở Mỹ máy này không sử dụng được nữa vì cảnh sát đã được trang bị loại súng bắn tốc độ hiện đại, máy cũng không phát hiện được.
Thiết bị chống máy bắn tốc độ chỉ nhỏ bằng một bao thuốc lá, khá nhẹ, sử dụng nguồn điện 12V trên xe, mặt trên có dòng chữ: "Cobra Laser Superwide". Có thể hiểu nguyên lý hoạt động của thiết bị này như sau: khi tia hồng ngoại từ súng bắn tốc độ của cảnh sát giao thông phát ra, chạm vào vật cản sẽ dội ngược lại, bộ phận thu sóng của thiết bị sẽ tiếp nhận và kích hoạt bộ phận phát ra tiếng kêu, dựa vào đó tài xế biết được phía trước mình có trạm kiểm soát để "đối phó".
H. Vũ, tài xế ngụ tại quận Phú Nhuận, cho biết, đã nhờ một người bạn mua từ Malaysia về, giá trên 150 USD. Nhưng loại thiết bị của anh Long xịn hơn vì có thêm chức năng hiển thị khoảng cách từ nơi phát sóng đến nơi gắn thiết bị.
Hiện ở TP HCM không phải tài xế nào cũng mua được chiếc máy phát hiện súng bắn tốc độ nếu không tìm đúng đường dây. "Với tôi, khó mấy thì cũng phải mua, còn hơn là cứ bị bắt tốc độ hoài, phạt và bấm lỗ", H.Vũ, nói.
Dù gắn thiết bị này trên xe, một số tài xế vẫn tin tưởng vào các báo hiệu bằng... tay hoặc bằng đèn của các tài xế đi ngược chiều. Ví dụ, xua tay là không có công an, còn chỉ tay xuống đất là công an ở phía trước. Trong chuyến đi công tác miền Trung mới đây, phóng viên VnExpress đã gặp hiện tượng các tài xế "nhường" nhau đi trước vì họ biết trước đoạn đường này thế nào cũng có một trạm kiểm soát, vì vậy những xe đi trước dễ bị "ngoắc vào" hơn. Cánh tài xế bây giờ tỏ ra khá cẩn thận, nhiều khi họ còn ra hiệu cho xe đi ngược chiều dừng lại để hỏi xem phía trước có bao nhiêu trạm, nằm ở địa phận nào, đứng một bên hay hai bên đường để có phương án xử lý thích hợp.
"Từ khi xài cái máy này tới giờ, tôi chưa bị bắt tốc độ lần nào. Nhờ có nó mà chiếc xe của tôi cũng được các anh CSGT đánh giá là con ngoan. Tôi chưa thấy xe nào gắn máy này mà bị cảnh sát phát hiện và tịch thu cả". H.Vũ tỏ ra hài lòng với "chiếc bùa hộ mệnh" của mình.