Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới (hay còn gọi Giáo hội Thống nhất) trở thành cái tên được quan tâm do thông tin mẹ nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe là thành viên. Theo các nguồn tin điều tra, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, cho biết anh ta thực hiện tội ác vì có thù oán với Giáo hội Thống nhất. Theo nghi phạm, mẹ anh đóng góp một khoản tiền lớn cho tổ chức này, khiến gia đình phá sản. Anh ta tin rằng ông Abe có mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức tôn giáo này và lên kế hoạch ám sát.
Hôm 12/7, trong cuộc họp báo ở Tokyo, Mạng lưới Luật sư Quốc gia chống Kinh doanh tâm linh cho biết cần phải chú ý nhiều hơn tới các vấn đề liên quan đến Giáo hội Thống nhất, bao gồm cả tiền thu được từ các tín đồ thông qua các chiến thuật kinh doanh tâm linh.

Luật sư Hiroshi Watanabe (phải) và luật sư Masaki Kito của Mạng lưới Luật sư Quốc gia chống Kinh doanh tâm linh tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 12/7 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun
"Là một hiệp hội đã chứng kiến những đau khổ, căng thẳng và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày mà các cựu thành viên Giáo hội này và gia đình họ phải trải qua, chúng tôi từ lâu đã giữ mối quan tâm sâu sắc về những vấn đề như vậy", Mạng lưới Luật sư Quốc gia chống Kinh doanh tâm linh cho biết.
Mạng lưới Luật sư đã phát hành các tài liệu về các cuộc tham vấn mà tổ chức và các trung tâm tiêu dùng địa phương nhận được từ những cá nhân mua những món đồ đắt tiền hoặc quyên góp lớn cho Giáo hội Thống nhất. Trong giai đoạn 5 năm tính đến 2021, khoảng 580 cuộc tham vấn đã được tổ chức về các khoản mua sắm hoặc quyên góp lên đến 5,4 tỷ yên. Trong khoảng 35 năm tính đến cuối 2021, đã có 34.537 cuộc tham vấn liên quan đến thiệt hại tiền bạc, lên đến khoảng 123,7 tỷ yên (902 triệu USD).
Các thành viên Giáo hội ở Nhật Bản "sẽ gõ cửa từng nhà và nói với chủ nhân rằng 'thân nhân quá cố của bạn đã liên lạc với chúng tôi và họ muốn bạn đến ngân hàng gửi tiền cho Giáo hội Thống nhất để linh hồn họ có thể thanh thản'", Steve Hassan, thành viên một thời của Giáo hội Thống nhất - người sau đó trở thành chuyên gia trị liệu sức khỏe tâm thần, tác giả một số cuốn sách về các tôn giáo độc hại, cho hay.
Masaki Kito, một trong những luật sư tham dự cuộc họp báo, cho biết các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh hoặc quyên góp tâm linh của Giáo hội Thống nhất vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay.
Một phụ nữ khoảng 40 tuổi nói trong cuộc họp báo rằng mẹ cô là thành viên viên tổ chức tôn giáo này. "Những gì Yamagami đã làm không thể được bảo vệ, nhưng tôi có thể hiểu lòng căm thù của anh ta với giáo hội này vì nó có khả năng hủy diệt cuộc sống của một người", cô nói.
Người phụ nữ giải thích rằng cô trở thành một thành viên của Giáo hội Thống nhất ở tuổi thiếu niên do ảnh hưởng của mẹ và tham gia một đám cưới tập thể vào năm 1995, khi cô kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc được Giáo hội chọn cho cô. Nhưng cô sau đó đã ly hôn vì bị chồng lạm dụng. Hiện cô không còn liên lạc với mẹ mình nữa.
"Tôi không thể hỏi ý kiến bất kỳ ai, kể cả bạn bè", cô nói. "Có một nỗi thống khổ mà chỉ những ai đã trải qua mới có thể biết được".

Một đám cưới tập thể do Giáo hội Thống nhất tổ chức ở Hàn Quốc hồi năm 2015. Ảnh: Reuters
Giáo hội Thống nhất được mục sư Sun Myung Moon thành lập năm 1954 với giáo lý dựa trên Kinh thánh nhưng với cách diễn giải mới. Trong nhiều thập kỷ, Giáo hội Thống nhất trở nên nổi tiếng với những đám cưới tập thể hoành tráng, thường được tổ chức tại các sân vận động khổng lồ với hàng nghìn cặp tham gia. Khi ông Moon qua đời năm 2012, vợ ông - bà Hak Ja Han Moon - giữ vai trò lãnh đạo.
Sau khi du nhập vào Nhật Bản năm 1958, Giáo hội Thống nhất đã phát triển hàng chục chi nhánh, trong đó có một cơ sở ở thành phố Nara, cách nơi cựu Thủ tướng Abe bị ám sát chỉ vài trăm mét. Ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch chi nhánh Nhật Bản, cho biết mẹ Yamagami gia nhập tổ chức vào khoảng năm 1998. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin khoản quyên góp của mẹ nghi phạm. Theo nguồn tin từ Yomiuri Shimbun, Giáo hội Thống nhất đã nhận khoảng 100 triệu yên từ mẹ Yamagami.
Ông Tanaka xác nhận cả nghi phạm Yamagami lẫn cựu Thủ tướng Abe đều không phải thành viên của giáo phái. Tuy nhiên, ông Abe từng xuất hiện tại các sự kiện liên quan đến Giáo hội Thống nhất với tư cách là một diễn giả được mời tới phát biểu và nhận thù lao. Gần đây nhất, hồi tháng 9 năm ngoái, ông xuất hiện trong một chương trình của Giáo hội, nơi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phát biểu qua video.

Ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch Giáo hội Thống nhất chi nhánh Nhật Bản trong cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 11/7. Ảnh: Mainichi
Ông Tanaka cũng thừa nhận tổ chức này từng gặp các vấn đề liên quan đến kinh doanh tâm linh nhưng hiện đã được giải quyết. "Đúng là chúng tôi đã gặp rắc rối liên quan đến các khoản quyên góp trong quá khứ. Nhưng từ năm 2009, khi nhà lãnh đạo lúc đó đưa ra một tuyên bố, thái độ của chúng tôi với các khoản quyên góp đã thay đổi".
Các nhà điều tra cho biết Yamagami khai ban đầu muốn nhắm mục tiêu vào người đứng đầu Giáo hội, nhưng từ bỏ vì nhận ra phương án này "quá khó". Yamagami sau đó chuyển mối hận thù sang ông Abe và đã theo dõi các chuyến đi vận động tranh cử cho đảng LDP của chính trị gia này. Yamagami nổ hai phát súng vào ông Abe trưa 8/7, lấy đi tính mạng của một trong những nhà chính trị có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản.
Sơn Nam (Theo Asahi Shimbun, Japan Times)