
Hôm 21/11, con trai đầu lòng - bé Henryk của MC Phương Mai và ông xã Marcin chào đời nặng 3,2 kg, tại một bệnh viện quốc tế ở TP HCM. Phương Mai hiện nuôi con bằng sữa mẹ và mừng vì nguồn sữa dồi dào, có ngay sau sinh. Chị luôn cảm thấy đói ngấu sau mỗi lần vắt sữa và thấy rõ bản thân xuống cân dù ăn rất nhiều.
- Trước ngày sinh một hôm, cổ tử cung của chị đã mở 1 cm. Vì sao chị vẫn quyết định sinh mổ dù đã có dấu hiệu sinh thường?
- Ngay từ ngày đầu mang thai, tôi và chồng đã thảo luận, thống nhất lựa chọn phương pháp sinh mổ dù có dấu hiệu sinh thường. Điều này có vẻ lạ lùng và không giống với lựa chọn của số đông nhưng chúng tôi mong muốn mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình. Hai vợ chồng không muốn bất kỳ rủi ro nào xảy ra với em bé hay bản thân tôi. Vì thế, dù có dấu hiệu sinh thường, tôi vẫn sinh mổ như đã định. Dẫu biết lựa chọn này sẽ khiến tôi mất nhiều thời gian bình phục hơn nhưng tôi thấy lựa chọn này hoàn toàn xứng đáng và giúp chúng tôi yên tâm hơn nhiều.
- Quá trình sinh nở của chị diễn ra như thế nào?
- Ca sinh mổ của tôi diễn ra rất nhanh chóng và thuận lợi. Tôi được vào phòng phẫu thuật lúc 14h30 và đúng 15h, tôi nghe tiếng em bé khóc oe oe.
Trong lúc làm phẫu thuật, bác sĩ cư xử nhẹ nhàng, liên tục trò chuyện, trấn an, giúp tâm lý của tôi được thoải mái. Một điều thuận lợi nữa là bản thân tôi đã chuẩn bị kiến thức và lên tinh thần cho ca sinh mổ. Chồng tôi - anh Marcin cũng luôn ở bên động viên vợ nên mọi thứ diễn ra rất dễ dàng. Đầu tiên, bác sĩ gây tê tuỷ sống cho tôi. Lúc ấy, tôi thấy không có gì đáng sợ hay đau đớn hơn một vết kiến cắn. Tất cả việc tôi cần làm là tập trung vào hơi thở của mình. Sau đó, tôi không còn cảm giác gì ở khu vực nửa thân dưới. Lúc này bác sĩ bắt đầu mổ bắt con. Tôi và chồng trò chuyện trong lúc chờ đợi. Cuối cùng, em bé được đưa ra ngoài, được y tá làm vệ sinh rồi da kề da với mẹ vỏn vẹn trong 15 phút từ lúc bác sĩ bắt đầu rạch đường đầu tiên.

Ông xã luôn túc trực bên hai mẹ con trong những ngày ở viện.
- Vậy trong 30 phút phẫu thuật, chị có gặp phải trở ngại nào?
- Có lẽ cơ địa tôi hơi mẫn cảm nên chịu tác dụng phụ của thuốc tê lúc đầu. Tôi có chút choáng váng, khó thở và hơi lịm đi, lơ mơ như ngủ gật. Vì thế, anh Marcin đứng bên lo lắng vì tự dưng không thấy tôi nói gì. Các bác sĩ túc trực xung quanh cũng nhận ra điều này, họ có hướng xử lý nhanh chóng và giải thích cho chồng tôi hiểu. Sau đó tôi bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy trên mũi, mặt. Vì vậy, thay vì việc lo sợ về ca mổ hay háo hức đón chờ con, tôi cứ lo ngọ ngoạy, chun mũi cho... đỡ ngứa, miệng không quên than thở với chồng về cảm giác khó chịu này.
- Cảm xúc của chị như thế nào khi nhìn thấy con?
- Tôi không phải trải qua quá trình rặn đẻ của việc sinh thường. Thay vào đó, tôi chỉ việc nằm chờ bác sĩ mổ lấy con. Vì thế, tôi nghĩ cảm xúc của mình sẽ không mạnh như những bà mẹ khác. Tuy nhiên, khi nghe thấy tiếng con khóc, biết con khỏe mạnh, thậm chí chưa được nhìn thấy con, nước mắt tôi cứ thế trào ra vì hạnh phúc, nhẹ nhõm và cả háo hức. Khi bác sĩ cho em bé da kề da với mẹ, tôi bắt đầu cảm nhận được sức nặng của bé, cử động của bé... Nói chung cảm giác khá phi thường. Tôi kinh ngạc với ý nghĩ: Wow, sự sống này đã nằm trong bụng mình bấy lâu nay!

Phương Mai có một thai kỳ thuận lợi và dễ dàng. Quá trình sinh nở cũng diễn ra theo đúng kế hoạch nhưng cô và ông xã không nghĩ sẽ sinh nhiều con. Cả hai đều kỹ tính nên lúc này chỉ muốn tập trung và ưu tiên mọi thứ tốt nhất cho bé Henryk.
- Việc tập đi sau sinh mổ là trải nghiệm khó khăn với nhiều bà mẹ. Còn với chị thì sao?
- Đau kinh khủng. Tôi hiểu việc tập đi một ngày sau sinh là rất quan trọng dù rất đau. Cơ thể cần trải qua cảm giác đau này để có thể hồi phục nhanh hơn. Thật ra lúc bước đi không khó khăn bằng khi chuyển từ trạng thái nằm - ngồi - đứng.
Vì tôi khá lì lợm nên luôn tìm cách từ chối sự giúp đỡ của mọi người, trừ khi thực sự cần kíp. Tôi quyết tâm tự đứng, tự vịn tường đi, tự ngồi dù ban đầu rất đau và khó khăn. Tôi lết từng bước, bụng thì khom khom, trông thảm thương, không dám cười vì sợ bục vết mổ. Y tá, anh Marcin hay bạn bè đến thăm thấy tôi đang đi mà tới gần tỏ ý giúp là lập tức bị đuổi về chỗ ngay. Thi thoảng chồng cũng lo lắng và trách mắng vì thấy tôi liều quá, bắt tôi phải nằm nghỉ nhiều hơn. Nhưng tôi biết rõ khả năng của mình nên vẫn kiên trì tập tiếp. Nếu cần, chồng lại giúp đỡ tôi, sau đó một tay tôi bám chồng, một tay bám tường, dò từng bước. Nghe tả thì khủng khiếp vậy thôi, chứ một ngày tôi cũng chỉ tập đi một vài lần, sau đó lại nằm nghỉ. Và quả thực cơ thể hồi phục rất nhanh. Qua ngày thứ hai, tôi đã có thể tự mình sinh hoạt mà không cần phụ thuộc vào người khác.
- Gia đình hỗ trợ chị chăm sóc em bé như thế nào?
- Bố mẹ tôi đã vào TP HCM từ lúc tôi có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, bố mẹ ở được vài hôm thì phải bay ra Hà Nội do mẹ có ca phẫu thuật cần thực hiện. Chồng tôi - anh Marcin, dành cả tháng ở nhà để chăm sóc vợ con cùng sự hỗ trợ của vú em.
Ngày đầu tiên sau khi con trai chào đời, tôi còn lóng ngóng không biết làm sao để dỗ con nhưng Marcin đã rất chuyên nghiệp. Anh thành thạo mọi thứ, từ việc bế con đến cho bé uống sữa. Trong những ngày ở viện, anh túc trực 24/24 để chăm sóc vợ.
Hằng Trần
Ảnh: Huy Bình