Thị trấn cổ Phượng Hoàng nằm ở góc Tây Nam, phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, dưới chân một ngọn núi dọc theo bờ sông Đà Giang. Do không bị ảnh hưởng bởi sự hiện đại hóa và được bảo tồn rất tốt nên thị trấn vẫn duy trì được ngôn ngữ dân tộc độc nhất, phong tục tập quán, nghệ thuật cũng như nhiều di tích kiến trúc đặc trưng theo phong cách của nhà Minh và nhà Thanh.
Thị trấn cổ cơ bản đã duy trì được nguyên trạng kể từ triều đại nhà Minh vào thế kỷ 14 và triều đại nhà Thanh vào thế kỷ 17 cho đến ngày nay. Có hơn 200 tòa nhà chung cư cổ, 20 con phố lớn nhỏ, 10 làn đường và ngõ hẻm cổ cũng như các bức tường thành cổ, tháp cổng thành cổ, giếng cổ, văn miếu, thi miếu, đền thờ tổ tiên… được bảo quản trong khu vực thị trấn cổ này, tất cả hầu như vẫn giữ được nguyên trạng.
Phượng Hoàng cổ trấn từng là một biên giới văn minh và hoang dã, được thành lập đầu tiên vào năm Chuigong thứ 2 dưới sự trị vì của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên (năm 686 sau CN). Vào năm Jiatai thứ 3 triều đại nhà Tống, một thị trấn bằng đất đã được xây dựng. Sau đó, thị trấn bằng đất lại được thay thế bởi một thị trấn bằng gạch từ cách đây hơn 450 năm, và một thị trấn cổ bắt đầu hình thành từ đó. Năm 1715, dưới triều đại của Hoàng đế Khang Hy, tất cả các tòa nhà bằng đá bên trong thị trấn cũng đã được hoàn thành.
Thi trấn cổ Phượng Hoàng nằm ở một khu vực miền núi xa xôi. Một bức tường thành đá đỏ bao dọc phong cảnh đồi núi nhấp nhô, xuôi theo các rặng núi và thung lũng. Tòa tháp thành cổ oai nghiêm và cao lớn đứng uy nghi, sừng sững với bốn cổng vào thị trấn và các tòa nhà được xây dựng theo phong cách cung điện, các khuôn viên tinh tế cũng như các khu nhà dân cư mang đậm lối kiến trúc Trung Hoa nằm dọc hai bên đường phố. Hàng chục con hẻm lát đá trải dài giữa các ngôi nhà, mỗi con hẻm lại cho thấy được dấu ấn mà bao thế hệ người dân đã sinh sống tại đây để lại. Các ngôi nhà sàn bằng gỗ nằm dọc bờ sông tương phản với phong cảnh núi Nam Hoa đẹp như tranh vẽ.
Do vị trí địa lý độc đáo của nó, Phượng Hoàng không bao giờ phải chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh hay thiên tai trong hàng trăm năm qua. Kể từ cuộc nổi dậy của người Miêu vào năm 1795 cho tới cuộc nổi dậy Getun trong năm 1937, đã xảy ra hàng chục cuộc chiến tranh, tuy nhiên chúng không hề ảnh hưởng đến thị trấn cổ. Ngay cả trong cuộc kháng chiến chống xâm lược của Nhật Bản, thị trấn Phượng Hoàng cũng không bị ném bom không khí hoặc bị quân Nhật chiếm đóng. Trong năm 1949, Phượng Hoàng đã được giải phóng trong hòa bình. Trong 50 năm tiếp theo, Phượng Hoàng bị ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng kinh tế quy mô lớn diễn ra ở các huyện khác. Khi người dân ở thị trấn cổ ý thức được rằng đây là một di sản văn hóa đặc biệt bởi giá trị văn hóa đặc trưng của mình, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ tất cả các hoạt động xây dựng và do đó đã bảo tồn thành công diện mạo của thị trấn cổ.
Cách đến Phượng Hoàng Cổ trấn
Từ Nam Ninh, du khách có thể mua vé tàu số hiệu 2012 để tới ga Cát Thủ. Xuống ga là có xe buýt đi Phượng Hoàng chờ sẵn, khoảng cách chừng 55 km, giá vé là 15 tệ (khoảng 32.000 đồng/khách). Di chuyển bằng phương tiện công cộng khá thuận lợi, tuy nhiên nên có người phiên dịch để giao tiếp bằng tiếng Hoa.
Nhà nghỉ, khách sạn ở Phượng Hoàng dao động từ 40 đến 70 tệ/ phòng đôi, đồ ăn phong phú và đa dạng, các cửa hàng bán đồ tiêu dùng và lưu niệm rất nhiều. Ít nhất cũng phải dành từ 2 đến 3 ngày để khám phá thị trấn cổ này.
Trương Thu Cúc tổng hợp