Sau hai năm vắng bóng, Phương Anh Đào tái ngộ khán giả qua phim Vô diện sát nhân. So với hình ảnh an toàn, kín tiếng trước kia, cô chuyện trò cởi mở hơn và sẵn sàng trải lòng về những góc khuất của riêng mình. Nữ diễn viên nhắc đến mối tình cũ bằng giọng bình thản nhưng đầy trân trọng. Còn trước những câu hỏi về gia đình, cô không giấu được nước mắt.

Sau hai năm vắng bóng, diễn viên Phương Anh Đào trở lại màn ảnh với vai chính trong phim chiếu rạp 'Vô diện sát nhân'.
- Vài hôm trước, chị đăng ảnh một chàng trai trẻ lên phần story của Facebook, đính kèm dòng chữ "My boy (chàng trai của tôi). Mãi yêu". Nhiều người tò mò đó có phải bạn trai của chị không. Rốt cuộc đó là ai?
- Không phải người yêu tôi, là em trai tôi. Sau rất nhiều năm, hai chị em mới tìm lại được sự kết nối và cùng ăn sinh nhật. Một điều trùng hợp rất vui là sinh nhật năm nay của em trùng với ngày phim Vô diện sát nhân tôi đóng chính ra rạp.
Một trong những điều khó khăn nhất trong cuộc sống của tôi là không thể nói chuyện được với em trai, không chỉ dẫn được em, không làm em đủ tin tưởng để chia sẻ. Tính tôi xưa nay nặng lòng với gia đình. Những trục trặc với người thân đã chi phối tinh thần của tôi rất nhiều.
- Làm chị mà không nói được em, chị cảm thấy thế nào?
- Tôi bất lực. Càng cố gắng tôi càng nhận ra sự quan tâm, đốc thúc của mình chính là áp lực với em, đẩy mối quan hệ giữa chúng tôi tệ hơn. Tôi cố chấp răn dạy em nhưng không bận tâm đó có phải thực sự thứ em muốn.
Một thời gian, tôi quyết định buông tay. Buông không phải là bỏ đi không đoái hoài, tôi vẫn âm thầm theo dõi. Tôi tin ai cũng cần có hành trình của riêng mình. Đi qua hành trình ấy, mỗi người sẽ thay đổi suy nghĩ. Và thực sự, mọi chuyện đã đổi khác. Hiện giờ tôi hạnh phúc khi gắn kết trở lại với người thân.
- Trong khi chị và em trai không tìm được tiếng nói chung, bố mẹ chị phản ứng thế nào?
- Tôi tin không gia đình nào không có nỗi khổ riêng. Ngày xưa, tôi thấy ba mẹ không thương mình. Ba mẹ ít quan tâm tôi, chỉ lo cho em trai. Tôi chưa bao giờ oán trách nhưng nhiều năm tôi sống trong cảm giác tủi thân. Nói chuyện hôm nay nhưng cảm xúc của tôi dễ cộng dồn những tổn thương của hôm qua. Định kiến chúng tôi dành cho nhau, mâu thuẫn giữa chúng tôi cứ đầy lên.
- Được biết, lúc nhỏ chị sống xa bố mẹ. Thêm cảm giác thiếu thốn tình thương và sự quan tâm như vậy, giữa chị và bố mẹ đã có khoảng trống tình cảm ra sao?
- Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi khó khăn lắm, ba mẹ không đủ sức nuôi hai đứa con. Tôi về Cà Mau ở với ngoại, còn em trai sống cùng ba mẹ ở một thị trấn thuộc Bạc Liêu. Sau này ngoại mất, tôi mới về sống cùng ba mẹ.
Từ lúc còn bé xíu đến khi 8-9 tuổi là khoảng trống tình cảm quá lớn với một đứa trẻ. Hình ảnh của ba mẹ trong lòng tôi khi ấy rất mờ nhạt, vì tôi chỉ biết ba mẹ đi làm ăn xa. Một năm, tôi gặp ba mẹ một, hai lần, lúc gặp ba thì không có mẹ, lúc gặp mẹ thì không thấy ba (khóc).
Từ nhỏ đã sống xa cách như vậy nên tôi không có thói quen chia sẻ. Ngay cả khi về ở cùng ba mẹ và em trai, tôi cũng cảm giác xa lạ, dù biết đó là máu mủ ruột thịt của mình. Mẹ đã buồn vì tôi rất nhiều. Mẹ từng than với người trong gia đình: "Tại sao con bé Đào làm gì cũng không hỏi ý kiến em, không bao giờ tâm sự với em?".
Một thời gian, ba tôi bệnh rất nặng, bác sĩ trả về nhà. Chúng tôi tưởng ba không qua khỏi, chỉ biết cầu trời khấn Phật. Mẹ tôi vất vả lắm, hằng ngày sắc thuốc, chăm ba tôi, vẫn đều đặn nấu xôi, làm bánh để bán hàng, lại chăm hai đứa con.
Nhưng ở tuổi vị thành niên khi ấy, tôi không hiểu hết được sự tảo tần của mẹ. Lớn rồi, tôi nhận ra mình đã sống quá vô tâm, mình làm con nhưng đòi hỏi quá nhiều. Ba mẹ đã hy sinh nhiều cho chị em tôi. Tôi làm con lần đầu thì ba mẹ cũng làm ba mẹ lần đầu, ai cũng phải học cách làm tròn thiên chức của mình.
Qua nhiều xung đột, tôi mới hiểu ba mẹ quá yên tâm về mình, lúc nào cũng tin con bé Đào có thể làm tốt việc này việc kia. Tôi quen độc lập từ nhỏ, tính tình hướng nội, hơi khô khan và lạnh lùng với người xung quanh. Chuyện vui tôi kể, chuyện buồn tôi giấu cho riêng mình. Với những chuyện khó nghĩ, khi nào đi qua được rồi tôi mới nhắc tới. Chắc vì lẽ đó, ba mẹ thấy tôi cứng rắn nên ít hỏi han.
Dù không có những gắn kết kỷ niệm, đó vẫn là những người tôi mang ơn sinh thành. Tôi hay bảo với bạn bè nếu không cảm nhận được tình thương từ ba mẹ, chúng ta nên nhìn vấn đề từ góc độ chính mình. Mình không vun đắp, làm sao mối quan hệ tốt đẹp được? Khi nảy sinh mâu thuẫn, tôi chỉ bận tâm cảm xúc của mình mà bỏ qua cảm nhận của người khác. Tôi đã chỉ nghe mà không lắng.

Phương Anh Đào nói cô sống nặng lòng với gia đình, sớm tự lập và giúp bố mẹ trả nợ.
- Hiểu được điều đó, chị làm sao chữa lành mối quan hệ với gia đình?
- 18 tuổi lên Sài Gòn, tôi tự nhủ bằng mọi cách phải tồn tại được ở mảnh đất này để bù đắp cho ba mẹ. Cuộc sống xa nhà làm tôi thấm thía giá trị nguồn cội và trân trọng bữa cơm nhà hơn. Ngày trước, mỗi năm tôi chỉ về nhà một lần vì quê tôi quá xa, đi xe mất khoảng 7 tiếng. Nhưng hiện giờ, tôi cố gắng mỗi năm về với ba mẹ ba, bốn lần.
Có những câu nói bạn có thể thường xuyên nói với người ngoài nhưng trao gửi người nhà chưa bao giờ là dễ. Nói "Con cám ơn mẹ", "Con thương ba mẹ nhiều", "Con nhớ ba mẹ" là tôi ngượng miệng lắm. Nhưng tôi làm quen dần vì tôi biết điều đó làm ba mẹ hạnh phúc. Mọi thứ thật khó nhưng tôi cố gắng thay đổi dần, học cách mở lòng hơn. Gần đây, mọi người bảo tôi nói nhiều hơn và chịu khó chia sẻ hơn rồi.
- Vậy chị đã làm những gì để thực hiện mong muốn bù đắp cho bố mẹ?
- Tôi đã trả nợ cho gia đình, chăm lo cho cuộc sống của ba mẹ tốt hơn và gần đây xây nhà cho ba mẹ. Thực ra, ba mẹ không đòi hỏi gì ở tôi nhưng tôi tự thấy mang nghĩa vụ của đứa con cả. Bạn bè bảo tôi nên bớt ôm đồm trách nhiệm và sống vì mình hơn. Nhưng biết sao được, tính tôi xưa giờ vậy rồi!
Hiện tại, tôi vẫn ở nhà thuê nhưng cuộc sống của tôi ổn thỏa. Nhiều lần, tôi đề nghị được đón ba mẹ lên đây sống cùng để tiện chăm sóc và cho ba mẹ sống thoải mái hơn. Nhưng ba mẹ đã quen 20 năm kiếm sống bằng quán ăn ở quê và có hàng xóm, sợ lên thành phố sẽ buồn.
Bây giờ mỗi lần về chơi nhà, tôi vẫn dậy từ 5-6h sáng theo mẹ đi bán xôi, y như hồi còn bé. Thấy ai trêu có con làm diễn viên mà vẫn thích bán hàng, ba mẹ tôi đùa lại: "Nó có tiếng mà chưa có miếng" (cười). Gia đình tôi đều không ngại chuyện này. Nếu bạn xấu hổ về xuất phát điểm của mình mới là sai. Mình đi lên từ đâu, mình phải tri ân ở đó. Lớn lên trong môi trường như vậy, tôi càng trân trọng giá trị của lao động và đồng tiền. Ngoài cuộc đời còn nhiều người khó khăn hơn tôi. Tôi mong trải nghiệm của tôi cho họ thêm niềm tin để vươn lên.
Phương Anh Đào khóc khi kể về tuổi thơ xa cách bố mẹ. Video: Phong Kiều
- Chị tự nhận khô khan và lạnh lùng, khó bày tỏ cảm xúc với người thân. Có người nhận định phụ nữ quá độc lập và mạnh mẽ khó tìm được người đàn ông bên cạnh. Cũng có người cho rằng phụ nữ mạnh mẽ đến mấy khi yêu cũng bé bỏng như một con mèo. Vậy với tính cách của mình, chị có trải nghiệm yêu đương thế nào?
- Tôi cũng nghe nhiều người nói vậy. Nhưng rõ ràng tôi không cần 10 người yêu, tôi chỉ cần một người thực sự hợp với mình, yêu mình, nhìn thấu con người bên trong của mình và nguyện lòng ở lại bên mình. Khi yêu tôi cũng nữ tính, tình cảm và lãng mạn lắm. Có điều, tôi không lụy tình. Ngay từ mối tình đầu bị phản bội, tôi đã mạnh mẽ đối mặt và bước ra khỏi cảm xúc của mình.
- Nói vậy là với tính cách mạnh mẽ và thói quen một mình lo liệu tất cả, chị không khó khăn để đi qua những chia ly?
- Thực tế ngược lại. Tôi sống thiên về cảm xúc, đã đi qua đủ mọi hỷ, nộ, ái, ố của đời sống. Đứng trước chia ly, tôi buồn chứ, nhưng tôi chỉ rơi nước mắt khi một mình. Nhiều khi, tâm trạng tôi tụt dốc và có lúc, tôi đã nghĩ mọi thứ trên đời không còn quan trọng, kể cả thân xác này. Nhưng đó chỉ là tâm tư trong phút chốc.
Tôi trở về trạng thái "một mình" khoảng một năm trước. Mối tình đó kéo dài bốn năm, là mối quan hệ dài nhất tôi từng có. Chúng tôi có lúc tan - hợp nhưng trong bốn năm, tôi chỉ có một người. Sau một mối quan hệ dài như vậy, ai cũng cần thời gian để tự chữa lành và sắp xếp lại cuộc sống riêng.
Cảm xúc của tôi đã rất xáo trộn nhưng tôi tập điềm tĩnh. Tôi đủ tỉnh táo để hiểu nếu hai người ở bên nhau không có tương lai thì dù đau lòng cỡ nào, tôi cũng phải rời đi. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy hạnh phúc vì tôi và người ấy đã cùng nhau đi đến tận cùng mọi cảm xúc, đã cố gắng vì nhau và không có gì phải hối tiếc.
Tôi nghĩ mọi người đừng sợ buồn. Bản chất cuộc sống phải có thăng trầm. Không ai mãi vui, mãi khỏe, mãi suôn sẻ. Nếu vậy thì, chúng ta cứ tận hưởng nó đi. Buông bỏ dễ lắm, chiến đấu tiếp với cuộc sống khó nhưng đáng giá.

Qua nhiều sóng gió, nữ diễn viên học cách chia sẻ và sống mở lòng hơn.
Phong Kiều thực hiện