Các cô dâu Việt vừa chờ khách đến “chọn hàng” vừa tranh thủ học tiếng Hoa tại "bể kính" của một trung tâm môi giới. |
Trên trang web của Công ty Life Partner Matchmaker (LPM), một công ty tự hào là "người sáng lập ra phong trào lấy vợ Việt Nam tại Singapore", bắt gặp nhiều hình ảnh phụ nữ VN được trưng bày với những dòng chú thích phản cảm đi kèm các "dịch vụ môi giới" mà thực chất là những vụ buôn người không hơn không kém.
"Cô dâu Việt Nam" đang là "hàng nóng" tại các website môi giới hôn nhân của Singapore. Cả trang web ngồn ngộn hình ảnh những cô gái Việt Nam trong đủ các tư thế đứng, ngồi, trang điểm đậm đà bên cạnh những lời quảng cáo hết sức phô: "Gái Việt Nam còn trinh", "Gái Việt Nam thích lấy chồng Singapore/Malaysia/Hong Kong"...
Click vào mục "Gái Việt Nam", ngay lập tức hiện ra một danh sách gần 90 bức ảnh các cô gái được chia làm 3 dạng: đang chờ kiếm chồng, đã kiếm được chồng và cả "hàng mẫu".
Còn trong phần tự giới thiệu, LPM "khoe" khả năng tìm được hơn 1.000 cô dâu Việt cho đàn ông Sing, Malaysia và Hong Kong. Các cô này đa số đến từ nông thôn, được bảo đảm "trong trắng 100%" cùng với những "tính chất tốt đẹp" khác đủ thỏa mãn bất kỳ khách hàng khó tính nào chỉ trong một chuyến "du tuyển" 5 ngày 4 đêm.
Công ty này còn quảng cáo dịch vụ trọn gói cho chuyến đi đó: "Sẽ sắp xếp cho bạn gặp hơn nghìn cô dâu tương lai để tha hồ lựa chọn", bao ăn ở cho "chú rể" trong suốt chuyến đi, tiền chi cho cha mẹ cô dâu, giấy bảo đảm còn "gin"... "Chú rể" chỉ cần đặt cọc 888 đô Sing, phần còn lại chỉ phải trả nốt sau khi đã chọn "hàng", đồng ý cưới và được phép hủy đám cưới, chọn cô khác nếu bác sĩ không chứng nhận cô dâu "còn nguyên" hoặc hoàn toàn khỏe mạnh.
Trên trang chủ và một số link khác, LPM còn giới thiệu một album ảnh về Việt Nam để cho các "chú rể" biết "những cô gái Việt của chúng ta sống trong tiêu chuẩn như thế nào". Đó là những bức ảnh về làng quê Việt Nam, những căn nhà sàn lụp xụp trên sông với lời chú thích: "Cô dâu Việt Nam nghèo khổ sống trên mảnh đất vô chủ ven sông" hoặc những bữa ăn kham khổ, cảnh sinh hoạt, tắm giặt bên bờ sông như minh họa cho "hoàn cảnh tội nghiệp, điều kiện sống thấp" của những cô dâu Việt được trưng bày hình ảnh trên trang web.
Với cách "giới thiệu" đầy ngụ ý, những hình ảnh cố ý làm tôn lên sự chênh lệch về mức sống, hiểu biết như thế, liệu có "cô dâu Việt Nam nghèo khổ" nào được đón nhận với sự tôn trọng đúng mực từ các chú rể nước ngoài?
Không khó tìm những website có nội dung tương tự, chỉ cần gõ vài từ khóa là bạn sẽ bắt gặp hàng đống trang web sặc sỡ, đầy ắp thông tin, hình ảnh và vô số lời rao về "cô dâu Việt Nam nghèo khổ, xinh đẹp". Những con số khô khốc về giá cả dịch vụ, chi phí cho nhà gái bên cạnh những hình ảnh mơn mởn của các cô gái Việt Nam tạo nên một sự khập khiễng đến xót xa.
(Theo Thanh Niên)