Trương Anh Ngọc
Đối với Mario, bạn mình, người đang vừa nấu ăn, vừa huýt sáo trong ảnh này, những ngày như kiểu 8/3 không tồn tại, vì ngày nào của anh cũng là 8/3 hết. Anh vào bếp phụ vợ, có những món anh trực tiếp xử lý và rất nhiều việc vặt khác trong nhà, anh làm hết. Không phải vì chị vợ lười nhác việc nhà, mà họ phân công nhau làm. Họ không coi đó là trách nhiệm, mà là niềm vui của cuộc sống gia đình.
Những người như Mario ở bên này nhiều lắm. Những người đàn ông mình quen ở đây (rất nhiều) đều như thế. Một bác năm nay đã hơn 70 tuổi nói với mình rằng, người Italy rất hợp tác với nhau trong cuộc sống gia đình. Ai cũng có thể vào bếp (và thích vào bếp), ai cũng hỗ trợ vợ con trong công việc gia đình, như là một điều rất bình thường, hiển nhiên. "Nếu anh không xác định sẽ lập gia đình và có con, anh sống thế nào tùy thích, đừng vi phạm pháp luật là được", ông nói. "Nhưng những người đàn ông đã có gia đình thì rất "gia đình". Nếu không sống vì gia đình thì đừng lấy vợ và có con nữa. Người Phương Tây thường lập gia đình muộn là vì thế".
Cái sự "rất gia đình" ấy thì mình chứng kiến rất nhiều, như nhà Mario, như những ngày cuối tuần, khi người Italy đưa con nhỏ đi chơi công viên, hoặc đưa chúng đi đến các trung tâm thể thao. Bố mẹ dành cả ngày cho con, xem con thi đấu là điều bình thường. Những nhà có nhiều con thì chia nhau ra đưa con cái đến các trung tâm thể thao. Hiếm thấy một gia đình nào không có con học ngoại khóa hoặc chơi thể thao.
Sự bình đẳng trong các quan hệ và công việc gia đình được xem là một điều hiển nhiên, không bàn cãi. Vì ở thế giới văn minh, những thứ về phụ nữ mà người ta vẫn nói đến không phải ở tầm thấp như ở Việt Nam ta, khi ở nhiều gia đình, chuyện đàn ông làm một điều gì đó trong nhà đã là một chuyện hiếm, khi xã hội vẫn mặc nhiên coi việc chăm sóc và hỗ trợ chồng con và các thành viên của hai bên gia đình nội ngoại là trách nhiệm hoàn toàn của người phụ nữ, mà họ hướng đến những điều lớn hơn, thuộc về quyền của phụ nữ, cũng là quyền của con người.
Trong khi ở mình, chúng ta còn mải tranh luận với nhau xem đàn ông vào bếp có bị mặc váy không, chiều vợ có bị mất mặt với đám bạn nhậu không, đàn ông rửa bát có phải là bất thường không, và những ngày 8/3 trở thành một ngày lễ của quà cáp, sự tung hô theo kiểu nói cho vui là "vùng lên" (Tại sao lại phải vùng lên, nghiễm nhiên thừa nhận là 363 ngày còn lại họ ngoi ngóp dưới đáy?), thì ở đây, 8/3 lại là một sự nhắc nhở đến những quyền của phụ nữ. Đấy là đòi hỏi sự đối xử tốt hơn trong lao động và việc làm, thu nhập, hệ thống chính trị; đòi quyền được tiếp cận tri thức và chống lại những hình thức bạo lực nhắm vào phụ nữ từ đàn ông.
Đấy là lý do tại sao phụ nữ Italy không ăn mừng hay chờ quà của ai đó vào ngày này (có gì vui để mà ăn mừng nhỉ, khi bất công còn tồn tại và quà họ chờ đợi là quyền, là sự bảo vệ trước bạo lực?), mà người ta xuống đường, tuần hành, bãi công, mít tinh. Hạ viện Ý còn để cờ rủ như là nước Italy đang có quốc tang: họ làm thế là để tưởng nhớ đến gần 160 phụ nữ bị giết hại vào năm ngoái, 60% trong số đó bị chồng hoặc người tình giết chết. Xã hội văn minh (Ý là một trong những nước đầu tiên trên thế giới bỏ án tử hình), nhưng vẫn còn rất nhiều góc khuất, và những bi kịch vẫn tồn tại. Treo cờ rủ, chứ không phải là nêu lên các khẩu hiệu và chúc mừng (có gì vui để mà chúc mừng) để nhắc nhở đến những người phụ nữ vẫn bị chà đạp.
Nhiều người ở mình vẫn sẽ cứ ăn mừng, để rồi ngày mai, nhiều phụ nữ sẽ lại trở về với những gì họ đã quá quen thuộc, nghĩa là cắm mặt vào những việc nhà, trong lúc tình trạng bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội với phụ nữ của ta không giảm. Trong khi ấy, đủ thứ định kiến và quan niệm của một xã hội vẫn trọng nam khinh nữ vẫn bủa vây lấy họ, không cho họ vươn lên...