Chỉ cần có tiền, chứng minh thư giả và cả sự thiếu hiểu biết về mối nguy hiểm của rượu nặng, các học sinh trường quốc tế đã có thể dành trọn những buổi tối thứ sáu la cà quán bar hay hộp đêm ở Lan Quế Phường. Việc này đang trở thành một xu hướng mới trong giới trẻ Hong Kong.
Dưới ánh sáng mờ ảo của hộp đêm, Lily uống cạn lần lượt 4 chén rượu vodka xếp thành hàng trên bàn trong tiếng hò reo, cổ vũ của bạn bè. Họ vây quanh Lily để hò hét và ghi lại chiến tích của cô gái 14 tuổi rồi đăng lên Snapchat. Trong một video, Lily được trông thấy đang uống chén cuối cùng và nở nụ cười chiến thắng, trước khi kéo lũ bạn ra sàn nhảy.
Lily vốn là học sinh một trường quốc tế. Nữ sinh người Hong Kong cho biết, đó là "một buổi tối thứ 6 điển hình" của cô và bạn học. Ở Hong Kong, 18 tuổi mới được phép uống rượu, thế nhưng cô tự xem mình là trường hợp bình thường trong quán bar ở Lan Quế Phường và khu hộp đêm của quận trung tâm Hong Kong. Lily cho hay, buổi tối tiệc tùng hàng tuần gồm các hoạt động: uống rượu, hút thuốc và "quan hệ" là chuyện "thường ngày ở huyện" ở lứa tuổi của cô. Trong lúc chia sẻ về sự thật cuộc sống về đêm của người trẻ ở Hong Kong, Lily không quên yêu cầu người viết giấu tên thật và trường cô học vì sợ có thể bị nhận ra.
Trong một nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hong Kong hồi năm ngoái, độ tuổi trung bình của những người được hỏi lần đầu tiên uống rượu là 10,9 tuổi. Các bác sĩ cho rằng việc uống rượu có thể gây tổn hại tới hệ thống thần kinh trung ương của các thanh thiếu niên đang ở giai đoạn phát triển quan trọng, khiến họ bị tổn thương não và có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của các em.
Dù biết hậu quả của những bữa tiệc đêm trác táng, Lily vẫn tự an ủi bản thân mình rằng văn hóa uống rượu và đi hộp đêm của học sinh trường quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho cô.
"Uống say không phải là mục tiêu duy nhất. Đi bar, bạn sẽ quen biết thêm nhiều người và hòa đồng với người mà bạn thấy khó chịu lúc đầu. Nó cũng cho phép bạn có nhiều kinh nghiệm uống rượu hơn và nhờ những buổi tiệc này, bạn sẽ biết chính xác tửu lượng của mình", Lily nói.
Theo Lily, có kinh nghiệm thực tế, cô sẽ hòa nhập dễ hơn lúc bắt đầu cuộc sống của sinh viên đại học. Cô sẽ bị đặt vào tình huống tất cả mọi người đều biết uống và chẳng quen một ai. Có trải nghiệm rồi, Lily sẽ dễ dàng kết bạn và không bị lạc lõng.
Sky Siu, giám đốc điều hành Tập đoàn Hỗ trợ KELLY, cho biết người trẻ nhận thức được ma túy nguy hiểm nhưng không nhận ra rượu cũng gây nghiện.
"Chúng ta có thể nhìn thấy thái độ này đang thay đổi. Người trẻ ngày càng nghĩ uống rượu là bình thường. Đó là cách để quảng giao và cũng là một phần của lối sống ngày này", Siu nói. "Trong ba năm trước, vấn nạn uống rượu ở tuổi dưới vị thành niên đã được nhìn nhận nghiêm túc. Các bậc phụ huynh cũng nhận thức và quan tâm hơn tới vấn đề đó".
KELLY là một tổ chức phi chính phủ được thành lập cách đây 25 năm. Đối tượng hướng đến của KELLY là người trẻ từ 14 đến 24 tuổi. KELLY tổ chức hội thảo, chương trình về lạm dụng ma túy, rượu cồn bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Anh, với mục đích cung cấp kiến thức và giảm thiểu tác hại. Những chương trình như vậy thường có sự tham dự của phụ huynh và học sinh.
"Đó là cách chúng tôi tiếp cận họ", Siu nói.
Siu cho rằng người trẻ đặc biệt dễ tổn thương khi trải nghiệm những thay đổi, như chuyển từ cấp một lên cấp hai.
"Đó là khoảng thời gian các em bắt đầu khám phá, tìm ra cá tính của mình và nhóm bạn. Lý do chính đằng sau những quyết định của chúng là sức ép bạn bè, mong ước được tán gẫu và là một phần của thứ gì đó còn lớn hơn bản thân mình", Siu kết luận.
Tommy Fong, giám đốc Hiệp hội Lan Quế Phường, đại diện các quán bar, nhà hàng ở khu vực này, khẳng định, các đối tác không bán rượu cho trẻ chưa vị thành niên.
"Họ sẽ hỏi chứng minh thư nếu cần. Các nhà hàng, quán bar ở Lan Quế Phường biết việc bán rượu cho trẻ em là phạm pháp", Tommy nói.
Tuy nhiên, các quán bar có thể dễ dàng bị qua mặt bởi công nghệ làm giấy tờ giả chất lượng cao.
"Chúng tôi biết việc sử dụng chứng minh thư giả. Đây là Hong Kong", Siu cho hay.
Trở lại với những buổi tiệc cuối tuần của Lily. Một buổi tối thứ 6 điển hình của cô thường bắt đầu lúc khoảng 17h. Lily sẽ tới gặp bạn bè cùng khóa rồi cả nhóm sẽ "lên nóc nhà". Họ thường lên nóc tòa tháp ở Vịnh Causeway và hút thuốc lá điện tử. Đó là lúc Lily và nhóm bạn buôn chuyện để giải tỏa những bức xúc sau một tuần dài ở trường. Nếu thấy đói và muốn ăn thứ gì ngay lập tức, họ sẽ thẳng tiến tới nhà một người bạn trong nhóm. Phụ huynh vắng nhà nên nhóm càng có cơ hội "quậy tới bến". Tại đây, Lily và các bạn trút bỏ những bộ quần áo thường ngày để thoải mái với áo hở rốn, quần short và giày cao gót. Khoảng 20h, Lily bắt đầu trang điểm, đánh mắt đen và tô son đỏ đậm.
"Chúng tôi trang điểm đậm để trông già hơn, vì cần phải thuyết phục các vệ sĩ rằng chúng tôi đủ tuổi", Lily tiết lộ.
Lily không quên nhắc bạn bè mang theo chứng minh thư giả, thứ có thể được mua với giá từ hơn 60 USD đến ngoài 100 USD. Khi được hỏi thuê làm chứng minh thư giả ở đâu, Lily tỏ ra ấp úng. Lúc đứng xếp hàng để qua cửa vào club, Lily giả vờ tỏ ra không có sự khác biệt khi liên tục lướt màn hình điện thoại và chat với bạn bè.
"Tôi cố ra vẻ tự nhiên. Và khi bị hỏi chứng minh thư, tôi cố tình trông có vẻ thờ ơ. Bạn phải rất cẩn thận, nếu không muốn bị phát hiện", Lily cảnh báo.
Món đồ uống yêu thích của Lily là vodka. Cô thường gặp nhiều bạn bè khác cùng khóa vào mỗi tối thứ 6. Lily sẽ gọi họ cùng tham gia với nhóm bạn mình cho vui và có thể gọi thêm nhiều rượu hơn để uống. Lily và bạn tới Lan Quế Phường theo nhóm nhỏ nhưng sau đó sẽ nhập với nhóm khác cùng trường để tạo thành nhóm lớn.
Lily khoe mình là một "sâu rượu" nặng ký nhưng thừa nhận cảm thấy chuếnh choáng sau vài chén. Sau vài tiếng ở bar, Lily và nhóm bạn lại di chuyển sang một hộp đêm khác. Một đêm dài lê la hết bar nọ đến club kia khiến Lily tốn không ít tiền. Nhưng cô và các bạn luôn có nhiều cách khác nhau để xoay tiền cho những buổi tiệc đêm. Về cơ bản, họ móc tiền túi được bố mẹ cho để trả tiền đồ uống nhưng nhóm cũng có cách khác để cuộc vui tối thứ 6 không bị gián đoạn vì hết tiền.
"Tôi cố kiếm vài gã để họ mua đồ uống cho mình. Khi say, họ không biết những gì đang làm. Họ sẽ móc ví ra và trả tiền cho đồ uống của bạn", Lily tiết lộ.
Lily và các bạn rời Lan Quế Phường thường lúc khoảng 3h sáng hôm sau. Họ bắt taxi tới nhà bạn ngủ vì đã báo với gia đình trước đó. Sau một đêm ngập trong khói thuốc, rượu mạnh và nhiều trò vui, Lily thường thức dậy vào trưa ngày thứ 7 trong trạng thái "đầu đau như búa bổ". Cô bắt taxi về nhà, đeo kính đen và mặc áo rộng thùng thình để che đi thân hình tiều tụy vì cuộc vui đêm hôm trước.
Sau khi uống một cốc nước đầy và tống vài viên thuốc chống đau đầu, Lily thường xem Snapchat để đọc chia sẻ của bạn bè. Sau đó, cô ngồi vào bàn học để bắt đầu làm bài tập về nhà cho cuối tuần, và chờ đợi thứ sáu tuần sau.
Theo Siu, KELLY thường nhận được nhiều cuộc gọi từ các bậc phụ huynh quan tâm tới việc sử dụng rượu ở người trẻ. Lời khuyên mà nhóm này đưa ra cho họ là nói chuyện với con về việc uống rượu càng sớm càng tốt.
"Mỗi gia đình có một quan điểm khác nhau về rượu. Những cuộc nói chuyện của bố mẹ với con cái có thể giúp giải tỏa sự tò mò về rượu của trẻ", Siu khuyên.
Hà Phương
Theo SCMP