Ralph Lauren sinh ngày 14/10/1939 (tên khai sinh là Ralph Lifshitz). Năm nay ông đã 75 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình cống hiến cho làng mốt những thiết kế đẹp. Không chỉ là nhà tạo mốt, Ralph Lauren còn là một nhà từ thiện, điều hành kinh doanh, một tỷ phú nổi tiếng. Ông được biết tới với Tập đoàn thời trang Ralph Lauren trị giá tỷ đô, bộ sưu tập xe hơi "khủng" và cực kỳ quý hiếm.
Năm 2010, ông nhận được Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng. Tính đến tháng 9/2012, ước tính tài sản của nhà thiết kế lên đến 7 tỷ USD, xếp thứ 122 trong số các tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo số liệu của Forbes ở thời điểm hiện tại (tháng 11/2014), tài sản ròng của ông là 8,2 tỷ USD, xếp thứ 53 thế giới.
Tháng 9 vừa qua, Business Insider xướng tên Ralph Lauren trong số 14 tỷ phú thế giới lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Cậu bé Do Thái ham làm giàu
Ralph Lifshitz sinh ra tại The Bronx, New York (Mỹ), là con út trong bốn người con của một gia đình Do Thái đến từ Belarus. Nhà Ralph không giàu nhưng có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là Fradyl Koltar-Lifshitz, cha là họa sĩ vẽ tranh tường Frank Lifshitz. Mẹ của Ralph từng muốn con trai út của mình trở thành một giáo sĩ Do Thái, tuy nhiên cậu bé lại tự lập từ sớm và có ý chí phấn đấu riêng của mình.
Ralph có tham vọng từ nhỏ, luôn coi John F. Kennedy và James Stewart là người hùng của mình và hy vọng trở thành người nổi tiếng như một ngôi sao điện ảnh, vũ công hay cầu thủ bóng chày. Ông tâm sự: "Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phim ảnh, đó là ảnh hưởng từ thế giới của những giấc mơ".
Cậu bé Do Thái thích làm đỏm và sớm có khiếu thời trang. Nhà nghèo, Ralph bèn nghĩ cách đi buôn để lấy tiền mua những bộ vest thật bảnh bao. Khi còn học trường MTA (giờ là Marsha Stern Talmudical Academy), cậu bé nổi tiếng với việc bán cà vạt, nơ cài áo cho các bạn trong lớp. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông cho biết có khao khát làm giàu từ hồi cắp sách đến trường: "Ở thời điểm đó, những chiếc cà vạt được thiết kế chuyên nghiệp chỉ có giá hơn 5 USD/chiếc, nhưng cà vạt của tôi có thể bán được 15 USD”.
Bên cạnh đó, cậu còn tranh thủ làm thêm vào kỳ nghỉ hè ở Catskills hay trong cửa hàng bách hóa tại New York. Ở tuổi 12, Ralph là đứa trẻ mặc quần áo "xịn" nhất so với những bạn cùng lớp, từ số tiền do chính mình kiếm được. Làm ra tiền, Ralph ước trở thành một người thật giàu có. Cậu từng viết ngay dưới quyển sách ảnh Clinton của mình là: Tôi muốn trở thành một triệu phú!
Khi 16 tuổi, Ralph Lifshitz đổi họ thành Lauren. Ông tâm sự với "nữ hoàng truyền hình Mỹ" Oprah Winfrey: "Tên của tôi có từ nhạy cảm trong đó nên khi còn nhỏ luôn bị những đứa trẻ khác đem ra giễu cợt. Đó là lý do vì sao tôi quyết định thay đổi. Sau này, có người nói tôi đổi tên để chối bỏ nguồn gốc Do Thái, tôi khẳng định là tuyệt đối không. Các anh chị em họ của tôi ở California cũng đã đổi họ thành Lawrence. Vì vậy, tôi nghĩ mình sẽ phải chọn một cái họ đẹp hơn".
Không bằng đại học, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
Ralph Lauren được xếp vào danh sách những tỷ phú không bằng đại học của thế giới bên cạnh những doanh nhân đình đám như Jack Ma của Alibaba, Jan Koum - CEO của WhatsApp hay Howard Schultz của Starbucks. Ralph từng học kinh doanh hai năm tại trường Đại học Baruch nhưng sau đó bỏ dở giữa chừng và gia nhập quân đội từ năm 1962-1964. Sau khi xuất ngũ, chàng làm nhân viên bán găng tay và thư ký cho hãng Brooks Brothers một thời gian ngắn, trước khi trở thành nhân viên bán hàng cho công ty cà vạt Rivetz.
Năm 1966, khi 26 tuổi, Ralph Lauren sáng tạo mẫu cà vạt bản rộng, màu sáng theo phong cách châu Âu sau khi nhìn thấy diễn viên Douglas Fairbanks Jr dùng. Nhưng ý tưởng của chàng trai bị công ty từ chối. Ralph Lauren quyết định tách ra và gây dựng cơ sở riêng.
Chưa từng học thiết kế nhưng Ralph tự tin cắt may với khả năng sáng tạo và đôi tay khéo léo của mình. Từ những miếng vải vụn, chàng trai gốc Do Thái đã biến chúng thành cà vạt và bán cho các cửa hàng nhỏ ở New York. Một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp buôn bán cà vạt là khi Ralph tiếp cận được với Neiman Marcus, chủ thương hiệu bán lẻ hàng xa xỉ. Neiman đã mua của Ralph Lauren hơn 1.000 chiếc cà vạt.
Năm 1967, bằng số tiền 50.000 USD vay của một người anh, Ralph Lauren lập được công ty riêng của mình ở một phòng trong tòa nhà Empire State. Ông nói: "Đúng là có người cho tôi vay 50.000 USD để tôi khởi nghiệp. Nhưng không ai giao cho tôi vương quốc thời trang đã có sẵn”.
Với sự ủng hộ tài chính từ công ty sản xuất quần áo Norman Hilton, ông mở một cửa hàng cà vạt do mình thiết kế dưới nhãn hiệu "Polo". Đến năm 1971, nhà tạo mốt mở rộng thêm địa bàn kinh doanh của mình với một cửa hàng Polo khác trên đường Rodeo Drive ở Beverly Hills.
Vào năm 2010, đế chế thời trang của ông đã có 631 cửa hàng với 19.000 nhân viên trên toàn thế giới. Ngoài nhiều dòng trang phục nam và nữ, ông còn có dòng nước hoa, nội thất sang trọng. Ralph cũng là nhà thiết kế quen thuộc của đội tuyển Olympic Mỹ.
Người đàn ông mang đến "giấc mơ kiểu Mỹ"
Ralph Lauren chính là đại sứ thành công nhất với phong cách preppy (style lấy cảm hứng từ trang phục học đường kiểu Mỹ) bằng những thiết kế rất đặc trưng."Mọi người hỏi làm thế nào một đứa trẻ Do Thái đến từ Bronx có thể làm ra trang phục preppy? Liệu có phải nó thực hiện được là nhờ vào tiền bạc và được dạy dỗ? Không, nó đã làm nhờ vào những giấc mơ", nhà thiết kế tâm sự.
Bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ cà vạt, năm 1970, Ralph Lauren giành được giải thưởng Coty cho dòng trang phục nam. Cùng thời điểm, ông cho ra mắt trang phục nữ giới được thiết kế theo suit phong cách cổ điển của phái mày râu. Đến năm 1972, nhà tạo mốt gốc Do Thái tung ra loạt mẫu áo thun ngắn tay cho phụ nữ. Đó là bộ sưu tập trang phục nữ giới đầu tiên của ông với 24 sắc màu khác nhau và nhanh chóng trở thành trang phục cơ bản cho phái đẹp. Những năm 80-90, sản phẩm Polo bán cực kỳ chạy trên khắp nước Mỹ và cả nước ngoài.
Với nhà thiết kế, chất riêng không lẫn với bất cứ ai là điều quan trọng, nhưng phải sử dụng được lâu dài: “Điều làm tôi quan tâm nhất là những bộ quần áo phải thể hiện được tính nhất quán và có thể sử dụng lâu dài. Mục tiêu của tôi là không ngừng tạo ra sự thay đổi trong phong cách nhưng không được làm mất đi nét riêng của mình”.
Giữ nét riêng không có nghĩa là cổ hủ. Nhà thiết kế 75 tuổi cực kỳ nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Ông cho rằng: “Tầm nhìn rất quan trọng. Bạn phải biết mình sẽ bán hàng cho ai, các chương trình quảng cáo và tiếp thị muốn nói lên điều gì, nói với ai? Tôi không bao giờ muốn làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng tôi hiểu được mình đang bán hàng cho đối tượng nào và hướng nỗ lực của mình đến điều đó”.
Thiết kế của ông được lòng cả những nhan sắc hoàng gia như Công nương Diana, Công nương xứ Monaco Charlene và các mỹ nhân nổi tiếng làng giải trí từ Hollywood tới châu Á.
Người đàn ông của gia đình
Ông kết hôn với bà Ricky Anne Loew-Beer năm 1964 tại New York. Bà Ricky có mẹ là người Áo theo Công giáo và cha là người Do Thái. Họ gặp nhau 6 tháng trước khi kết hôn ở phòng khám mắt nơi Ricky làm lễ tân.
Thời điểm đó, Ralph Lauren vừa xuất ngũ và vẫn đang đi làm thuê, rồi cả hai cùng di cư đến New York để lập nghiệp. Ralph đã giấu bố mẹ chuyện vị hôn thê của anh mang một nửa dòng máu ngoại đạo vì sợ họ phản đối.
Ralph Lauren và Ricky có ba người con, hai trai và một gái, đều đã khôn lớn và thành đạt: Andrew Lauren (nam diễn viên, nhà sản xuất phim), David Lauren (Phó chủ tịch Polo Ralph Lauren, vợ anh là cháu gái cựu Tổng thống George W. Bush) và con gái Dylan Lauren (sở hữu cửa hàng bánh kẹo thuộc hàng lớn nhất thế giới).
Ralph là người đàn ông chính hiệu của gia đình. Nhà thiết kế không muốn lãng phí thời gian cho những câu chuyện phiếm ngoài xã hội mà luôn thích dành thời gian yên bình bên vợ con trong ngôi nhà ở Đại lộ 5, New York. Ngoài căn hộ này, ông có một căn ở khu nghỉ mát vùng biển Jamaica, các bất động sản đắt giá tại Montauk, Long Island và Colorado.
Thú vui sưu tập xế cổ
"Ông hoàng" của một đế chế thời trang lừng lẫy còn là một nhà sưu tập xe hơi nổi tiếng, trong đó có nhiều chiếc vô cùng hiếm như Mercedes-Benz SSK Count Trossi 1930 (được mệnh danh là Hoàng tử đen), Ferrari 250 GTO 1962, Ferrari 250 Testa hai Rossas, McLaren F1 1996, Mercedes 300SL Gullwing, Blower Bentley 1929, Bugatti Type 57SC Atlantic Coupe 1938, GT3 Porsche 997 RS, Bugatti Veyron, Alfa Romeo 8C 2900B Mille Miglia 1938, Reventon Lamborghini và Reventon Roadster cổ "có một không hai".
Ralph Lauren hiện có hơn 70 chiếc xe đang được trưng bày tại gara trong biệt thự ở Katonah, New York. Năm 2005, bộ sưu tập xế "khủng" của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston. 17 chiếc xe quý hiếm do nhà thiết kế sở hữu cũng có mặt ở Bảo tàng des Arts Decoratifs (Paris).
Lòng thương người sâu sắc
Sinh ra từ nghèo khó, dù có những thú vui xa xỉ nhưng Ralph Lauren rất tích cực làm từ thiện. Trong một bài phát biểu tháng 5 năm nay, ông nói: "Tôi ghét khi mọi người gọi tôi là nhà từ thiện, vì điều đó đến từ trái tim".
Đầu năm 1987, Ralph Lauren bị chẩn đoán có một khối u não lành tính. Tháng 4 năm đó, ông đã phẫu thuật để cắt bỏ khối u và hồi phục hoàn toàn. Chính vì vậy, ông rất thương cảm với bệnh nhân ung thư. Nhà tạo mốt từng tổ chức dạ tiệc thời trang lớn để ủng hộ Quỹ hỗ trợ phòng chống và chăm sóc bệnh nhân ung thư, thu được số tiền từ thiện kỷ lục: hơn 7 triệu USD.
Ralph Lauren cũng là đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu ung thư vú Nina Hyde tại Đại học Georgetown vào 1989 và mở chiến dịch thời trang chống ung thư vú hàng năm kể từ 1994. Năm 2001, tập đoàn Ralph Lauren đã mở Quỹ Polo Ralph Lauren hỗ trợ nhiều chương trình từ thiện khác nhau trên thế giới như giúp đỡ bệnh nhân AIDS, giúp phục hồi các di tích lịch sử mang tính biểu tượng của Mỹ...
Ngắm mỹ nhân diện hàng hiệu Ralph Lauren |
>> Xem thêm thiết kế đẹp trong các bộ sưu tập Ralph Lauren
Lana