- Áo dài mới của tiếp viên hàng không nhận được khá nhiều bình luận trái chiều, là nhà thiết kế chuyên về dòng áo dài truyền thống anh có chia sẻ về cảm nhận riêng của mình?
- Theo quan điểm của tôi, trong cuộc sống cái gì cũng nên cần có sự đổi mới theo thời gian để phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như tạo sự mới mẻ cho một thương hiệu. Vì vậy vấn đề thay đổi thiết kế đồng phục cũng là việc nên làm, nhưng sự thay đổi phải thể hiện được cách cải tiến và cho ra sản phẩm mới tốt hơn cái cũ. Đó là điều mà tất cả chúng ta hay khách hàng đều mong muốn. Chính bản thân những người làm sáng tạo như tôi và các anh chị em đồng nghiệp đều mong muốn cái sau bao giờ cũng có giá trị cao hơn cái trước.
- Anh có chia sẻ trên Facebook cá nhân, trang phục mới của tiếp viên Vietnam Airlines đã “đạo ý tưởng” áo dài do anh thực hiện, thực hư chuyện này ra sao?
- Ban đầu tôi cũng không quan tâm lắm đến đồng phục mới của tiếp viên hàng không, cho đến khi khách hàng thắc mắc về mẫu áo dài của tôi có điểm tương đồng với đồng phục của tiếp viên nữ Vietnam Airlines, tôi bắt đầu tìm hiểu trên các trang báo chí điện tử và thực sự thấy có nhiều điểm giống nhau giữa áo dài của tôi và áo dài mới do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện.
Điều tôi chia sẻ trên trang Facebook cá nhân không nhằm mục đích tố ai hay PR cho bản thân nhưng theo tôi đó là trách nhiệm cần phải làm đối với nghề, với những thành quả mình đã tạo dựng được và là cách đáp lại tình yêu mến của khách hàng, công chúng - những người đã luôn ủng hộ để giúp tôi tạo dựng nên tên tuổi Lê Thanh Phương.
- Theo đuổi ngành thiết kế thời trang trong vòng 16 năm, anh đã gặp phải chuyện bị ăn cắp ý tưởng lần nào chưa?
- Trong khoảng thời gian dài theo đuổi ngành thiết kế thời trang và gửi gắm tình yêu của mình cho chiếc áo dài Việt, thi thoảng vẫn có bạn bè đồng nghiệp hay học trò gửi cho tôi xem những mẫu áo dài có đường nét gần giống như các mẫu thiết kế của mình. Thực sự trong ngành thiết kế, chuyện trùng lặp về ý tưởng là điều khó tránh, những khi ấy tôi chỉ bông đùa vài câu cho vui, đại loại như: “Nếu muốn copy thì hãy đặt một cái và xem cho kỹ để làm cho giống”.
Khi thấy những sản phẩm mới có đường nét giống trang phục mình đã sáng tạo nên chắc chắn người làm nghề không ai tránh được cảm giác buồn, chạnh lòng. Tôi không nói chị Minh Hạnh copy chi tiết cổ chữ V nhưng chuyện tương đồng về ý tưởng giữa hai thiết kế nên để cho công chúng thẩm định sẽ khách quan hơn.
- Chi tiết cổ áo chữ V trùng lặp với đồng phục của nhà thiết kế Minh Hạnh vừa giới thiệu gần đây được anh thực hiện từ thời gian nào?
- Đối với cá nhân tôi mẫu áo dài cỗ chữ V là thành quả của sự lao động, tìm tòi và nghiên cứu bằng cả lòng yêu thương, trân trọng chiếc áo dài Việt Nam. Nó ghi dấu ấn trong sự nghiệp làm nghề và xây dựng nên thương hiệu Lê Thanh Phương. Áo dài cách tân cổ chữ V được tôi thiết kế từ những năm 2001, khi đó diễn viên Trương Ngọc Ánh là người đầu tiên mặc trang phục này xuất hiện trong bộ ảnh của tạp chí Heritage và lịch treo tường của hãng Vietnam Airlines. Sau đó mẫu áo dài kiểu cổ V (cổ tim dựng) đã tạo nên dấu ấn tiêng biệt cho áo dài Lê Thanh Phương, các sản phẩm của tôi được chụp và đăng tải trên báo Mốt Vietnam và nhiều tờ báo giấy thời bấy giờ. Một trong những khách hàng thân thuộc và luôn chọn lựa áo dài của Lê Thanh Phương khi xuất hiện tại các sự kiện quan trọng được tổ chức trong nước và quốc tế là diễn viên Hồng Ánh.
- Ý tưởng đổi mới từ chi tiết cổ áo dài truyền thống sang dáng cổ tim dựng của anh được xuất phát từ đâu?
- Tôi là người thiết kế có kỹ thuật cắt may tốt – đặc biệt là trang phục áo dài, chính vì thế tôi rất thích nghiên cứu và sáng tạo những đường cắt cúp cho những sản phẩm mình làm ra. Khi làm mới trang phục truyền thống, tôi muốn giữ được hình cổ áo giống áo dài cơ bản, nhưng với biến tấu cổ chữ V người sử dụng sẽ cảm thấy thoải mái và không bị gò bó. Đồng thời, đường xẻ chữ V sẽ giúp những phụ nữ cổ ngắn có được hình ảnh cổ như thon dài thêm.
>> Xem thêm các mẫu áo dài cổ chữ V của Lê Thanh Phương
Duy Khánh thực hiện