Song Nhi
Sáng mở Faceboook, vào góc tay phải xem những ''lời mời kết bạn''. Trong đó có một cái tên thấy quen quen bèn đi tới nhà của họ xem thử. Xem xong rồi thì tôi ''đá'' thẳng cái nick đó ra đồng luôn. Nick đó là chồng cũ của bạn tôi, một kẻ mà nghe tới tên tôi đã ghét cay ghét đắng.
Tôi thừa nhận mình sống theo tư tưởng mới nên tôi ghét những luận điệu: ''sống vì con'' hay ''đàn bà thì phải nhẫn nhục''. Tôi ủng hộ chuyện ly dị làm lại khi gặp người hôn phối không ra gì. Pháp luật còn mở lối thoát cho họ thì tại sao mình lại chèn ép kêu họ cam chịu bằng những cái triết lý cũ rích. Tôi tin là một đứa con không có cha ở cạnh là điều không vui vẻ gì nhưng còn hơn có người cha không ra gì. Chẳng thể nào dạy con trẻ sống thật khi mà chúng ta đang đóng kịch gia đình hạnh phúc trước mặt chúng. Điều đó còn phản tác dụng hơn, khiến chúng tổn thương và oán trách khi trưởng thành sau này.
Ở Việt Nam tôi biết tòa luôn có xử chuyện cấp dưỡng sau khi ly dị. Nhưng sự thật những người thực hiện nghĩa vụ tế nhị đó đếm trên đầu ngón tay. Phụ nữ Việt có một điểm rất tốt là thương con nên sau khi chia tay thường giành phần nuôi dưỡng con trẻ. Sau đó thì cắm đầu cắm cổ lo kiếm tiền lo cho con tới nỗi quên luôn thanh xuân đang trôi qua vùn vụt. Còn mấy ông chồng sau ly hôn hình như là xong trách nhiệm. Họ quá quen với chuyện vợ cũ cày cấy nuôi con rồi. Ông tử tế dư giả cho được nhúm giấy bạc, ngược lại thăm viếng chăm lo còn không có nói chi tới phụ trợ về kinh tế.
Tôi chưa bao giờ so sánh bất cứ cái gì ở Việt Nam với nước ngoài bởi so sánh là khập khiễng. Nhưng nhiều lúc tôi thấy đàn ông Việt thiệt tình là sung sướng quá. Ở những quốc gia bên này nếu hôn nhân tan vỡ, đừng nói là phải cấp dưỡng cho con, không chừng còn bị đuổi ra khỏi nhà. Ấy là gặp bà vợ người Việt hiền lành. Ngược lại gặp vợ dân bản xứ hay bà vợ được ăn học, họ vịn vào cái cớ thu nhập thấp hơn chồng không thể lo cho con đầy đủ. Sau đó quẳng con lại nuôi cho biết khổ, mặc kệ ông chồng phải xoay sở sao cho việc nhà, việc sở được toàn vẹn. Ở Việt Nam thì ít bao giờ nghe tin kiểu như có ông bố sau khi ly dị dùng súng bắn chết ba, bốn đứa con rồi tự sát. Đấy đấy hậu quả của việc đàn ông vừa làm mẹ, vừa làm cha khiến họ stress thậm chí bế tắc mà có những kiểu hành xử đáng sợ như vậy.
Nói đến đây, tôi nhớ tới cô bạn tôi, lấy chồng lo làm ăn kiếm tiền, lo đẻ con. Tới một ngày chồng lang chạ bên ngoài. Tay dẫn con tay vác bụng bầu khóc huhu về nhà cha mẹ ruột. Đâu có ngờ ly dị mà tính với toán để hốt mớ vàng, mớ tiền đem theo hậu thân . Vào nhà thương đẻ thì ''bồ nhí'' của chồng có thai mấy tháng. Khóc tiếp và rồi ly dị, ly dị xong chạy chợ đời nuôi con. Ở cái cuộc sống lạm phát cao nuôi hai đứa nhỏ khỏi nói bạn tôi vất vả ra sao.
Ảnh minh họa. |
Còn chồng cũ à, đang bận rộn với mấy ả đàn bà mới (Tập hai ấy sau này vẫn phải tự nuôi con như bạn tôi). Cấp dưỡng đó hả... quên luôn. Chuyện đến thăm săn sóc con cái còn không thấy nói gì cái khác. Vậy mà vẫn post lên facebook nào là ''con yêu của ba''. Ai hỏi tới thì còn lấy còn lấy tấm bình phong ''rất thương con'' để nâng giá trị của mình lên.
Ai động tới chuyện chu cấp cho con thì than thở không tiền. Ấy thế mà cafe ngày đôi ba cữ, thuốc thơm phì phèo trên miệng, cuối tuần thì bia bọt quán xá. Lắm lúc tôi nghĩ hổng lẽ một gã đàn ông lưng dài vai rộng một tháng không có thể dư ra khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng để gửi cho vợ cũ gọi là cho con mua kẹo ăn. Chỉ cần tiết kiệm một chút chi phí cá nhân để tiền đó cho con mình cũng khó khăn với họ đến thế sao. Trong khi vợ cũ nuôi con không dám ăn ngon mặc đẹp vì phải chia sẻ kinh tế cho con mình. Tôi tin những người vợ cũ không ai hẹp hòi chê ít nhiều với tấm lòng thành có trách nhiệm như vậy. Ông bà thường dạy ''của cho không bằng cách cho''. Chỉ cần có lòng thành thì bao nhiêu cũng đáng qúy.
Nhà chị tôi ở Gò Vấp - Sài Gòn, hồi trước khi tôi về chơi lúc nào cũng thấy nhà bên có một ông cụ ngồi ở dưới góc sân ngày này qua ngày khác. Tôi lấy làm lạ là sao cụ sống cùng con cháu mà trông như neo đơn. Con trai của cụ tối tối đi tập thể dục, dẫn chó đi dạo nhưng gần như không bao giờ thấy ngồi trò chuyện cùng cụ. Tôi hỏi chị tôi thì mới biết nguyên do, ngày cũ cụ và vợ ly dị, cụ lo bay nhảy bên ngoài không mấy khi quan tâm con cái. Bây giờ già rồi mỏi gối chồn chân chẳng còn đường mà đi. Cậu con trai vì không muốn người ta biêu riếu cũng như vì máu thịt cha con nên đem cụ về nuôi. Ăn uống thuốc men khi bệnh đau đầy đủ nhưng tuyệt nhiên gần như anh ta không bao giờ quan tâm tới vui buồn. Anh ta có cái lý của mình, anh cho rằng anh vẫn trọn đạo con không nói nặng nhẹ gì cả. Còn chuyện thương ghét thì là chuyện cảm giác của anh ta. Vậy là cụ cứ lủi thủi cô đơn ngay trong cái gia đình có con cháu.
Trẻ con không từ đất nẻ chui lên, đàn ông không cấy giống đàn bà không đẻ ra con. Cũng như đàn bà không có thể hiếp dâm đàn ông được khi mà đàn ông không muốn. Tạo ra con, thì phải cùng mà nuôi con đây không được thì quẳng hết cho đàn bà. Hết thương nhau không làm vợ chồng nữa thì thôi nhưng con nó gọi mình bằng cha kia mà. Con nít đâu phải uống nước lã mà lớn lên được. Bây giờ không phụ nuôi dưỡng nhưng hễ mai sau nó lơ là không ngó ngàng tới thì gào lên và lôi cái đạo hiếu ra mà quất lên đầu con. Trong khi bản thân mình chả làm được người cha đúng nghĩa.
Đàn ông ở Việt Nam chúng ta hô hào tiến lên, hô hào học hỏi để bắt kịp bạn bè thế giới. Chúng ta tiếp thu rất nhanh xe cộ, quần áo hàng hiệu nước ngoài, tiếp thu rất nhanh những tiếng Tây cho ra vẻ mình hiện đại. Vậy mà những cái thuộc dạng tránh nhiệm sao chẳng thấy ai học hỏi sử xự cho văn minh để bằng anh bằng em láng giềng. Nói gì tới bạn bè quốc tế cho mệt cho xa. Người ta ngợi ca đức tính tốt đẹp của đàn bà Việt Nam mà sao vẫn không thấy có động thái gì thực tế để bảo vệ họ một cách chính đáng.
Con nít hôm nay người lớn ngày mai. Đừng để một ngày nào đó con mình nó hỏi ngược lại cái câu'' Ông có nuôi tôi ngày nào không mà đòi dạy dỗ tôi'' lúc đó thì đừng có ngồi khóc hay oán trách con ngỗ ngược. Sống sao cho những ả đàn bà chúng tôi dù hết duyên nợ vẫn nể trọng các anh. Sống sao để chúng tôi gọi các anh là ''chồng cũ'' hoặc ''ba thằng Tí, thằng Tèo'' một cách trân trọng. Đừng để chúng tôi phải gọi các anh bằng những từ ngữ khinh miệt, mỉa mai.
Lời cuối nhắn với mấy cô em xinh xắn chưa chồng như thế này. Tìm một anh bạn trai cao to đẹp trai không khó, tìm một anh nhà giàu để ''nâng túi'' không khó luôn. Nhưng tìm một người đàn ông đáng mặt để lấy làm chồng thì không dễ dàng. Và... tìm một người người cha thật sự cho con mình ở tương lai lại là điều khó gấp trăm lần. Bởi gã đàn ông nào cũng biết làm ra con nít nhưng không phải ai cũng biết cách làm một người cha đúng nghĩa.
Vài nét về tác giả:
|
Tôi là một cô gái làm kinh doanh, sống xa quê hương Việt Nam từ nhỏ. Tôi viết cho những người thân, bạn bè yêu dấu trong tôi - Song Nhi.
Bài đã đăng: Yêu thương có quay về, Nghiêng, Lời cuối cho một tình yêu, Vì sao em yêu anh, Vai chính trong vở kịch Thật lòng cám ơn anh, Chị gái và em trai,Bước qua một tình yêu,Trái tim xúc xắc, Vì một câu nói, Đám cưới anh, Phố buồn, Giấc mộng tầm xuân,Giữa anh và em, Xuân yêu thương, Sáng nay xuân về,Đơn phương, Em đã quên được anh, Yêu thương hôm nay, Không đành lòng quên, Người ấy và anh, Cổ tích tình yêu, Gửi chị - người yêu cũ của anh,Góc phố mùa đông, Đừng thương em,Tình buồn Lavender, Đóa hồng vàng ngày xưa, Cho người từng yêu em, Gọi tình.