Tuần lễ thời trang cao cấp Thu đông 2014 đang diễn ra tại Paris, thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu toàn cầu. Dưới đây là những nguyên do mà các chuyên gia thời trang lý giải sức hấp dẫn của sự kiện này.
1. Đón đầu xu hướng
Lý do quan trọng nhất mà bất kỳ người hâm mộ thời trang nào chú ý đến tuần lễ Couture là xem các xu hướng mới sẽ thịnh hành trong mùa tới. Các thiết kế cao cấp là đỉnh cao của sự sáng tạo nhưng không xa rời thực tế. Những trào lưu sử dụng trong loạt váy xa xỉ sẽ được tái hiện ở dòng trang phục ready-to-wear (thời trang ứng dụng), ngay sau khi kết thúc mùa trình diễn. Nhà mốt nào cũng luôn có một dòng chảy xuyên suốt giữa các bộ sưu tập.
Chẳng hạn, trong mùa thời trang cao cấp Xuân 2014 vào tháng 1, Chanel đã chuẩn bị trước cho hai xu hướng lớn, sẵn sàng tung lên sàn catwalk thời trang ứng dụng trong tháng 2 là mốt kết hợp giày thể thao và các loại vải óng ánh. Đến thời điểm này, các biên tập viên thời trang, blogger, fashionista vẫn đang tích cực vận dụng xu hướng này.
2. Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật 100% thủ công
Tất cả những bộ váy Haute Couture đều cầu kỳ, tỉ mỉ đến khó tin. Các công đoạn được thực hiện hoàn toàn với phương pháp thủ công của những người thợ lành nghề nhất. Chanel, Dior hay Elie Saab đều sử dụng nghệ thuật thêu, vẽ, đính ngọc, cườm, pha lê, lông vũ, kim sa... 100% bằng tay.
Dù là một chiếc áo choàng thanh lịch hay bộ suit ngắn kiểu dáng hiện đại cũng được tạo ra từ những mảnh ghép chất liệu cao cấp độc bản. Giữa thời kỳ ngập tràn thời trang may sẵn, Couture khẳng định giá trị nghệ thuật chân chính vẫn nằm ở bàn tay con người.
3. Dự đoán váy áo thảm đỏ của sao
Nếu theo dõi Tuần lễ thời trang cao cấp, bạn sẽ dễ dàng nhận ra trang phục của các ngôi sao hàng đầu khi họ diện tại các sự kiện lớn. Bởi đồ Haute Couture luôn là "vua thảm đỏ", nâng tầm đẳng cấp của người nổi tiếng.
Nhiều ngôi sao Hollywood như Jennifer Lawrence, Charlize Theron, Kristen Stewart... luôn ngồi ở hàng ghế đầu tại Tuần lễ thời trang cao cấp, nhưng không nhất thiết phải tham dự các show ready-to-wear, vì họ cần quan tâm trước hết đến gu mặc sự kiện sắp tới. Đó là lý do, những chiếc váy giới thiệu trên sàn runway tháng 7 sẽ sớm tấp nập trên thảm đỏ Emmy, Oscar và nhiều giải thưởng lớn khác.
4. Hiểu trọn vẹn tinh thần cốt lõi của một thương hiệu
Thiết kế thời trang xa xỉ được coi là tuyên ngôn của mỗi nhà mốt. Nó như một di sản được thiết lập và tồn tại lâu dài. Nhiều thương hiệu cao cấp tái sử dụng bộ sưu tập của mình trong nhiều thập kỷ. Dù trong thế giới thời trang luôn thay đổi, điều này vừa là thách thức, vừa lưu giữ giá trị cốt lõi, mực thước của nhà mốt để các đời sau kế thừa và phát huy dựa trên cơ sở đó.
Một ví dụ điển hình mà người yêu thời trang có thể nhìn thấy, chiếc váy Christian Dior từ bộ sưu tập Thu đông 2014 và bộ năm 1940 có phom dáng khá giống nhau. Điều đó cho thấy, các thiết kế Haute Couture luôn hợp mốt và có tính chuẩn mực cao. Nhìn bộ sưu tập cao cấp, bạn có thể nắm bắt được tinh thần chung của thương hiệu.
5. Đây là một phần quan trọng của lịch sử thời trang
Một thực tế ít người biết về thời trang cao cấp, nó là một hình thức nghệ thuật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (Chambre de commerce et d'industrie de Paris) bảo vệ và quản lý. Để sản xuất một bộ sưu tập thời trang cao cấp chính thức, nhà thiết kế phải thuộc một tổ chức gọi là Chambre Syndicale de la Haute Couture.
Cho đến nay, chỉ có các thương hiệu sau là thành viên chính thức: Adeline Andre, Gustavo Lins, Chanel, Christian Dior, Christophe Josse, Franck Sorbier, Givenchy, Jean Paul Gaultier, Maurizio Galante và Stephane Rolland.
Các thương hiệu khác thường xuất hiện tại Tuần lễ thời trang cao cấp như Versace, Elie Saab, Valentino, thậm chí Giambattista Valli, đều được coi là thành viên thường trực hoặc khách mời, có nghĩa là họ được cấp phép để trình diễn, nhưng chưa là thành viên chính thức.
Lana
Ảnh: Whowhatwear