- Tháng 4 vừa qua, anh đã sang Italy tham dự triển lãm thời trang Origin Passion & Belief. Điều ấn tượng nhất với anh trong chuyến đi là gì?
- Đó là cách mà các nhà thiết kế tham dự triển lãm trân trọng năng lực và sức sáng tạo của nhau với một tinh thần cực kỳ "sạch sẽ", văn minh và thân thiện. Dù đối lập về phong cách, suy nghĩ, thẩm mỹ, nhưng họ vẫn chấp nhận nhau như những mảng màu riêng biệt và cùng “chung sống” một cách hoà thuận và chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đó là yếu tố quan trọng đưa ngành thời trang của họ phát triển một cách đa dạng và phong phú như hiện tại.
- Bạn bè quốc tế đánh giá thế nào về bộ sưu tập anh mang đến triển lãm?
- Họ rất thích chủ đề “Sự thuần khiết của nước” và các tác phẩm tôi mang theo. Họ cũng thích cả cách tôi trưng bày không gian triển lãm của mình. Chúng tôi đã có những chia sẻ thú vị về thời trang. Đó là một niềm vui rất lớn khi những gì mình làm được động viên và trân trọng.
- Khi tác phẩm của mình được đặt cạnh nhiều nhà thiết kế nổi tiếng thế giới, anh cảm thấy thế nào, bởi nhiều người vẫn quan niệm rằng “thời trang Việt còn thua xa thế giới rất nhiều”?
- Tôi nghĩ đó là một quan niệm “nhược tiểu” khá lỗi thời mà chúng tôi nên loại bỏ dần dần. Hơn ai hết, mình phải tự tin vào sản phẩm của mình thì mới mong thuyết phục được người khác cái hay cái đẹp trong đó. Dĩ nhiên tôi không ủng hộ kiểu tự tin thái quá hay hoang tưởng về bản thân, nhưng tôi nghĩ rằng mỗi nhà thiết kế phải có sự tự tôn và tự tin của riêng mình.
Ai cũng có một câu chuyện để kể, một ý tưởng hay để chia sẻ, quan trọng là cách kể như thế nào, chia sẻ ra sao để người nghe dù trong nước hay quốc tế cũng có thể cộng hưởng và được truyền cảm hứng. Nếu chưa kể mà đã sợ người khác cười chê thì chắc không nên làm trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo.
- Đưa nét văn hoá truyền thống Việt hoà nhập với hơi thở đương đại có phải là điều giúp anh ghi điểm với bạn bè phương Tây?
- Điều này có lẽ hỏi họ thì rõ nhất bởi chúng ta khó mà nói được cách thế giới đang nhìn vào chúng ta từ lăng kính chủ quan. Cá nhân tôi cho rằng, đó là một xu thế tất yếu cũng như lựa chọn hợp lý nhất trong thời điểm hiện tại.
Nếu so sánh về điều kiện, cơ sở vật chất, thâm niên, sự chuyên nghiệp thì ta hẳn sẽ khó để lại dấu ấn đậm nét với nền thời trang phương Tây vốn có trình độ vượt trội và bề dày phát triển lâu đời. Chúng ta chỉ có thế mạnh là nét văn hoá truyền thống riêng biệt, có khả năng thu hút thế giới chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Nhưng như thế cũng không có nghĩa là phục dựng những thứ xưa cũ rồi giới thiệu với thế giới đây là thời trang Việt Nam đương đại! Chính vì thế, tôi luôn đề cao sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, để thiết kế của mình bắt kịp dòng chảy xu hướng của thời trang thế giới, nhưng vẫn truyền tải được bản sắc và thông điệp riêng.
- Làng mẫu Việt không thiếu những cái tên đã nỗ lực và tự thân vận động để góp mặt trong những tuần lễ thời trang uy tín thế giới. Điều này liệu có điều gì tương tự với các nhà thiết kế về việc vươn ra biển lớn?
- Chắc chắn là hoàn toàn khác. Với người mẫu, chỉ cần họ đáp ứng được tiêu chí của show diễn, thương hiệu, chương trình là có thể được mời hoặc đặt lịch sang nước khác biểu diễn, góp mặt trong chương trình thời trang lớn nhỏ. Với nhà thiết kế, hay nói chính xác là thương hiệu thời trang, việc được xin biểu diễn chính thức trong một tuần lễ thời trang hay hoạt động thời trang uy tín thì khó khăn hơn rất nhiều.
Họ sẽ cần xét đến nhiều yếu tố liên quan như thương hiệu có uy tín và danh tiếng như thế nào trong nước, hoạt động định kỳ hàng năm như thế nào, có đáp ứng được những tiêu chuẩn về trang phục của thị trường họ hay không, thậm chí là có tiềm năng phát triển kinh doanh lâu dài như thế nào…
Nếu chỉ đem quần áo ra nước ngoài giới thiệu trong một vài chương trình quy mô nhỏ thì không khó, nhưng để thực sự có chỗ đứng đàng hoàng và được công nhận thì chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề và nỗ lực rất nhiều.
- Dường như trong làng thời trang Việt, ranh giới giữa nhà thiết kế và thợ may còn khá mơ hồ. Anh nhận định thế nào về điều này?
- Tôi nghĩ điều này xuất phát từ trong văn hoá. Thuở ban đầu, chúng ta chỉ có nhu cầu “ăn no mặc ấm”, quần áo chỉ là vật ngoài thân nên công việc chính của người thợ may là tạo ra những bộ trang phục thoả mãn được những nhu cầu nhất định của xã hội đương thời. Hẳn nhiên, họ vẫn có thể có những sáng tạo, tìm tòi cách tân để thêm vào trang phục tính thẩm mỹ, tính định hướng và nhiều vấn đề lớn lao hơn. Khi đó chúng ta mới có khái niệm nhà thiết kế thời trang, là người có tư duy sáng tạo, am hiểu nhu cầu ăn mặc của công chúng và định hình những xu hướng, phong cách trên quy mô lớn hơn một vài chiếc áo chiếc quần.
Với thế giới, họ đã tách bạch hai khái niệm trên từ rất lâu, nhưng riêng ở Việt Nam, vì nhiều yếu tố, trong đó theo tôi về đào tạo giáo dục là quan trọng nhất, khiến cho nhiều người không phân biệt hai khái niệm trên. Những người thợ may vẫn truyền nghề cho thế hệ tiếp theo, trong khi sinh viên thiết kế thời trang đôi khi không được đào tạo toàn diện về kỹ thuật cắt may, dẫn đến họ chỉ mới dừng ở những chuyên gia tạo phong cách trên bản vẽ, có kiến thức, có gu thẩm mỹ nhưng thiếu sự cọ xát cần thiết với khách hàng, với quy trình sản xuất để có thể trở thành một nhà thiết kế thời trang đúng nghĩa, đáp ứng được nhu cầu của ngành.
- Bên cạnh việc được đào tạo tại các trường lớp chính quy, yếu tố quan trọng giúp từng cá nhân trở thành nhà thiết kế thực thụ là gì?
- Tôi nghĩ đó là kinh nghiệm thực tế. Ai cũng có thể nói mình đam mê thời trang, am hiểu xu hướng, thông thạo các phong cách, được đào tạo bài bản, có kỹ thuật chuyên môn, thậm chí có tham vọng, hoài bão lớn.
Được như vậy là điều đáng mừng, nhưng các bạn phải bắt tay vào làm mẫu thật, đi tìm nguyên phụ liệu, làm việc với thợ may thợ cắt, tiếp xúc khách hàng, tìm hiểu nhu cầu thị trường, có chiến lược kinh doanh quảng bá hợp lý... để tích lũy cho mình thật nhiều bài học đắt giá mà không trường lớp nào có thể dạy hết được. Sau khi trải qua tất cả những điều đó mà bạn vẫn cảm thấy yêu nghề, muốn sống chết với nghề, thì đó mới là lúc bạn trở thành một nhà thiết kế thực thụ.
- Thời trang ứng dụng cần nhất sự tác động mạnh mẽ đến nhu cầu ăn mặc thường ngày, còn dòng thời trang Haute Couture, anh chú trọng đến điều gì?
- Tôi nghĩ vai trò của Haute Couture là truyền tải những thông điệp về nghệ thuật, về cái đẹp của cá nhân nhà thiết kế để tìm kiếm sự đồng điệu về cảm xúc ở người xem. Ở nước ngoài, Haute Couture vẫn có khả năng kinh doanh, đồng thời tác động bổ trợ cho hoạt động kinh doanh của dòng thời trang may sẵn. Riêng ở Việt Nam, tôi coi đây là một hoạt động nghề nghiệp mình xác định sẽ duy trì lâu dài, vừa để thoả mãn sở thích riêng, vừa là cách để duy trì sự kết nối với tất cả những ai có chung niềm đam mê dành cho cái đẹp duy mỹ.
- Nói về sự sáng tạo thì không có bất cứ một quy tắc khô khan nào cả, nhưng khi nhắc đến thời trang Haute Couture, chắc hẳn sẽ có những tiêu chuẩn nhất định?
- Tôi nghĩ quy chuẩn cũng do con người đặt ra, và người ta cũng không ngừng tìm cách đặt ra những giới hạn mới hay phá bỏ những nguyên tắc cũ không còn hợp thời. Hồi xưa, Haute Couture chỉ có ở Pháp, bây giờ cũng có nhiều nhà thiết kế ở nước khác làm. Couture bán được cho khách mặc thì phải đáp ứng những tiêu chuẩn về may đo sao cho tạo cảm giác thoải mái tuyệt đối cho người mua, vốn đã bỏ ra một số tiền khổng lồ. Nhưng cũng có những bộ Couture tuyệt nhiên chỉ “dùng” được trên sàn diễn mà không cách nào đem đi đâu khác ngoài viện bảo tàng.
Tôi nghĩ điều quan trọng ở Haute Couture là giá trị lao động của các nghệ nhân nhằm tạo nên tác phẩm, đồng thời là giá trị tư tưởng nghệ thuật trong ý tưởng, cảm hứng. Tựu chung lại, đó phải là một tác phẩm tôn vinh cái đẹp tinh tế, được tạo tác từ bàn tay con người.
- Với thời trang Haute Couture, điều gì tạo nên sự hấp dẫn và kích thích anh trong quá trình sáng tạo?
- Với tôi, đó là quá trình triển khai ý tưởng vào trong từng chi tiết, chất liệu, kỹ thuật và mọi công đoạn nhỏ nhất để tạo ra thành phẩm. Bởi đó cũng là lúc mà vẻ đẹp đích thực đang được hoài thai và chờ ngày thành hình.
- Trong mắt anh, thời trang Haute Couture của Việt Nam đang ở thời kỳ thai nghén, sơ sinh hay đã trưởng thành?
- Haute Couture ở Việt Nam đang vào tuổi đi học, học cho đàng hoàng rồi muốn bay nhảy gì thì tính sau.
- Qua một số show diễn gần đây trong Tuần lễ thời trang Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng phong cách Haute Couture nước ta còn nhập nhằng với trang phục hoá trang. Cảm nhận riêng của anh về nhận định trên là gì?
- Điều này tùy thuộc và quan điểm cá nhân của mỗi nhà thiết kế nên không thể bình luận nhiều. Haute Couture của thế giới cũng có nhiều phong cách, có những thứ rất “đồ sộ, kỳ vĩ” hơn cả trang phục hoá trang, cũng có những thứ cực kỳ đơn giản nhưng tuyệt đối tinh tế đến từng đường kim mũi chỉ. Trừ phi bị chính thị trường đào thải, tôi tin mọi phong cách đều có chỗ đứng ngang nhau trong nghệ thuật, và chúng góp phần làm nên một bức tranh tổng thể phong phú và đa dạng.
Duy Khánh thực hiện