![]() |
Cửa hàng quà lưu niệm của Bambou. |
Những con đường nhỏ hẹp của khu nhà thờ Quân Trấn - Hùng Vương nối dài trước đây đã được nâng cấp, mở rộng khang trang với những dãy hàng quán, cửa hàng mang tên Tây, Việt lẫn lộn tiếp nối nhau tập trung trên hai con đường Trần Quang Khải và Biệt Thự.
Gây chú ý nhất, và đông hơn cả khách Tây, là đội ngũ xe ôm, taxi, xích lô kiêm luôn hướng dẫn viên (tour guide). Họ dừng xe nép trên vỉa hè, vạ vật một chỗ nào đó và chờ thấy có bóng dáng khách Tây là nhào ra, chào mời.
Sáng nay, Đức có một tour chở một khách Tây balô đi Đà Lạt. Giá cả đã thoả thuận là 30 USD/ngày. Tour đi dài, hai ngày ba đêm. Anh chuẩn bị quần áo, thay nhớt mới cho con ngựa sắt Bonus, mua dự phòng một chiếc ruột xe. Đúng 6h, Đức ra quán cà phê đầu đường Biệt Thự chờ. Anh không đến khách sạn nơi khách ở để đón vì sợ phải chi tiền cò. 6h30 khách đến, nhưng không phải để lên đường mà để trả giá: 20 USD một ngày thôi. Và thế là huỷ tour.
Việt, một tài xế xe ôm, cho biết: "Biển động, mưa dầm, Tây không xuống biển được nên lên bờ, tìm người hướng dẫn đi các tour Đà Lạt, Hội An, Đà Nẵng, TP HCM... bằng xe gắn máy". Việt và một người bạn nhận được một tour chở hai khách Tây đi TP HCM, giá 40 USD/ngày. Một ngày ngừng tại Cà Ná, một ngày ngừng ở Mũi Né và ngày cuối cùng vào TP HCM.
Khi vào đến TP HCM, cả hai anh đều không biết đường sá gì cả. Thế là buổi tối vừa đến nơi Việt kêu một chiếc taxi, chở cả bốn người lên cà phê 33 tầng. Uống cà phê xong, anh gạ: "Đường sá đông, chạy xe máy nguy hiểm, thôi thì ngày mai mình đi Loco Bus đến thăm các công viên".
Hôm sau, anh đẩy cả bọn lên xe bus, giá chỉ 2.000 đồng/người đi khắp thành phố. Còn ăn thì suốt ngày noodle (phở). Anh nói: "Thế mà bọn Tây lại khoái, cứ good, good miết còn bo thêm 50 USD". Vòng về, hai anh cho xe gắn máy lên xe lửa, làm một giấc về tới Nha Trang.
Chuyện vui buồn của giới tour guide xe máy với khách Tây thì nhiều, nhưng theo như nhận xét của ông chủ một cửa hàng bán hàng lưu niệm trên đường Biệt Thự thì càng ngày các dịch vụ do người Việt Nam khai thác để phục vụ cho khách Tây ở đây càng ít, chủ yếu là xe ôm, bán các món ăn bình dân, cho thuê nhà nghỉ, khách sạn. Còn lại các dịch vụ khác như bán hàng lưu niệm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ lặn biển... đều đã được chuyển sang cho những người nước ngoài làm chủ. Có những con đường mà người nước ngoài làm chủ (chính thức hoặc gián tiếp) để kinh doanh đã lên tới 40, thậm chí 60%.
Không chỉ nguyên cả con đường Trần Quang Khải hay Biệt Thự xuất hiện những cư dân mới da trắng, mắt xanh đến từ khắp nơi trên thế giới mà ở các đoạn đường đan xen như Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương cũng rực rỡ bảng hiệu, hàng quán phục vụ du khách nước ngoài.
"Chợ" cho Tây ở khu vực này khoảng trên dưới một trăm "hộ" kinh doanh không thiếu nhu cầu nào, từ mua sắm hàng lưu niệm, vui chơi, giải trí, ẩm thực, beauty salon, internet đến thu đổi ngoại tệ, vé máy bay, xe khách, các dịch vụ lữ hành...
Điểm thú vị của phố Tây Nha Trang có thể khác nhiều so với những khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, Hội An... chính là chỗ chủ nhân của những hàng quán này cũng lại là những ông Tây, bà đầm... Dạo một vòng khu vực phố này, khách du lịch có thể thấy được nhiều màu sắc văn hóa từ Á sang Âu, bởi mỗi quán, cửa hiệu đều mang một "quốc tịch" khác nhau. Mỗi quán có một gu riêng với những món ăn, thức uống và cách bài trí đặc trưng.
Good Morning Việt Nam, Crazy Kim với những món ăn Ý do chính đầu bếp người Ý đảm trách. Tandori, Bom Bay là những quá ăn Ấn Độ với đặc sản cà ri cơm nị. Món ăn phong cách Nhật như Otô San, cao bồi miền viễn Tây như Why not Bar, Casablanca... , sang trọng, lịch lãm kiểu Tây như Guava, Selene, Mai Anh Cafeteria… hay đậm nét Việt Nam như nhà hàng Thiên Minh, Cyclo Cafe...
Đến Nha Trang du lịch cách đây ba năm, anh chàng 28 tuổi, người Pháp, Numa Janvier đã trót "mê" Nha Trang và quyết định chọn Nha Trang làm nhà. Không một người thân ở Nha Trang, cũng chẳng làm việc cho một công ty nước ngoài nào như nhiều ông chủ ở phố Tây khác, Numa Janvier chọn sinh sống bằng việc mở cửa hàng Bambou chuyên bán vải vóc, quần áo lưu niệm xuất phát từ nhu cầu "không biết tìm mua hàng lưu niệm tặng bạn bè, người thân đảm bảo chất lượng tốt ở đâu" từ lần sang du lịch.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, hiện Bambou còn mở thêm các chi nhánh khác tại Huế, Hội An, TP HCM. Cửa hàng Tây nhưng giá cả khá mềm, chỉ từ 60.000 đến 90.000 đồng/áo thun được chính Numa thiết kế theo ý thích của anh, một người từng là du khách Tây. "Khách du lịch khi đếm Bambou mua sắm chắc chắn sẽ thích hàng ở đây vì mẫu mã không bị đụng hàng. Áo thun có hình ba ly bia tươi kèm dòng chữ "1, 2, 3... dzô!" thì không chỉ người nước ngoài mà dân Việt Nam cũng thích".
"Nhập gia tuỳ giá", cửa hiệu của Tây ở Nha Trang giá rất bình dân, thậm chí có nơi giá "bèo" đến mức khó tin được. Như quán Nhật Otô San cuối đường Nguyễn Thiện Thuật có ông chủ đến từ xứ Phù Tang. Ở đây rượu Shochu pha với mơ, samurai, soda chỉ có giá 5.000 đồng; rượu Sakê Nhật 180 ml chỉ 35.000 đồng, Coke thì chỉ 3.000 đồng/ly và đặc biệt các món hải sản ăn sống: tôm, cá ngừ, mực..., shushi chế biến theo kiểu Nhật chỉ từ 15.000 đến 40.000 đồng.
Ông chủ Otô San, 47 tuổi nói được chút chút tiếng Việt cho biết: "Chỉ mở cửa từ 18 đến 22h, cả cửa hiệu chỉ vỏn vẹn 4 bàn ăn, khách đến mới bày ra và giá cả bình dân như vậy nên kinh doanh không nhằm kiếm lời nhưng tôi có được chỗ tối đến ngồi đọc sách, gặp gỡ đồng hương; còn chuyện kinh doanh thì trông chờ vào nhà nghỉ Thanh Thủy do vợ là người Việt Nam quản lý".
Từ hai kiểu kinh doanh trên mới thấy có một thị trường không nhỏ đang bị các nhà kinh doanh du lịch chuyên nghiệp bỏ quên.