Là người Hà Nội gốc nên Bằng Kiều nhiễm cái chất cầu kỳ, kỹ tính của dân Hà thành khi ăn uống. Trong các món ăn đặc sản của quê hương, phở là món mang nhiều tình cảm nhất với nam ca sĩ khi sống xa nhà. Anh tự nhận mình là người nghiện phở. Ít ai biết, nghệ sĩ chèo Lưu Nga - mẹ của Bằng Kiều - từng mở tiệm phở ở chợ Ngô Sĩ Liên trước đây nên không lấy làm lạ khi anh lại sành ăn đến vậy.
"Mẹ tôi bán phở trước cửa nhà từ hồi tôi còn bé tí. Cỡ bằng bé Kenzi bây giờ, tôi đã biết tự vào làm một bát phở cho mình theo ý thích, nên có thể tạm coi là biết ăn phở Bắc theo kiểu Hà Nội cũ (khoảng từ những năm 1980 đến 2000 thôi, trước nữa thì mù tịt)", "anh Bầu" chia sẻ.
Trong bài viết mới đây trên trang cá nhân, Bằng Kiều nhận xét, với người Hà Nội, phở gà và phở bò cách ăn khác nhau một chút, phở gà thì vắt chanh và tương ớt hoặc ớt tươi, rắc một ít lá chanh thái nhuyễn, phở bò thì dấm ớt tỏi và nửa thìa nước mắm nguyên chất cho dậy mùi thơm của bò. Nếu làm ngược lại sẽ mất mùi vị đặc trưng của 2 loại phở. Ai mà kỹ một chút thì ăn nửa bát để thưởng thức sự tinh tế của người nấu, sau đó mới cho gia vị như ở trên vào. Ở Hà Nội, có vẻ dễ kiếm tiệm nấu phở bò ngon, có thể kể đến phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư (giờ rất nhiều chi nhánh), phở Sướng, phở Thìn, phở Huy ở Phùng Hưng... tuỳ theo khẩu vị và thói quen mỗi người thích tiệm nào.
Riêng phở gà thì mới đây, Bằng Kiều ăn lại ở Đỗ Hạnh (ngã 3 Yết Kiêu - Đỗ Hạnh) thì thấy kém xưa, rồi thử ăn ở phở Châm (phố Yên Ninh), phở Bản (phố Tôn Đức Thắng), phở Hà (Hàng Hòm), phở gà Quán Thánh và vài tiệm nữa nổi tiếng do bạn bè giới thiệu và thấy khá ngon và đầy đặn.
"Nhưng chắc tôi hơi khó tính nên tôi chưa thấy tiệm nào nước dùng ngon như phở bà Nga - người thân sinh ra tôi - ngày xưa. Vì với tôi thì nước dùng (trong Nam gọi là nước lèo) là quan trọng nhất. Nước dùng phải trong, màu hơi vàng, thơm mùi gà tươi, ngọt mà thanh, không dùng mì chính mà ăn không bị cứng. Thịt thì phải chín vừa tới, da hơi giòn, nhiều người thích ăn gà chặt nhưng tôi thì thích gà lọc xương rồi thái vừa, không được nhỏ quá. Có một tiệm phở gà mới mở khoảng hơn nửa năm nay, tạm đạt những yêu cầu dở hơi của tôi là phở gà ở 27 Lý Thường Kiệt", Bằng Kiều bật mí.
Theo anh, quán chỉ bán buổi sáng đến khoảng 10h, đêm thì từ 10h đến 3h sáng, ngồi vỉa hè nhưng rộng rãi, sạch sẽ và có phần hơi "quý phái sang chảnh". Chắc vì vậy nên quán không đông lắm vì nhiều người nghĩ sẽ đắt. Nhưng giá chỉ 45.000 đồng/bát, nhân viên dễ thương và nhiệt tình.
"Xin đính chính là tôi chỉ muốn chia sẻ với những tín đồ nghiện phở để biết thêm một địa chỉ ăn phở gà thôi, hoàn toàn không phải quảng cáo, tôi không được giảm 0,01% nào. Mà đớn đau thay, riêng bát phở của tôi mỗi lần ăn phải trả đến 90.000 đồng vì tôi luôn đòi thêm nhiều thịt đùi. Tôi hay hẹn bạn ra ăn sáng ở đây và chưa người nào chê, hy vọng là anh đầu bếp sẽ nấu đều tay để giữ nguyên chất lượng nếu giả sử quán sau này có đông khách. Chứ thường thì đông khách là hay ẩu rồi giảm bớt công đoạn nên chất lượng hay đi xuống lắm", Bằng Kiều viết.
Những lần trở về quê hương, nam ca sĩ cũng thường xuyên thưởng thức lại các món ăn ngon ở thủ đô để thỏa nỗi nhớ nhà. Ngoài phở gà, Bằng Kiều còn là khách quen của quán "bún chửi" Ngô Sĩ Liên do quán ở ngay gần nhà.