Rất có thể đôi giày bạn bị mất đang nằm ở đây. |
Phố giày “chôm” là “địa danh” mà cả người bán và khách mua hàng đặt tên cho nó. Nằm ngay trung tâm Sài Gòn, trên con phố dài khoảng 300 m có đến hơn 20 tiệm nằm san sát nhau. Chạy theo hướng từ đường Calmette vào, phía bên trái là một dãy tiệm rất kiên cố, với đầy đủ bảng hiệu tên tuổi. Bên phải là một loạt cửa hàng san sát nhau, nhưng giày được bày dưới lòng lề đường.
Theo VnExpress, hằng ngày, từ 9h sáng, cảnh mua bán trên con phố nhỏ này rất tấp nập. Khách mua giày thuộc đủ thành phần khác nhau, từ công nhân, sinh viên, dân chơi thứ thiệt hay… nghệ sĩ dỏm. Họ chạy xe rà rà ngắm nghía những đôi giày đặt dưới lề đường, trên giá đựng, trước các cửa hiệu. Bên trong, tiếng người bán mời gọi, vọng ra í ới.
Một góc phố giày chôm luôn tấp nập. |
Theo một chủ tiệm tên V đa số khách đến mua là người quen do ở đây luôn có "hàng mới". Khách muốn mua giày hiệu gì, đời bao nhiêu thì đặt tiền trước, khoảng một tuần là có. V kể, "hàng mới” có nhiều nguồn gốc khác nhau. Từ những tên đánh giày, kiêm luôn "chôm” giày của khách đến những tên đạo chích chuyên chôm giày ở các nhà chùa, lăng miếu. Khi người hành hương đến những nơi đây cúng vái, họ thường phải bỏ giày ở ngoài sân. Nếu không có người canh giữ, hay người canh giữ sơ ý là chúng “cuỗm” ngay.
Một nguồn thứ ba cung cấp cho các cửa hàng bán giày "chôm" đó là những dân chơi sành điệu. Họ thường thay đổi giày liên tục, nếu có một “đời” nào mới ra là họ sẵn sàng bán rẻ lại đôi giày chỉ mới mua một tháng, để thay giày mới.
Giá cả ở phố giày "chôm" rất đa dạng, chủ yếu là “xem mặt mà bắt hình dong”. Người bán thường hô giá “trên trời”, nếu ai không biết là sẽ bị lừa ngay.