Giữa làn sóng Covid-19 thứ tư, TP HCM giãn cách xã hội theo CT 16, ngành phim Việt Nam dừng mọi hoạt động. Lịch phim chiếu rạp tiếp tục trì hoãn từ năm ngoái sang năm nay. Nhiều dự án điện ảnh và truyền hình không thể sản xuất, ảnh hưởng lịch ra mắt, người làm nghề lao đao về kinh tế. Dù vậy, một vài tia sáng hy vọng vẫn được duy trì.
Lùi quay và trễ sóng
Trao đổi với Ngoisao.net, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết phim truyền hình Mẹ ác ma, cha thiên sứ của anh đã dừng quay hơn một tháng. Theo kế hoạch, phim quay theo kiểu cuốn chiếu và bắt đầu lên sóng từ tháng 7. Hiện tại, phim mới hoàn thành 10 trên tổng số 22 tập, do đó không thể kịp ra mắt khán giả như lịch ban đầu và cũng chưa có kế hoạch mới. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: "Êkíp và các diễn viên nhắn tin nói nhớ đoàn, nhớ không khí đi quay phim. Mọi người đều háo hức phim chiếu tháng 7 vì đây là thời điểm đẹp nhất để phim ra mắt trong năm. Cá nhân tôi tính lịch rất sát sao. Sau Mẹ ác ma, cha thiên sứ, tôi sẽ chuẩn bị cho việc quay phim điện ảnh mới vào tháng 11. Nhưng giờ lịch bị lùi lại, tôi chưa biết phải tính toán làm sao".
Chung "số phận" với Mẹ ác ma, cha thiên sứ là hai phim dài tập Em ước mình cùng bay (Trịnh Thảo, Lãnh Thanh đóng chính) và Giấc mơ của mẹ (NSND Hồng Vân, Diễm My 9x, Nhan Phúc Vinh đóng chính). Chung một đơn vị sản xuất, hai bộ phim đã dừng quay hai tháng. Giấc mơ của mẹ được định ngày ra mắt vào tháng 10. Nhưng với tình hình dịch kéo dài, nhà sản xuất chưa chắc chắn chừng nào phim mới quay tiếp và trình chiếu.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết phim Lưới trời (Nhật Kim Anh, Thân Thúy Hà đóng chính) may mắn kịp đóng máy trước khi Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng hiện giờ phim chưa thể được lồng tiếng. Series phim ngắn với các câu chuyện mang tính nhân văn về đời sống do Phương Điền đạo diễn càng chịu ảnh hưởng nặng hơn bởi dịch bệnh. Mới thực hiện 15 trên tổng số 60 tập thì phim phải dừng quay, anh sợ phim có nguy cơ "lủng sóng" vì không kịp có tập mới đáp ứng lịch chiếu của đài truyền hình. Ngoài ra, nếu các tỉnh thành miền Nam không giãn cách xã hội thì những ngày này, đạo diễn Phương Điền đang đi chọn cảnh cho series phim mới Thời mở cửa.
Theo lịch trình, đạo diễn Lê Thiện Viễn (từng làm Vu quy đại náo, 'Em' là của em) đã bấm máy dự án phim 80 tập từ 15/7. Hiện tại, phim chưa có lịch quay mới. Trước đó, lịch đọc kịch bản và thử phục trang của diễn viên, lịch khảo sát một số bối cảnh cũng bị hủy. Chưa thể đi quay, đạo diễn Lê Thiện Viễn tranh thủ chăm chút thêm cho kịch bản.
Theo chia sẻ của đạo diễn Lý Minh Thắng, việc sản xuất tiền kỳ của phim điện ảnh Quỳnh hoa nhất dạ (Thanh Hằng đóng vai Dương Vân Nga) bị ảnh hưởng bởi dịch nên sẽ không kịp bấm máy vào tháng 8. Đạo diễn Đức Thịnh có dự án phim Tết 2022 (tên tạm thời là Nam nhân ngư) dự kiến quay vào tháng 9. Anh cho biết hiện đã chọn xong diễn viên và tìm được nhà đầu tư. Anh tiếp tục chuẩn bị các khâu khác, vừa làm vừa nghe ngóng tình hình dịch bệnh.
NSƯT Hạnh Thúy dừng công việc giảng dạy từ 17/5 và dừng các công việc phim ảnh từ 31/5. Một phim điện ảnh và một phim truyền hình có chị tham gia đã không thể bấm máy trong tháng 6 như lịch hẹn. Hạnh Thúy tâm sự: "Tôi lo đến lúc mọi thứ cùng khởi động lại, tôi phải buông bớt giữa lúc mọi nguồn thu nhập đều cần thiết thì buồn lắm".
Phim rạp xếp hàng
Từ năm 2020, phim chiếu rạp Việt Nam liên tục bị lùi lịch chiếu do Covid-19. Năm nay, tình trạng này tiếp tục kéo dài. Một số bộ phim lùi từ năm ngoái sang năm nay gồm Lật mặt: 48h, Trạng Tí phiêu lưu ký, Rừng thế mạng. Bốn tháng qua, nhiều phim Việt tiếp tục dời lịch chiếu như Vô diện sát nhân, 1990, Bẫy ngọt ngào, Đêm tối rực rỡ... Khi dịch qua đi, rạp chiếu mở lại, loạt phim này cùng với các phim dự kiến ra rạp trong nửa cuối năm 2021 sẽ đứng trước cục diện cạnh tranh suất chiếu khốc liệt.
Lần cuối cùng giới làm phim tham dự sự kiện công chiếu phim là hôm 28/4 với phim Thiên thần hộ mệnh tại Hà Nội và Trạng Tí phiêu lưu ký ở TP HCM. Khi rạp chiếu TP HCM đóng cửa ngày 3/5 và rạp chiếu Hà Nội đóng cửa ngày 5/5, hai bộ phim này mới chiếu khoảng một tuần, độ phổ biến và doanh thu đều không tốt. Năm 2021, Việt Nam mới có 13 phim ra rạp. Ngoại trừ Bố già lập kỷ lục doanh thu hơn 400 tỷ đồng, Lật mặt: 48h vượt mốc 100 tỷ đồng và Thiên thần hộ mệnh hòa vốn, các phim còn lại đều thu về số tiền không khả quan.
Dù ngành phim trăm bề khó thời dịch, các đạo diễn và nhà sản xuất vẫn giữ tinh thần lạc quan. Đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ: "Gần đây, tôi được mời làm đạo diễn ba phim. Tôi cảm nhận được các nhà đầu tư, nhà sản xuất phim điện ảnh vẫn rất nhiệt huyết và sẵn sàng cho dự án mới. Ban đầu, tôi cứ nghĩ mọi người sẽ dè dặt, nhưng thì ra thị trường vẫn có những năng lượng tích cực riêng".
Đạo diễn Bảo Nhân cho biết công ty của anh và đạo diễn Nam Cito duy trì làm việc online mấy tháng qua. Họ thực hiện từng khâu cho dự án điện ảnh Tứ đại mỹ nhân (Lan Ngọc, Kaity Nguyễn đóng chính). Do dịch, phim không thể casting đại trà nhưng lịch quay không thay đổi. Bảo Nhân hy vọng dịch sớm qua để kế hoạch làm phim diễn ra suôn sẻ.
Eo hẹp kinh tế
Phim không thể quay, nhiều diễn viên và người làm phim mất đi nguồn thu nhập chính. NSƯT Hạnh Thúy cho biết nhiều nghệ sĩ áp lực tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt thường ngày, một số nghệ sĩ lão thành sống neo đơn, kinh tế eo hẹp lại không có người thân chăm nom. Mất nguồn thu nhập chính, một số nghệ sĩ phải xoay xở mưu sinh bằng đủ thứ nghề, phổ biến nhất là livestream bán hàng.
Tuần trước, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kêu gọi thành lập "Quỹ hỗ trợ filmmaker". Ngoài tiền cá nhân của Nguyễn Quang Dũng và một nhóm nhà sản xuất, quỹ nhận được sự chung tay của nhiều nhà làm phim, diễn viên và khán giả, tích lũy hơn 800 triệu đồng, giúp hơn 500 nhân sự làm thiết kế, kỹ thuật, hậu trường... của các đoàn phim thất nghiệp thời dịch. Quá trình thực hiện ý tưởng này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không ngờ những người thường ngày đi làm thong thả có lúc rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế.
Phong Kiều