Nhà phát hành Galaxy cho biết trong tuần qua, phim Em và Trịnh (136 phút) chiếm ưu thế hơn phim Trịnh Công Sơn (95 phút) về lượng vé bán ra. Họ nhận thấy phim Trịnh Công Sơn có lựa chọn từ khán giả ít hơn. Do đó, nhà sản xuất và nhà phát hành sẽ rút phim Trịnh Công Sơn sau 16/6. Từ 17/6, duy nhất phim Em và Trịnh trụ rạp.
Cùng ra rạp hôm 10/6, phim Em và Trịnh áp đảo phim Trịnh Công Sơn về lượng suất chiếu. Đến nay, Em và Trịnh gần chạm mốc doanh thu 24,9 tỷ đồng; trong khi Trịnh Công Sơn thu được chưa tới 1,7 tỷ đồng. Với kinh phí đầu tư hơn 50 tỷ đồng, hai phim phải thu về hơn 100 tỷ đồng mới hòa vốn.
Trịnh Công Sơn dừng chiếu dẫn đến một số tình tiết trong kịch bản không được phổ biến với số đông khán giả, bao gồm cảnh Trịnh Công Sơn thời trẻ đợi danh ca Thanh Thúy bên ngoài phòng trà, số phận nhóm bạn thân của nhạc sĩ. Nhân vật danh ca Thanh Thúy cũng bớt một cảnh hát.
Nhưng so với bản Trịnh Công Sơn, bản Em và Trịnh tô đậm câu chuyện riêng của danh ca Khánh Ly, nối dài mối tình Trịnh Công Sơn - Dao Ánh đến thập niên 1990 và bổ sung câu chuyện về Michiko - người phụ nữ đáng lẽ đã trở thành vợ của nhạc sĩ.
Em và Trịnh và Trịnh Công Sơn vốn là một phim trên kịch bản lẫn trong lúc quay. Nhưng ở khâu hậu kỳ, hai bản phim chọn cách kể với trọng tâm câu chuyện khác nhau.
Em và Trịnh đan xen câu chuyện của Trịnh Công Sơn tuổi ngoài 40 và khi đôi mươi, tái hiện các lát cắt cuộc đời nhạc sĩ gắn liền âm nhạc, gia đình, tình yêu, bạn bè, thời cuộc.
Trịnh Công Sơn nhìn nhận người nghệ sĩ ở phương diện âm nhạc, tái hiện bối cảnh ra đời từng ca khúc kinh điển của ông. Trong đó, mỗi bài hát gắn liền một bóng hồng đi ngang đời ông.
Nội dung của Trịnh Công Sơn gần như nằm trọn vẹn trong Em và Trịnh. Đây là lý do chính để khán giả ưu tiên chọn bản phim dài hơn.
Phong Kiều