Năm 2020, kế hoạch sản xuất Em và Trịnh - phim điện ảnh tiểu sử về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công bố. Hai năm qua, duy nhất tựa đề này được giới thiệu trước công chúng. Nhưng khoảng một tuần trước ngày phim ra mắt, nhà sản xuất và nhà phát hành tiết lộ hai phim Em và Trịnh - Trịnh Công Sơn cùng chiếu rạp từ ngày 10/6.
Hai phim vốn là một trên kịch bản và trong quá trình quay, nhưng khác biệt ở khâu hậu kỳ. Em và Trịnh có thời lượng 135 phút, hay được gọi là bản dài. Trịnh Công Sơn với thời lượng 96 phút, thường được gọi là bản ngắn.
Qua hai phim, thái độ của người làm phim đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông cùng các nhân vật liên quan không thay đổi. Song, lối dẫn dắt câu chuyện khác nhau, lựa chọn trọng tâm câu chuyện khác nhau và cách đặt để một số cảnh phim khác nhau tạo nên góc nhìn riêng, cảm xúc riêng ở từng bản phim.
'Em và Trịnh' - đời người nghệ sĩ khao khát yêu thương và tôn thờ âm nhạc
Bộ phim mở màn bằng chuyến lưu diễn của anh em Trịnh Công Sơn - Trịnh Vĩnh Trinh ở Paris năm 1989. Tại đó, nhạc sĩ gặp Michiko, cô du học sinh người Nhật yêu mến âm nhạc của ông. Michiko ngỏ lời nhờ nhạc sĩ giúp cô làm luận văn nghiên cứu nhạc Trịnh nhưng ông từ chối.
Một năm sau, Michiko tới Việt Nam, tìm đến căn nhà của gia đình họ Trịnh. Lòng nhiệt tình của cô gái xứ lạ thuyết phục Trịnh Công Sơn nhận lời giúp cô. Qua những cuộc chuyện trò giữa họ, từng lớp ký ức của Trịnh về thời thanh niên sôi nổi bên bè bạn, những rung động yêu đương chóng vánh hay sâu sắc với các nàng thơ và câu chuyện dẫn lối cho từng khúc ca bất hủ dần được hé mở.
Phim đan xen hiện tại và quá khứ. Từ tốn bước vào cuộc tình mới với Michiko, Trịnh Công Sơn của thập niên 1990 giống như soi chiếu lại những mối quan hệ đã thành dĩ vãng với Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly cách đó 30 năm.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kết nối hiện tại - quá khứ bằng nhiều phương tiện tinh tế. Có lúc, bình luận của Michiko về đề tài phản chiến trong âm nhạc Trịnh Công Sơn gợi ông nhớ lại cuộc tranh luận với người bạn thân Ngô Kha về lập trường chính trị giữa thời binh biến loạn lạc. Có khi, câu hỏi "Có nhiều nàng thơ bên anh, sao anh chưa lấy vợ?" làm ông trầm ngâm hồi tưởng về duyên tình lỡ làng với Dao Ánh. Lần khác, ông nhớ về tháng ngày sống trọn vẹn trong biển tình âm nhạc cùng Khánh Ly khi ngồi xe ngang qua những cánh rừng Đà Lạt.
'Trịnh Công Sơn' - cuộc đời âm nhạc của huyền thoại tân nhạc Việt Nam
Khác với bản dài, bản ngắn kể về Trịnh Công Sơn theo chiều dài sự nghiệp âm nhạc. Phim mở đầu bằng lời than trong tiếng nghẹn ngào: "Anh e âm nhạc đã bỏ anh đi rồi" của Trịnh và khép lại bằng màn giới thiệu của ông về Hồng Nhung - đánh dấu chương mới trong dòng chảy nhạc Trịnh.
Xuyên suốt đó là lịch sử ra đời của nhiều ca khúc kinh điển. Ướt mi được Trịnh Công Sơn dành riêng cho danh ca Thanh Thúy. Diễm xưa vang lên trong tâm trí chàng Trịnh lúc chàng ngắm nhìn cơn mưa trút xuống tầng tháp cổ xứ Huế, sau khi bị bố của Bích Diễm tống cổ khỏi nhà nàng. Còn tuổi nào cho em và Tuổi đá buồn được viết ra bằng "nỗi nhớ chưa khô trên những bức thư" Trịnh gửi Dao Ánh những ngày yêu xa. Nhìn những mùa thu đi được ông đo ni đóng giày cho chất giọng buồn một cách bình thản của Khánh Ly.
Phim tập trung tuổi trẻ của nhạc sĩ. Ở đó, người xem tìm thấy nhiều đồng điệu bởi những điều thanh xuân thời nào cũng có. Trịnh Công Sơn và nhóm bạn "ho ra thơ, thở ra văn" nhưng cũng có những trò nghịch ngợm thời trai trẻ, cũng xiêu lòng trước dung nhan người đẹp, cũng cùng nhau "tân trang" vẻ ngoài và hộ tống bạn mình làm quen con gái. Có khác chăng là vấn đề thời đại khiến, các thanh niên ấy khó có thể tự do theo đuổi mộng ước như người trẻ thời bình.
Những khoảnh khắc như thế tạo nên nét chấm phá tươi trẻ của dòng phim thần tượng, mang đến những tiếng cười dí dỏm giữa cuốn phim đậm màu cổ điển. Và không chỉ có Trịnh Công Sơn, bốn người bạn của ông cũng bộc lộ cá tính cùng số phận đủ rõ ràng dù chỉ lướt qua.
Cuốn phim cuộc đời và cuốn phim âm nhạc
Phim Em và Trịnh dùng góc nhìn thứ ba, kể về Trịnh Công Sơn qua lăng kính của biên kịch và đạo diễn. Trong khi phim Trịnh Công Sơn ngay từ đầu dùng giọng tự thuật xưng tôi của nhạc sĩ, giống như viết nên cuốn hồi ký để nhạc sĩ nhìn lại âm nhạc của mình.
Tuổi trẻ của Trịnh được tìm thấy ở cả hai phim nhưng giai đoạn tuổi ngoài 40 của ông chỉ được kể trong Em và Trịnh. Bản ngắn Trịnh Công Sơn chỉ khai thác góc nhìn của chàng Trịnh về các bóng hồng, bản dài Em và Trịnh có thêm góc nhìn của các nàng về quan hệ giữa họ. Ở bản dài, tuyến truyện về bạn bè của Trịnh Công Sơn, danh ca Thanh Thúy, nàng thơ Bích Diễm được thu ngắn; còn tình yêu với Dao Ánh, tình tri kỷ với Khánh Ly được tô đậm hơn.
Vấn đề thời cuộc không thể tách rời cả hai phim. Nhưng Trịnh Công Sơn khai thác yếu tố này nhiều hơn với dung lượng hình ảnh từ các phim tài liệu, phóng sự dày hơn. Giữa hai bản, Em và Trịnh giàu tính truyện điện ảnh hơn. Trịnh Công Sơn có phần khô hơn khi mang dáng dấp phim tư liệu, điểm lại từng cột mốc nhạc Trịnh. Đôi khi, bản ngắn này tựa như cuốn video âm nhạc kéo dài, nối liền các nhạc phẩm dán nhãn Trịnh Công Sơn.
Điểm tương đồng nổi bật của hai phim là vẻ đẹp của hình ảnh và âm nhạc. Nhạc Trịnh vẫn đầy hoài niệm nhưng khoác thêm lớp áo mới qua bản phối mới của nhạc sĩ Đức Trí cùng các giọng ca nhiều thế hệ. Bối cảnh, phục trang, dàn cảnh cho thấy sự dụng công lớn, đưa người xem ngược dòng thời gian về với những thập niên cũ và có được trải nghiệm điện ảnh duy mỹ.
Sau hơn hai ngày chiếu, bản dài có lợi thế hơn về số suất chiếu và doanh thu rạp. Đến trưa 12/6, Em và Trịnh gần chạm mốc 10 tỷ đồng, còn Trịnh Công Sơn kiếm được chưa đến một tỷ đồng.
Phong Kiều