Ngoài trào lưu web drama ra rạp ngày càng phổ biến, làng phim Việt có một số trường hợp lạ trong sản xuất và phát hành.
Một phim ra rạp hai bản
Sát ngày công chiếu, dự án điện ảnh Em và Trịnh bất ngờ thông báo có hai bản phim cùng phát hành ngày 10/6: Em và Trịnh (dài 136 phút, được gọi là bản dài) và Trịnh Công Sơn (dài 95 phút, được gọi là bản ngắn). Hai phim có cùng êkíp sản xuất, đạo diễn, dàn diễn viên và về bản chất dàn dựng từ cùng một kịch bản, chỉ là cách kể chuyện khác nhau.
Bản dài tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cả thời hoa niên và khi trung niên. Còn ở bản ngắn, thời thanh xuân của Trịnh bên bạn bè và các nàng thơ là trọng tâm, hình ảnh nhạc sĩ tuổi ngoài 40 chỉ được nhắc tới ở hai cảnh. Một số tuyến vai chỉ xuất hiện ở bản dài, không có trong bản ngắn.
Trailer phim 'Em và Trịnh'
Thực tế, đây không phải lần đầu điện ảnh Việt có một phim ra rạp hai bản. Em là bà nội của anh và Chị trợ lý của anh từng chọn cách phát hành này.
Sau tiếng vang dịp Giáng sinh 2015, Em là bà nội của anh ấn định tái xuất Tết 2016 với bản đặc biệt có thêm một số cảnh. Với phim đầu tay Chị trợ lý của anh, ca sĩ Mỹ Tâm cũng tung ra bản phụ sau hơn một tháng ra mắt bản gốc, thêm tình tiết và thay đổi kết phim.
Em là bà nội của anh ra mắt bản đặc biệt khi bản gốc đã dừng chiếu, còn Chị trợ lý của anh bản phụ trình chiếu khi bản chính chuẩn bị rời rạp. Hai bản của các phim này được định dạng cùng một tựa đề. Ngoài việc tri ân khán giả, bản phim thứ hai còn nhằm mục đích tăng doanh thu cho tác phẩm. Song, chỉ có Em là bà nội của anh đạt được kỳ vọng khi thu về 102 tỷ đồng.
Khác với hai phim này, Em và Trịnh - Trịnh Công Sơn có lịch chiếu cùng ngày, có tựa đề khác nhau. Việc này dễ gây nhầm lẫn cho khán giả, hoặc có thể làm khán giả khó lựa chọn bản phim để thưởng thức. Ngày đầu tiên ra rạp, Em và Trịnh (bản dài) vượt 1,4 tỷ đồng tiền vé, cho thấy lợi thế so với Trịnh Công Sơn (bản ngắn) với hơn 230 triệu đồng.

Mỹ Tâm thay đổi kết cục của phim 'Chị trợ lý của anh' khi ra mắt bản phim thứ hai.
Phim chuyển thể từ MV
Đến nay, Em gái mưa là sản phẩm duy nhất lựa chọn hướng sản xuất này. Từ MV đình đám của ca sĩ Hương Tràm, câu chuyện cô nữ sinh yêu thầm thầy giáo được phát triển và viết nên cái kết trọn vẹn ở bản phim chiếu rạp.
Ca khúc Em gái mưa được dùng làm tên và bài hát chủ đề của phim. Hai sản phẩm cùng do Kawaii Tuấn Anh đạo diễn và Mai Tài Phến đóng nam chính. Trong khi đó, ca sĩ Hương Tràm xuất hiện trên phim với vai trò khách mời. Nhưng Em gái mưa bản điện ảnh không tạo tiếng vang như MV, sớm "chết yểu" vì không được đánh giá cao về chất lượng.
Một trường hợp khác về MV và phim cùng tên trong showbiz Việt là Người lạ ơi. Nhưng hai sản phẩm này không liên quan về kịch bản, chỉ cùng gắn với tên tuổi rapper Karik.

Đến nay, 'Em gái mưa' là phim Việt duy nhất chuyển thể từ video của một ca khúc.
Phim rạp thành phim dài tập, phim dài tập chiếu rạp
Giữa thập niên 2010, bản điện ảnh của phim truyền hình đã nổi tiếng và bản truyền hình của phim điện ảnh đã tạo tiếng vang trở nên thịnh hành ở Trung Quốc. Nổi bật là cặp phim Cao lương đỏ - bản điện ảnh làm nên tên tuổi Củng Lợi và bản truyền hình gắn với danh tiếng Châu Tấn; Thất Nguyệt và An Sinh - bản điện ảnh do Châu Đông Vũ và Ma Tư Thuần đóng chính, bản truyền hình do Thẩm Nguyệt và Trần Đô Linh đóng chính; Tam sinh tam thế thập lý đào hoa - bản truyền hình của Dương Mịch và Triệu Hựu Đình, bản điện ảnh của Lưu Diệc Phi và Dương Dương...
Tại Việt Nam, phim điện ảnh và phim dài tập gần đây cũng có hiện tượng chuyển dịch qua lại một cách linh động tương tự. Nhưng trong khi các bản phim cùng nội dung của Trung Quốc được sản xuất riêng lẻ, hai bản của cùng một phim tại Việt Nam liên quan chặt chẽ.
Nhiều sao Việt đổ xô đưa web drama lên màn ảnh rộng. Thành công có Bố già của Trấn Thành, Chị Mười Ba của Thu Trang - Tiến Luật, Pháp sư mù của Huỳnh Lập. Thua lỗ có Mến gái miền Tây (từ web drama Ghe bẹo ghẹo ai) của Võ Đăng Khoa.
Trong số này, bản phim rạp đa phần nối tiếp câu chuyện của web drama, riêng Bố già làm ra câu chuyện khác hẳn. Dàn diễn viên của hai bản phim cũng giống nhau. Sức hút của loạt sản phẩm này chủ yếu dựa trên lượng khán giả đã yêu thích bản web drama hoặc người hâm mộ của nghệ sĩ tạo ra chúng.

'Bố già' bản chiếu rạp quy tụ dàn sao khá giống web drama nhưng nội dung độc lập.
Cùng lúc, một số phim điện ảnh rời rạp không lâu đã tái ngộ khán giả bằng bản series trên các nền tảng trực tuyến.
Năm 2020, Thất sơn tâm linh lấy lại tên cũ Thiên linh cái, dựng thành series 5 tập. Sắp tới, Chuyện ma gần nhà cũng lên Netflix với ba tập phim. Trong khi đó, Trà xanh đấu siêu lừa ban đầu được sản xuất là web drama nhưng phát hành bản chiếu rạp trước (với tên Mưu kế thượng lưu), rồi quay lại chiếu trực tuyến.
Nhiều năm nay, phim rạp phát hành DVD hoặc chiếu trực tuyến sau khi rời rạp không còn lạ. Tuy nhiên, việc "biến hóa" phim từ 90 phút, hai tiếng rạp thành các bản phim dài tập phần nào khơi gợi tò mò của những người đã xem phim, giúp tác phẩm có thể đến với công chúng dưới nhiều hình hài đa dạng. Các cảnh bị cắt trong bản phim rạp cũng được bù đắp trong bản dài tập. Đây đồng thời là phương tiện hiệu quả để tăng thêm doanh thu cho nhà sản xuất.

'Chuyện ma gần nha' chuẩn bị tái ngộ khán giả bằng bản series.
Phong Kiều