Ròm được phát triển từ phim ngắn 16:30 (sản xuất năm 2012), cùng của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy. Bộ phim kể về cuộc đời của chú bé Ròm, lạc cha mẹ, sống vất vưởng ngoài đường và kiếm sống bằng nghề bán vé dò số đề, lâu lâu nhận mối "chân chạy" giao lô đề. Thông qua hành trình mưu sinh và tìm kiếm cha mẹ của Ròm, phim đề cập thêm một nhóm nhân vật phụ - những người thuộc tầng lớp lao động thấp, nghiện chơi đề, sống trong một chung cư cũ đang chờ giải tỏa.
Là nhân vật chính của phim, nhưng Ròm cũng có thể được xem là người trung gian kể chuyện, để đạo diễn lật mở bức tranh Sài Gòn từ góc nhìn dưới đáy xã hội. Theo bước chân của Ròm quanh khung giờ xổ số bốn rưỡi chiều mỗi ngày, bộ phim luân hồi dịch chuyển từ chung cư xuống cấp ra tới khoảng sông ngập rác, đường tàu tụ nước, quán nhậu ven đường...
Khác với hình ảnh hoa lệ, hiện đại thường thấy trên phim, Sài Gòn trong phim Ròm là Sài Gòn của khu ổ chuột, ẩm mốc, bẩn thỉu và đôi khi xộc lên cả mùi hôi thối của cống rãnh. Ấy là Sài Gòn của đám trẻ đường phố, của lớp người lao động nghèo - những phận người mà trên đầu tóc, người ngợm, quần áo, mồ hôi bết dính với bụi đất, đôi khi cả máu và nước mắt.
Cư dân trong phim Ròm toàn những người nghề nghiệp không rõ ràng, chỉ rõ nhất đam mê bất tận với lô đề. Ảo vọng đổi đời bằng trò đen đỏ đẩy họ vào sự mê muội, có lúc nảy sinh bạo lực, đánh đổi lương tri. Những cảnh phim cả xóm làm lễ gọi hồn xin số đánh đề, hân hoan lúc trúng số, đánh chửi đám trẻ bán vé dò khi thua tiền dễ khiến người ta bật cười, nhưng là cái cười chua chát đầy mỉa mai và thương hại. Hình ảnh khu dân cư như thế giống như sự phản chiếu ký ức của nhiều người về các xóm bụi, xóm liều đầy rẫy tệ nạn cách đây chừng hai chục năm, bên rìa các đô thị đang phát triển.
Trong Ròm, ai cũng khổ, khổ vì nghèo và khổ vì tự làm mình khổ, vì lười biếng, sống dựa hơi kiếp đỏ đen. Những khung hình chao nghiêng đầy sức hút thị giác là biểu tượng về tâm lý chênh vênh, vô định của các nhân vật đối với chính cuộc đời của họ. Nhạc nền, âm thanh dồn dập thì tựa như nhịp tim, bước chân chạy không ngừng nghỉ của họ trên đường đời. Chạy để kiếm ăn, mong đổi đời, nhưng chạy hoài, chạy mãi, họ cũng chẳng biết phải chạy bao lâu, bao xa mới thực sự thoát ra được cảnh nghèo túng về vật chất lẫn tinh thần.
Và trong Ròm, không ai là người tốt hoàn toàn. Ngay cả đứa trẻ yêu hội họa, ấp ủ trong lòng giấc mơ thuần khiết gặp lại mẹ cha như Ròm cũng bị những khắc nghiệt nơi đường phố làm tâm tính nhuốm màu xám của chiêu trò lừa gạt.
Bộ phim khép lại với cái kết lửng lơ, không rõ ràng số phận nhân vật nhưng thực tế. Đối với những con người kiếm ăn bên lề đường, đời sống của họ rốt cuộc vẫn quẩn quanh như vậy, chẳng khác được. Chung cư cũ có thể đập đi xây mới. Đất đai rồi sẽ giải tỏa. Nhưng còn những con người như vậy không biết trông chờ ai giải thoát, cũng chẳng đủ sức tự giải thoát mình khỏi cái nghèo và sự tối tăm.
Ròm gieo vào khán giả nhiều cảnh tượng ám ảnh, ví như cảnh hai thằng bé bán vé dò dìm nhau dưới con sông lềnh bềnh rác, đấm nhau đến hộc máu mồm, lăn lộn trên vũng nước bẩn, giằng co nhau giữa đường ray có đoàn toàn sắp chạy qua... Cảnh phim dân cư quây quần chờ mua vé dò hay cảnh chung cư bốc cháy cũng là những đại cảnh ấn tượng. Chưa kể, hàng loạt cảnh Ròm chạy giành khách, luồn lách qua các ngõ hẻm, khu chợ tạo không khí căng thẳng và hấp dẫn.
Xem những cảnh như thế, khán giả thấm thía sự hết lòng của diễn viên cho vai diễn, từ nghệ sĩ gạo cội Thiên Kim, Mai Trần tới các diễn viên chuyên nghiệp như Mai Thế Hiệp, Thanh Tú và cả những gương mặt mới rẽ ngang điện ảnh. Ấn tượng nhất trong phim là chú bé Ròm - Anh Khoa. Đảm nhận vai này từ phim ngắn 16:30 tới phim dài Ròm, Khoa giống như sống cùng nhân vật thay vì diễn xuất. Em luyện giọng cà lăm, tập dáng đi lòng khòng và không ngại lăn xả, lội nước mưa ngập, bơi dưới sông thối, bị đánh thật...
Để lại nhiều nghĩ suy cho khán giả, Ròm là bộ phim tả thực, rất đời và xúc động về những thân phận bên lề xã hội. Tuy vậy, phim gây đáng tiếc ở một số chi tiết nhỏ. Tốt vô điều kiện với Ròm nhưng sau này cắn răng làm trái lương tâm, nhân vật bà Ghi (Cát Phượng đóng) - người trung gian ghi lô đề - trở nên thiếu thuyết phục giữa bối cảnh của phim.
Diễn viên Anh Tú Wilson (vai Khoa - đối thủ của Ròm) vốn có sở trường nhảy parkour, nên đem đến nhiều cảnh phim thú vị với môn thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, đạo diễn dường như lạm dụng điều này trên phim, đôi khi gây gượng gạo cho tình huống. Đài từ không rõ ràng là một điểm trừ của các diễn viên trẻ, khiến thoại phim nhiều lúc khó nghe, khó nắm bắt.
Sau ba ngày công chiếu, Ròm thu về khoảng 30 tỷ đồng. Đây là một thành tích ấn tượng của điện ảnh Việt trong thời điểm rạp chiếu "đóng băng" quá lâu vì Covid-19. Phim nhận lời khen từ nhiều nghệ sĩ, sao hạng A của showbiz, là tác phẩm vực dậy tinh thần phim Việt sau dịch. Bộ phim hiện vẫn chiếu tại các rạp toàn quốc.
Phong Kiều