Ròm được phát triển từ phim ngắn 16:30 cũng của đạo diễn Trần Thanh Huy. Phim xoay quanh cuộc đời của cậu bé Ròm (Anh Khoa đóng) mưu sinh bằng nghề bán vé dò số đề, ôm mộng tìm lại bố mẹ ruột. Kiếm tiền nuôi thân đã khó, Ròm còn phải tranh giành địa bàn với với Phúc (Anh Tú Wilson đóng). Cuộc đua và tham vọng cá nhân đẩy hai cậu bé vào những tình huống mạo hiểm tính mạng và đôi khi phải đánh đổi lương tri.
Từ tám năm gian nan thành hình...
Không dự án điện ảnh nào có thể thành hình mà không trải qua những nan giải và thử thách. Riêng với Ròm, hành trình mà bộ phim đi qua có lẽ đạt mức kỷ lục ở Việt Nam, đó là tám năm từ khi "thai nghén" tới khi công chiếu trong nước.
Tính theo đơn vị ngày, bộ phim có tổng thời gian quay 89 ngày. Nhưng 89 ngày đó không xuyên suốt, mà ngắt quãng và trải dài qua vài năm. Nhiều lần khi phim còn dang dở, chi phí hao hụt, đạo diễn và sản xuất lại dừng phim, đi làm việc khác để kiếm tiền "nuôi" phim.
Phim hạn chế sử dụng đèn khi quay, tận dụng ánh sáng tự nhiên. Muốn quay nắng, êkíp phải canh thứ ánh sáng đẹp nhất, phù hợp nhất. Muốn quay mưa, họ phải đợi lúc Sài Gòn mưa rào và gây ngập. Trong một video hậu trường, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc tiết lộ mỗi cảnh đợi nắng, canh mưa của phim Ròm kéo dài một tới hai tháng. Không ít lần, cả đoàn xách máy đi quay. Đợi mãi không tìm thấy ánh nắng như ý hoặc thấy trời mưa nhưng không gây ngập, tất cả lại tay không trở về.
Cộng thêm thời gian viết và chỉnh sửa kịch bản, giai đoạn hậu kỳ và phát hành, Ròm gói gọn quãng thời gian từ khi đạo diễn Trần Thanh Huy chớm ngoài đôi mươi, mới tốt nghiệp thủ khoa ngành đạo diễn trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, tới khi anh chạm mốc ba mươi.
Tuy nhiên, hoàn thiện quay và dựng không có nghĩa là Ròm đã trọn vẹn đến với khán giả. Bộ phim thêm một lần thử thách vào năm 2019. Giành giải cao nhất ở hạng mục New Currents (hạng mục dành cho phim đầu tay) tại LHP Busan, Hàn Quốc, nhưng phim vướng lệnh cấm chiếu, bắt tiêu hủy trong nước. Sau nhiều nỗ lực, Ròm bị phạt hành chính nhưng may mắn vượt ải kiểm duyệt. Đến lúc này, phim lại gặp Covid-19, phải dời lịch chiếu hai tháng.
Có lẽ, nhiều người sẽ đặt những câu hỏi "vì đâu" cho bộ phim này: "Vì đâu êkíp bền bỉ vượt qua tám năm nhiều gian truân đến vậy?", "Vì đâu phim trở thành tác phẩm Việt Nam đầu tiên được vinh danh ở LHP Busan?", "Vì đâu phim từng bị cân nhắc kiểm duyệt?"... Vậy là, trước khi câu chuyện của cậu bé Ròm trong phim tiếp cận với khán giả, câu chuyện phía sau màn ảnh của bộ phim đã đủ gây quan tâm, tò mò cho người làm phim, giới showbiz lẫn một bộ phận khán giả yêu điện ảnh.
...tới ngày công chiếu mang dấu ấn phim Việt
Sau đợt dịch Covid-19 thứ hai, Ròm là cái tên tiên phong của phim Việt chọn ngày ra rạp. Trong khi nhiều phim lớn còn "ém hàng", một bộ phim nhỏ bé với kinh phí hạn hẹp, đạo diễn lần đầu có phim dài, diễn viên không tên tuổi ngôi sao đã mạnh dạn thử nghiệm kéo công chúng trở lại với rạp chiếu.
Tối 23/9, phim Ròm tổ chức buổi công chiếu ở TP HCM. Sự kiện quy tụ khoảng 1.000 khách, gồm nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên, ca sĩ..., phủ kín vài phòng chiếu. Trước Ròm, có lẽ chỉ bom tấn như Avengers, Kong: Skull Island mới đủ sức làm nên buổi công chiếu phim náo nhiệt đến vậy. Và cũng lâu lắm rồi, giới làm phim, giới nghệ sĩ ở Việt Nam mới hội tụ đông vui như thế ở một sự kiện. Nhiều ngôi sao hạng A như diva Hồng Nhung, ca sĩ Mỹ Tâm... ít khi dự các buổi công chiếu phim trong nước, nhưng hôm đó bất ngờ hiện diện.
Khép lại bộ phim, khi những dòng chữ đầu tiên ở phần credit hiện lên màn hình, MC Trấn Thành, ca sĩ Mỹ Tâm là những người đầu tiên đứng dậy vỗ tay. Vài trăm khán giả trong phòng chiếu IMAX cùng đứng lên, nối dài tràng vỗ tay đặc biệt ấy. Họ chúc mừng một bộ phim tròn trịa, tán thưởng tinh thần nhiệt huyết và bền bỉ của đoàn phim và ít nhiều xúc động với thành quả lao động của những người làm phim trẻ. Bước xuống trước màn hình lớn, đạo diễn Trần Thanh Huy cùng những cộng sự trong êkíp ôm lấy nhau, đón nhận và cảm tạ tình yêu thương của mọi người.
Chính thức ra rạp ngày 25/9, Ròm vượt mốc 16.000 vé đặt trước từ trước đó gần một ngày. Sau cú sốc Covid-19, thị trường phim Việt chịu ảnh hưởng nặng. Ở họp báo thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19, thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch kêu gọi phim Việt ra rạp để chấn hưng điện ảnh. Các nhà rạp bày tỏ cần phim. Trong khi các nhà sản xuất, hãng phát hành còn nhiều dè dặt, cân nhắc bài toán lợi nhuận khi phim công chiếu vào lúc này. Giữa bối cảnh như thế, Ròm - bằng hành trình làm phim nhiệt huyết và bằng không khí rộn ràng phim tạo ra khi ra mắt - đã lan tỏa năng lượng tích cực, lạc quan về phim Việt, trong tâm trí người làm phim, phát hành phim và cả khán giả.
Phong Kiều