Năm 2024, Việt Nam có 29 phim ra rạp. Con số này cao hơn năm 2020 (24 phim), 2021 (14 phim) và 2023 (28 phim); nhưng thấp hơn năm 2018-2019 (cùng 40 phim) và năm 2022 (38 phim).
Lý Hải, Trấn Thành thống lĩnh thị trường
Theo báo cáo của đơn vị quan sát phòng vé Box Office Vietnam, năm qua, toàn bộ thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam thu về hơn 4.699 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ 29 phim Việt Nam chiếm hơn 40,9% với 1.922,8 tỷ đồng.
Từ góc độ tổng quan, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường nội địa. Nhưng thực tế, doanh thu chủ yếu tập trung vào số lượng ít phim, trong khi phim thua lỗ còn nhiều. Trong số 1.922,8 tỷ đồng, Mai đóng góp 551,2 tỷ đồng; chiếm gần 28,7%; Lật mặt 7: Một điều ước góp hơn 25,1% với 482,7 tỷ đồng.
Cục diện này tương tự năm 2023, khi xấp xỉ một nửa tổng doanh thu thị trường phim trong nước đến từ phim của Trấn Thành và Lý Hải. Là đạo diễn tay ngang nhưng bộ đôi này trở thành hai "thế lực" của phòng vé nội địa. Đây cũng là hai nhà làm phim có tổng doanh thu nghìn tỷ đồng đầu tiên tại Việt Nam.
Lý Hải xây dựng thành công thương hiệu Lật mặt với mỗi phần là một câu chuyện tách biệt, tạo cho khán giả ấn tượng mỗi dịp lễ 30/4-1/5 hàng năm sẽ có phim của anh chiếu rạp. Trấn Thành cho thấy khả năng tái hiện đời sống bình dân trên màn ảnh một cách chân thật và thú vị, đồng thời trở thành cái tên quen thuộc của đường đua phim Tết.
Mai và Lật mặt 7 hiện nắm giữ hai vị trí đầu bảng doanh thu của toàn bộ điện ảnh Việt Nam; ngoài ra lần lượt xếp thứ 99 và 110 trong danh sách 200 phim ăn khách nhất thế giới năm 2024, theo hiển thị của trang theo dõi phòng vé toàn cầu Box Office Mojo.
Chủ đề gia đình ăn khách
Năm 2024, điện ảnh Việt chỉ có bốn phim vượt mốc doanh thu trăm tỷ đồng trong năm 2024. Ngoài Mai và Lật mặt 7, hai phim còn lại là Làm giàu với ma (128 tỷ đồng) và Ma da (127 tỷ đồng), dù hai phim này đều nhiều "sạn", thẩm mỹ chưa tốt.
5 phim "bỏ túi" hơn 50 tỷ đồng gồm Cám (96,3 tỷ đồng), Gặp lại chị bầu (92,7 tỷ đồng), Linh miêu (87,4 tỷ đồng), Chị dâu (86,4 tỷ đồng) và Cô dâu hào môn (73,4 tỷ đồng).
Các số liệu này được cập nhật đến chiều 2/1. Phim Chị dâu vẫn đang chiếu, doanh thu có thể tăng thêm trong những ngày tới.
15 phim khai thác câu chuyện gia đình, trong đó có 8 phim thuộc top 10 phim bán vé tốt nhất năm. Điều này cho thấy đây vẫn là chủ đề hợp thị hiếu của điện ảnh Việt, khơi gợi được sự quan tâm cũng như sự đồng cảm từ khán giả.
Giữa 29 phim ra rạp, ba phim thuộc thể loại kinh dị (Ma da, Cám, Linh miêu) và một phim có yếu tố tâm linh (Làm giàu với ma). Cả bốn tác phẩm đều có tên trong top 10 doanh thu. Điều này tiếp tục củng cố sức hút của trào lưu kinh dị trong dòng chảy điện ảnh Việt đương đại. Nối tiếp thành công mấy năm qua, các bộ phim kinh dị - giật gân dự kiến đổ bộ nhiều hơn nữa trong năm 2025.
Trong khi phim gia đình và phim kinh dị liên tục thắng lớn trong ba năm nay, một số chủ đề phim tưởng ăn khách lại "thất thủ" ở rạp Việt. Các câu chuyện về ngoại tình hay cuộc chiến giữa "chính thất" - "tiểu tam" vẫn được khai thác nhiều trên truyền hình, nhưng ra rạp không giữ được sức hút.
Đơn cử như Cái giá của hạnh phúc được vợ chồng siêu mẫu Xuân Lan đầu tư 37 tỷ đồng nhưng thu về chỉ 26,3 tỷ đồng. Quý cô thừa kế 2 của vợ chồng Trang Nhung - Hoàng Duy cần 40 tỷ đồng để hòa vốn nhưng kiếm được chỉ 6,4 tỷ đồng.
Các tác phẩm chuyển thể từ sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có dấu hiệu giảm nhiệt, khi liên tiếp hai phim trong năm qua không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng. Ngày xưa có một chuyện tình đứng thứ 10 về doanh thu của năm với 45 tỷ đồng. Kính vạn hoa sau một tuần ra rạp thu về 5,3 tỷ đồng và nhận nhiều bình luận tiêu cực.
Doanh thu dưới 10 tỷ đồng trở nên phổ biến
Trong khi lượng phim thắng doanh thu còn khiêm tốn, loạt tác phẩm thua lỗ tồn tại nhiều hơn. Nổi bật là Công tử Bạc Liêu với câu chuyện dựa theo các giai thoại về một nhân vật có thật nhưng không thu hút đông người xem. Cần gần 100 tỷ đồng để hòa vốn, phim đến nay chỉ thu về hơn 36,1 tỷ đồng.
Phim Móng vuốt tốn kém tiền bạc cho phần kỹ xảo để xây dựng hình ảnh những con gấu và loạt cảnh rượt đuổi, mạo hiểm nhưng chỉ thu được hơn 3,9 tỷ đồng.
Đưa cả êkíp từ Việt Nam sang Mỹ làm phim Đóa hoa mong manh, đạo diễn - nhà sản xuất Mai Thu Huyền tuyên bố cần thu về hơn 100 tỷ đồng để hòa vốn dự án. Nhưng phim chỉ kiếm được 430 triệu đồng từ phòng vé nội địa, được xem là một trong các phim lỗ nhất lịch sử phim Việt.
Những năm qua, mặt bằng chung phim Việt có doanh thu được tính ở hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2024 tồn tại thực tế đáng buồn khi có tới 15 phim thu về chưa đến 10 tỷ đồng, thậm chí 7 phim trong số này kiếm được chỉ vài chục hoặc vài trăm triệu đồng.
Gây tiếc nuối là hai phim Cu li không bao giờ khóc (745 triệu đồng) và Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể (56 triệu đồng). Hai phim đều có chất lượng tốt, câu chuyện hay, nhưng do quy mô phát hành nhỏ hoặc số suất chiếu hạn chế với giờ chiếu xấu, các phim này không có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả.
Các phim B4S: Trước giờ 'yêu' (3,9 tỷ đồng), Mùa hè đẹp nhất (4,1 tỷ đồng), Án mạng lầu 4 (2 tỷ đồng)... nhiều lỗi vụng về trong kịch bản, kể chuyện, không được đón nhận. Trong khi, hai phim Trà (1,6 tỷ đồng) và Biệt đội hot girl (68 triệu đồng) bị coi là thảm họa điện ảnh của năm bởi tính thẩm mỹ kém, hình ảnh lạm dụng cơ thể phụ nữ để câu dẫn.
Từ góc độ tổng quan, điện ảnh Việt năm 2024 giữ được sự khởi sắc của một năm trước đó. Nhưng nếu đi sâu vào từng dự án, vẫn còn nhiều bộ phim tốt chưa nhận được mức doanh thu xứng tầm và nhiều kịch bản tệ vẫn có thể ra rạp, thậm chí ăn khách. Những nghịch lý này để lại nhiều trăn trở.
Phong Kiều