Năm thứ hai sau đại dịch, thị trường phim chiếu rạp chưa hồi phục hoàn toàn. Lượng phim phát hành ít, chất lượng tác phẩm gây tranh cãi và thị hiếu xem rạp của khán giả cũng thay đổi.
Năm 2023, điện ảnh nội địa có 28 phim phát hành. Con số này cao hơn năm 2020 (24 phim) và 2021 (14 phim); nhưng thấp hơn năm 2018-2019 (cùng 40 phim) và năm 2022 (38 phim).
So với năm 2022, phim Việt năm 2023 hạn chế phim dở, thảm họa. Tuy nhiên, kịch bản vẫn nhận ý kiến trái chiều, ngay cả với các dự án dẫn đầu doanh thu.
Theo báo cáo từ đơn vị theo dõi doanh thu phòng vé Box Office Vietnam, năm qua phim điện ảnh Việt thu được 1.500 tỷ đồng, chiếm 41% tổng doanh thu phòng vé năm (3.600 tỷ đồng). Từ góc độ tổng quan, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường.
Tuy nhiên, doanh thu chủ yếu tập trung vào số lượng ít các phim. Trong 1.500 tỷ đồng nói trên, hai phim Nhà bà Nữ và Lặt mặt 6 đã chiếm khoảng một nửa. Điều này đồng nghĩa phim doanh thu thấp, phim thua lỗ còn nhiều. Cột mốc doanh thu 100 tỷ đồng trở nên xa vời và 50 tỷ đồng đã là mức doanh số tích cực.
'Nhà bà Nữ' - 475 tỷ đồng
Chưa đầy một tháng ra rạp, tác phẩm soán ngôi Bố già, trở thành phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt. Trước đó, Nhà bà Nữ liên tục lập kỷ lục rồi tự xô đổ kỷ lục. Đến nay, phim chiếu rạp trong nước ghi nhận hai tác phẩm kiếm trên 400 tỷ đồng, thống lĩnh doanh thu. Đó là Nhà bà Nữ và Bố già, cùng do Trấn Thành đạo diễn.
Ngoài việc bán vé tốt, Nhà bà Nữ còn được ghi nhận chất lượng tại các sự kiện điện ảnh. Tại Liên hoan phim (LHP) Châu Á - Đà Nẵng, phim được xướng tên "Phim xuất sắc" và "Đạo diễn xuất sắc" ở mảng phim Việt Nam dự thi.
Đến giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, tác phẩm giành thêm giải Cánh Diều Bạc cho "Phim truyện điện ảnh xuất sắc" và "Biên kịch phim truyện điện ảnh xuất sắc". Tuy nhiên, phim trắng tay ở LHP Việt Nam.
Nhà bà Nữ xoay quanh mâu thuẫn của gia đình ba thế hệ đều là phụ nữ, đồng thời khắc họa những va chạm trong quan hệ giữa con rể với nhà vợ, rạn nứt vợ chồng, tình yêu bốc đồng tuổi đôi mươi. Phim được ghi nhận tái hiện tốt nhiều vấn đề gia đình và đời sống khu lao động bình dân. Tuy nhiên, phim đưa ra quá nhiều tuyến truyện nhưng không giải quyết thấu đáo tất cả. Ngoài ra, phim dễ gây mệt mỏi vì các đoạn đối thoại ồn ào và giáo điều.
'Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh' - 273 tỷ đồng
Câu chuyện phim diễn ra ở làng chiếu Định Yên ở tỉnh Đồng Tháp, mở màn khi tờ vé số sáu người bạn mua chung trúng giải độc đắc. Éo le là đúng lúc ấy, người giữ tấm vé gặp nạn qua đời. Năm người còn lại tranh cãi và đấu tranh tư tưởng về việc đào mộ bạn để tìm lại tấm vé.
Cuốn phim chưa trọn vẹn bởi kịch bản nhiều lỗ hổng, diễn biến câu chuyện và tâm lý nhân vật không thuyết phục, nhiều khoảnh khắc chuyển cảnh vô lý. Dù vậy, phim hưởng lợi thế thương hiệu. Qua 8 năm, vợ chồng Lý Hải - Minh Hà đã đưa cái tên Lật mặt trở nên phổ cập với đại chúng. Việc Lật mặt ra rạp dịp lễ 30/4 cũng trở thành thói quen hàng năm. Đặc biệt với bà con miền Tây, đây là "món ăn" gắn liền đời sống tinh thần.
Chất liệu bình dân của kịch bản đưa phim đến gần với mọi đối tượng khán giả. Độ chịu chơi của Lý Hải trong dàn dựng bối cảnh, "bày binh bố trận" các cảnh đào mồ, hỏa hoạn, lật xe, xô xát... cũng gây chú ý.
'Đất rừng phương Nam' - 140,4 tỷ đồng
Theo lời Trấn Thành - nhà đầu tư, nhà sản xuất kiêm diễn viên, Đất rừng phương Nam phải thu hơn 100 tỷ đồng mới hòa vốn. Như vậy, doanh số của phim không đạt lãi nhiều. Trước ngày phim ra rạp, anh bày tỏ kỳ vọng phim kiếm 300 tỷ đồng.
Bộ phim phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, xoay quanh một phần đầu của hành trình bé An đi tìm cha. Khi ra rạp, Đất rừng phương Nam được ghi nhận sự đầu tư về bối cảnh, với điểm quay trải dài nhiều tỉnh thành miền Tây. Diễn xuất của dàn diễn viên cũng được đảm bảo.
Tuy nhiên, phim gây tranh cãi về kiểu dáng trang phục và yếu tố tổ chức khởi nghĩa chống Pháp. Theo yêu cầu của Cục Điện ảnh Việt Nam, phim phải chỉnh sửa tên hai hội nhóm Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn thành Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn.
'Siêu lừa gặp siêu lầy' - 122 tỷ đồng
Hoãn chiếu Tết 2023 và ra rạp tháng 3 là lựa chọn sáng suốt của Siêu lừa gặp siêu lầy, giúp phim tránh cạnh tranh hai phim có dàn sao ăn khách - Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2. Hơn nữa, tháng 3 là thời điểm điện ảnh Việt ít sản phẩm, phim không cần chia sẻ cơ hội bán vé với dự án khác.
Siêu lừa gặp siêu lầy tạo tiếng cười giải trí thông qua các phi vụ lừa đào khôn ngoan được thực hiện bởi "bộ tứ siêu đẳng" do Anh Tú, Mạc Văn Khoa, Ngọc Phước và Trung Lùn đảm nhận. Câu chuyện dễ đoán, tâm lý nhân vật được xây dựng mỏng nhưng tiếng cười được đưa đẩy bởi các mánh lới lừa đảo đủ mang đến giá trị giải trí cho người xem.
'Chị chị em em 2' - 121 tỷ đồng
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết từ lúc làm phim, anh và các cộng sự đã tin Chị chị em em 2 sẽ đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh đánh giá đứa con tinh thần của mình gặp đối thủ mạnh, đó là Nhà bà Nữ. Anh nói: "Nhà bà Nữ có suất chiếu nhiều, doanh thu cao khủng khiếp. Nếu Chị chị em em 2 không đủ hay, phim chắc chỉ thu về được 20-30 tỷ đồng thôi".
Kịch bản phim lấy cảm hứng từ giai thoại về hai đệ nhất mỹ nhân Sài Thành vào những năm 1920-1930: Ba Trà và Tư Nhị, khắc họa cuộc tranh giành vị trí dẫn đầu về sắc đẹp và danh vọng của hai tuyệt sắc giai nhân một thời.
Phim tồn tại nhiều điểm phi lý trong diễn biến, gây tranh cãi với hình ảnh Ngọc Trinh để lộ ngực, nhưng được ghi nhận là bữa tiệc thời trang trên màn ảnh. Là nhân tố tiềm ẩn rủi ro vì lực diễn hạn chế nhưng Ngọc Trinh gây bất ngờ ở sự tiến bộ trong diễn xuất đài từ và biểu cảm, khi đảm nhận vai chính Tư Nhị. Dù đất diễn ít hơn đàn em, Minh Hằng - trong vai Ba Trà - cho thấy độ chín muồi của nhan sắc và diễn xuất.
'Người vợ cuối cùng' - 97 tỷ đồng
Với kết quả này, bộ phim đã về đích an toàn. Bởi theo đạo diễn Victor Vũ, Người vợ cuối cùng không cần tới 100 tỷ đồng để hòa vốn.
Phim phóng tác từ tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái - bố ruột diễn viên, nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời làm vợ lẽ khổ mệnh của Linh (Kaity Nguyễn). Những ngày thanh xuân chôn vùi trong phủ quan tri huyện, cô gặp lại người yêu cũ Nhân (Thuận Nguyễn). Cuộc tình vụng trộm cho cả hai niềm tin để sống nhưng cũng đẩy họ vào đau thương.
Điểm sáng lớn nhất của phim là thiết kế bối cảnh và phục trang. Điều này được ghi nhận bằng giải thưởng "Thiết kế mỹ thuật xuất sắc" tại LHP Việt Nam lần thứ 23.
Tuy nhiên, kịch bản lê thê, chuyện tình của hai nhân vật chính nhiều điểm không được lòng khán giả, hành xử của nam chính đôi khi gây phản cảm. Đổi lại, thuộc tuyến phụ và chỉ xuất hiện ở nửa sau phim, vai diễn của Quốc Huy bất ngờ được người xem yêu thích nhất.
'Con Nhót mót chồng' - 75 tỷ đồng
Ăn theo tiếng vang của web drama gốc Chuyện xóm tui, đồng thời quy tụ dàn sao Thái Hòa, Thu Trang, Tiến Luật, bộ phim thuận lợi thu hút lượng khán giả nhất định.
Câu chuyện về mâu thuẫn và tình thương của hai cha con (Thái Hòa - Thu Trang đóng) nhiều cảnh gây xúc động, nhưng motif phim này liên tục được vận dụng trong mấy năm gần đây, không mang lại sự mới mẻ. Ngoài ra, một số cuộc cãi vã gây mệt mỏi và vài cảnh chưa xử lý cao trào thấu đáo.
Bù lại, diễn xuất của Thái Hòa chinh phục giới chuyên môn và khán giả. Tài tử giành cả hai giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" ở giải thưởng Cánh Diều Vàng và LHP Việt Nam.
Tại Cánh Diều Vàng, Con Nhót mót chồng chiếm lĩnh cả hai giải "Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc". Ngoài ra, phim còn được vinh danh Cánh Diều Bạc cho "Phim truyện điện ảnh xuất sắc" và "Phim xuất sắc của ban giám khảo" tại LHP Việt Nam. Đây là một trong các phim có nhiều giải thưởng năm qua.
'Kẻ ăn hồn' - 65,1 tỷ đồng
Thành tích này được tạo ra sau hơn ba tuần phim khởi chiếu và sẽ tiếp tục tăng lên, do phim vẫn đang trụ rạp.
Trước khi công chiếu, Kẻ ăn hồn trải qua hành trình ba lần kiểm duyệt khó khăn, từng phải lùi lịch chiếu. Phim được mong chờ một phần nhờ hiệu ứng của truyện gốc và bản phim series - Tết ở làng Địa Ngục. Nội dung Kẻ ăn hồn là tiền truyện của series đã chiếu.
Câu chuyện xoay quanh ngôi làng Địa Ngục ẩn mình trên núi cao, giữa sương mờ. Đây là nơi trú ngụ của hậu duệ băng cướp khét tiếng năm xưa. Sau đám hỷ con gái trưởng làng, ngôi làng liên tục xảy ra những cái chết ghê rợn. Mỗi người chết bị mất một bộ phận trên cơ thể, tương ứng 5 yếu tố dùng để luyện rượu sọ người theo tà thuật cổ xưa.
Phim thuyết phục về thiết kế phục trang, bối cảnh, tạo cảm giác chân thật. Phần hóa trang mặt người đổ mồ hôi máu, thi thể người chết tím tái gây ám ảnh. Câu chuyện tận dụng nhiều chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam. Kịch bản còn những lỗ hổng nhưng có sự tiến bộ so với các phim trước đó của đạo diễn Trần Hữu Tấn như Bắc kim thang, Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà...
Phong Kiều